Bảo hiểm rủi ro nông nghiệp, tại sao khó phát triển ở Việt Nam?
Bài 1: Thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai: Nông dân "khát' nguồn kinh phí hỗ trợ
Mỗi đợt dịch bệnh, thiên tai qua đi, những người nông dân bị thiệt hại nặng nề lại loay hoay tìm nguồn vốn hỗ trợ để tiếp tục tái sản xuất. Đây là bài toán khó đối với nước ta khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra liên miên trong khi hầu hết các hộ chăn nuôi, trồng trọt đều nhỏ lẻ, manh mún.
Dịch tả lợn châu Phi khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi phá sản
Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ đầu năm 2019. Sau khi ghi nhận hai ổ dịch đầu tiên, bệnh dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu lây lan nhanh trên diện rộng ra hầu hết các tỉnh phía Bắc rồi sau đó tấn công vào các khu vực chăn nuôi phía Nam.
Tháng 9/2019, Ninh Thuận là tỉnh cuối cùng trong 63 tỉnh, thành của cả nước công bố xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Theo số liệu từ Cục Thú y, tính đến hết năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.553 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy 6 triệu con, trọng lượng xấp xỉ 400.000 tấn.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch, tổng đàn lợn nái và lợn thịt của cả nước sụt giảm mạnh, nhiều tỉnh thành giảm tới trên 50%.
Cùng với đó, trong năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra ở 24 tỉnh thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con. So với năm 2018, năm 2019, dịch lở mồm long móng xảy ra ở phạm vi rộng hơn.
Với thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng bị thiệt hại hơn 23.670 ha, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018. Cả nước đã có 44/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Trước những thiệt hại của người dân, Chính phủ cũng đã có những động thái hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, theo chỉ đạo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2019, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi tại 63 tỉnh/thành phố cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 606 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 163,61 tỷ đồng dư nợ; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh dư nợ 479 tỷ đồng.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đã chi cho việc hỗ trợ người chăn nuôi, công tác tiêu hủy, vật tư, thiết bị sát trùng, phòng, chống dịch bệnh với số tiền lên tới trên 12.000 tỷ đồng.
Mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 35.000 đồng/kg lợn hơi.
Đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 12.000 đồng/kg lợn hơi.
Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).
Một số địa phương cho biết, chưa bao giờ, kinh phí hỗ trợ đối với ngành chăn nuôi lại lớn như đại dịch tả lần này. Tại tỉnh Thái Bình, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang, tỉnh đã chi trả hỗ trợ 150 tỷ đồng cho 70.000 tấn thịt lợn tiêu huỷ nhưng kinh phí hỗ trợ vẫn rất thiếu.
Còn tại Hà Nam, lãnh đạo địa phương này cho hay, đã chi ra 54 tỷ đồng (gồm 50% nguồn dự phòng địa phương) để hỗ trợ cho 23% tổng đàn bị chết, còn hiện vẫn đang chờ hỗ trợ từ Trung ương.
Với tỉnh Nam Định, số tiền hỗ trợ đã lên đến 442 tỷ đồng. Theo ông Ngô Gia Tự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nguồn ngân sách địa phương eo hẹp, chỉ trích được 13%, còn ngân sách Trung ương vẫn chưa hỗ trợ kịp.
Mặc dù số tiền chi cho việc hỗ trợ nhìn trên số liệu thì rất lớn những với hàng chục nghìn hộ dân với hàng triệu con lợn bị tiêu hủy trên cả nước thì số tiền này thực sự mới chỉ như "muối bỏ bể".
Đó là chưa kể đến việc một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cho người dân nên người chăn nuôi chưa có tiền để tiếp tục sản xuất. Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi để tái đàn, tăng đàn.
"Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn. Bởi lẽ, để tái đàn lợn cần vốn để đầu tư sửa chữa trang trại đáp ứng tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống và nguồn thức ăn. Trong khi đó, giá con giống đang ở mức rất cao, để mua được là điều không hề đơn giản, còn nguồn thức ăn cũng đang tăng" – một nông dân nuôi lợn tại miền Trung chia sẻ.
Người nuôi tôm hùm trắng tay sau một đêm lũ lụt tràn về
Sau cơn báo số 12 vừa qua, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, nơi được mệnh danh là "Thủ phủ tôm hùm" chết lặng đi vì mất trắng. Theo UBND thị xã Sông Cầu, người nuôi tôm hùm ở địa phương đang bị thiệt hại rất nặng do tôm hùm chết hàng loạt, thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
Riêng thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, cả thôn có 446 hộ, trong đó có 442 hộ nuôi tôm hùm. Nhiều ngày nay, qua theo dõi, số tôm hùm chết đưa vào bờ lên đến hàng tấn, đó là chưa kể đến hàng trăm nghìn con tôm hùm con đang ươm nuôi cũng bị sốc nước lũ đến chết.
Chị Hà Thị Lợi (ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu), có 30 lồng nuôi tôm hùm chuẩn bị xuất bán và tôm con trị giá gần 300 triệu đồng của gia đình chị đã bị nước lũ sau cơn bão số 12 làm chết sạch. Toàn bộ gia sản của gia đình chị chỉ sau 1 đêm mất sạch, chị chỉ biết gào khóc bên đống tôm hùm chết.
Lũ cuốn trôi làm chết hết 20.000 con tôm hùm xanh và nhiều cá của anh Trần Yêm (42 tuổi, ở phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu), gây tổn thất 700 triệu đồng khiến gia đình anh lâm cảnh khốn khó.
"Tôm cá của tôi số thì đã nuôi được 4 đến 5 tháng, số thì hơn 14 tháng sắp thu hoạch được rồi, giờ lũ đổ về khiến vợ chồng tôi gần như trắng tay. Hiện, tôi còn vay ngân hàng 600 triệu và nợ ngoài cũng nhiều, tiền lãi hàng tháng rất cao giờ chẳng biết lấy nguồn đâu để bù đắp", vợ anh Yêm, chị Trần Thị Được cho hay.
Gia đình anh Trần Yên (45 tuổi, cùng ở phường Xuân Thành) cũng cùng cảnh thiệt hại khi thiên tai, lũ đột ngột đổ về cuốn trôi và gây chết 16.000 con tôm hùm xanh cùng với nhiều lồng cá, gây thiệt hại 600 triệu đồng.
Theo chị Lê Thị Mỹ Lan (43 tuổi, vợ anh Trần Yên), lo lắng nhất hiện nay là nợ nần, chủ nợ có thể siết nhà, siết tài sản bất cứ lúc nào nếu không trả hết nợ cho họ.
"Dân nuôi tôm, cá ở đây đa số là vay mượn ngân hàng, vay tiền nóng để thả giống, cho tôm, cá ăn. Giờ mọi người đều trắng tay", chị Lan nói trong nước mắt.
Người dân "Thủ phủ tôm hùm" mong muốn và kiến nghị các cơ quan chức năng sớm thống kê những thiệt hại, có biện pháp hỗ trợ vốn, giãn nợ, khoanh nợ vốn vay ngân hàng.
Đồng thời, cần khuyến cáo, tập huấn cho bà con chăn nuôi một cách khoa học, để ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất như hiện nay.