Bán dự án ma, di dời nhà máy khỏi nội đô... làm nóng nghị trường Quốc hội
Tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước sáng 30/10, đại biểu Đoàn Thanh Hải (Tiền Giang) phát biểu và cho rằng một trong những vấn đề đáng quan tâm trong thời gia qua là việc quản lý các giao dịch bất động sản và ổn định nền kinh tế. Cụ thể, ông Hải dẫn chứng tình trạng lừa đảo bán nhà, bán đất ở các dự án ma đã diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp.
Theo đại biểu này, hiệu quả trong việc phát triển nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp; việc giải quyết hài hoà giữa quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu đầu tư, ban quản lý nhà chung cư và người mua nhà đặc biệt là việc thực thực hiện các kết luận sau khi kiểm tra, giám sát đối với các dự án nhà chung cư cũng cần được quan tâm đúng mức.
“Mâu thuẫn giữa nhà đầu tư, người mua và các diện tích sử dụng chung, các công trình phục vụ công cộng hay cam kết kết ban đầu của nhà đầu tư đối với người mua nhà… là các vấn đề xuất hiện từ lâu, đã có nhiều giải pháp đưa ra trong thời gian qua nhưng hiệu quả của các giải pháp thì cần đánh giá lại một cách tổng thể để điều chỉnh trong thời gian tới”, ông Hải nói.
Đại biểu Đoàn Thanh Hải cũng cho rằng một tình trạng khác đáng quan tâm là đầu cơ đất đai, thổi giá để hưởng chênh lệch trong khi giá trị thật thấp hơn nhiều lần giá trị chuyển nhượng xảy ra tại các địa phương có nền kinh tế trọng điểm, khu đô thị. Đại biểu tỉnh Tiền Giang đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát tình trạng nói trên, tránh tình trạng thị trường bất động sản có biến động lớn gây đổ vỡ nền kinh tế theo hướng domino như cách đây nhiều năm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng lấy dẫn chứng từ vụ việc lừa đảo ở CTCP Địa ốc Alibaba đã kéo dài trong 3 năm, diễn ra trong 3 tỉnh thành với trên 6.000 người có liên quan mới nhưng được xử lý gần đây để chứng minh cho nhận định cơ quan nhà nước chưa thực hiện kịp thời chức năng của mình, có tình trạng trạng chạy theo để xử lý hậu quả, "mất bò mới lo làm chuồng".
Ngoài trường hợp của Alibaba, ông Hiền cũng rằng việc quản lý xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cổ phần hoá đất vàng… đang bộc lộ nhiều vấn đề, cụ thể là công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước đang bị xử lý chậm, hậu quả là phải đến khi có những vụ việc bị phát hiện, xảy ra sự cố gây thiệt hại về người, tài sản thì mới được quan tâm tuyên truyền.
“Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chúng ta chậm phát triển và khi phát triển thì cũng chậm có giải pháp”, ông đặt vấn đề.
Dẫn chứng được ông Nguyễn Thanh Hiền đưa ra là vụ cháy tại nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới đây là báo động về việc thực hiện thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường, được ví là quả bom nổ chậm ra khỏi các khu vực đông dân cư chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
“Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục, đừng để người dân phải chịu hậu quả bởi sự tắc trách thiếu trách nhiệm của bộ phận cán bộ chúng ta trong thực thi nhiệm vụ”, ông Hiền phát biểu.