Bài 3: Nên trao quyền thực hiện bảo hiểm rủi ro nông nghiệp cho hợp tác xã
Sau những đợt dịch bệnh, thiên tai như lũ lụt, hạn hán ngành nông nghiệp lại chịu những thiệt hại nặng nề. Tham gia sản xuất nông nghiệp nước ta hầu hết là những hộ nông dân nhỏ lẻ, do vậy trước mỗi lần gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, người nông dân phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn để tái sản xuất.
Vấn đề bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp đã được bàn đến nhiều. Nhà nước cũng đã có những chính sách liên quan đến vấn đề này nhằm gỡ khó cho người nông dân. Nhưng qua nhiều năm, các chính sách này vẫn khó đến được với người nông dân bởi nhiều nguyên nhân.
Trao đổi với Dân Việt, TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, thành viên Liên minh nông nghiệp cho hay, khuynh hướng các rủi ro như thiên tai, dịch bệnh đối với nông nghiệp ngày càng tăng và quy mô ngày càng lớn. Đối tượng chịu rủi ro ở đây là doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là những hộ nông dân làm nông nghiệp nhỏ lẻ. Bởi vậy, bảo hiểm nông nghiệp là một vấn đề lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay chưa phát triển, chưa có thị trường bảo hiểm nông nghiệp.
Nguyên nhân được ông Thành chỉ ra là vì, người dân chưa có nhiều thông tin về vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp, một số người biết thì sợ tốn kém và họ còn chần chừ không biết có nên mua hay không. Trong khi các doanh nghiệp làm bảo hiểm nông nghiệp lại chưa thấy được những yếu tố thuận lợi.
"Do đó, việc hình thành một thị trường bảo hiểm là không dễ ở Việt Nam. Đó là một thiệt thòi cho người nông dân" – ông Thành nói.
Về vấn đề bảo hiểm rủi ro trong ngành nông nghiệp, trao đổi với Dân Việt, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa làm được. Do đa số là những hộ nông dân nhỏ, khả năng mua bảo hiểm rất thấp. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lớn ở nước ngoài vào Việt Nam cũng đã thất bại vì người dân không đủ khả năng mua bảo hiểm như các trang trại lớn ở nước ngoài.
Trao đổi về giải pháp cho vấn đề bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp phù hợp với Việt Nam, TS Đào Thế Anh cho rằng: "Hình thức mà các nước đang dùng tôi thấy phù hợp với Việt Nam là giao cho hợp tác xã quyền thực hiện bảo hiểm tương hỗ cho các xã viên để tương trợ cho nhau. Cùng với đó là tăng năng lực cho hợp tác xã để có những quỹ chia sẻ rủi ro cho các thành viên trong hợp tác xã".
"Rất nhiều hợp tác xã ở các nước có mô hình tín dụng nội bộ và bảo hiểm tương hỗ. Việc này sẽ giúp ích được cho các hộ nông dân nhỏ vì đối tượng này không đủ khả năng để mua bảo hiểm của các doanh nghiệp" – TS Đào Thế Anh nói.
Đồng thời, ông cho hay, hiện nay, các chính sách hỗ trợ các hộ nông dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai chúng ta cũng có nhiều, vừa kết hợp xã hội hóa vừa có các chương trình của Chính phủ về các gói hỗ trợ kỹ thuật như giống má. Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh diễn ra thường xuyên, do đó cần phải thúc đẩy phát triển các quỹ giống dự trữ để đề phòng rủi ro, tái sản xuất.
Về vấn đề nguồn vốn cho các hợp tác xã, TS Đào Thế Anh cho hay, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thúc đẩy xây dựng chương trình đầu tư cho hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng chương trình đầu tư này cần phải được đồng bộ theo chuỗi còn nếu chỉ đầu tư vào sản xuất hoặc chỉ đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch thì chưa ổn vì như thế chuỗi sẽ không phát triển.
Mặt khác, vấn đề tiếp cận tín dụng cũng rất quan trọng. Vấn đề đầu tư chỉ là hỗ trợ làm mồi còn cái lâu dài, cơ bản thì phải xác định hợp tác xã là một đơn vị kinh doanh, hỗ trợ cho các hộ để kinh doanh. Vì vậy, việc tiếp cận vốn cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, điều này hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chủ yếu vẫn dựa vào việc thế chấp sổ đỏ là chính trong khi không phải hợp tác xã nào cũng có sổ đỏ.
"Chúng ta cần phải có cải cách tín dụng nông nghiệp theo hướng cho vay các dự án phát triển chuỗi. Dự án tốt, được đánh giá khả thi thì được giải ngân. Chứ không phải cho vay như hiện nay là dựa trên tài sản thế chấp" – ông Anh nói.
Mặt khác, theo ông Anh, nhu cầu sử dụng vốn của sản xuất nông nghiệp thì rải dài theo thời gian chứ không phải cần giải ngân ngay một lần, nếu cho vay luôn cả gói thì dù chưa có nhu cầu sử dụng hết nhưng lãi suất sẽ bị tích lũy. Một số nước phát triển họ đã có những mô hình cho vay theo dự án và giải ngân theo đúng nhu cầu vốn của dự án theo thời gian.