Giá nhà ở xã hội liên tục "phá đỉnh": Bộ Xây dựng lý giải thế nào?

Thái Nguyễn
06/07/2025 14:00 GMT +7
Đại diện Bộ Xây dựng đã có những lý giải về nguyên nhân khiến giá nhà ở xã hội ngày càng "leo thang", trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng lớn.

Giá bán nhà ở xã hội liên tục "phá đỉnh"

Mới đây, dự án nhà ở xã hội Rice City Long Châu (quận Long Biên) được liên danh chủ đầu tư là Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô và BIC Việt Nam công bố giá bán. Theo đó, giá bán trung bình tạm tính 26 - 27 triệu đồng/m2.

Với mức giá đó, căn nhỏ nhất của dự án là 32m2, sẽ có giá khoảng hơn 800 triệu đồng. Còn căn lớn nhất diện tích 77m2 sẽ có giá khoảng 2 tỷ đồng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay với một dự án nhà ở xã hội mới tại Hà Nội, đồng thời cũng là mức chưa từng có trong lịch sử phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Trước đó, dự án nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng được liên danh chủ đầu tư tạm tính giá bán khoảng 25 triệu đồng/m2. Một dự án khác ở huyện Mê Linh với 700 căn dự kiến có giá 21,2 triệu đồng/m2. Như vậy, so với khoảng giá phổ biến 13 - 17 triệu đồng/m2 trong giai đoạn trước đây, giá nhà ở xã hội hiện tại đã tăng "phi mã".

Dự án nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình được liên danh chủ đầu tư tạm tính giá bán khoảng 25 triệu đồng/m2. Ảnh: Hạnh Phúc (tháng 3/2025).

Về nguyên nhân khiến giá nhà ở xã hội ngày càng cao, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, một số trường hợp bị phản ánh là giá bán nhà ở xã hội cao bất thường có thể do cách phân bổ chi phí giữa phần thương mại và phần nhà ở xã hội trong các dự án hỗn hợp chưa phù hợp, hoặc chủ đầu tư tính lợi nhuận vượt mức định mức tối đa 10%. Tuy nhiên, hiện đã có cơ chế để kiểm soát điều này.

Từ sau khi Nghị quyết về nhà ở xã hội được thông qua, quy trình xác định giá bán cũng được yêu cầu siết chặt hơn. Chủ đầu tư phải thuê đơn vị thẩm định giá độc lập, sau khi công trình hoàn thành phải tiếp tục thuê kiểm toán độc lập và chịu kiểm toán Nhà nước với các công trình dùng vốn đầu tư công.

“Giá bán phải được Sở Xây dựng xác nhận phù hợp mới được công bố bán ra. Nếu chủ đầu tư tự ý bán cao hơn giá quyết toán thì không được thu thêm, bán thấp hơn cũng không được giữ lại phần chênh lệch”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cho rằng, đây là cách làm vừa minh bạch, vừa linh hoạt, cho phép doanh nghiệp tự tính toán nhưng vẫn nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước.

Giá bán nhà ở xã hội không được quy định cứng

Theo đại diện Bộ Xây dựng, cần nhìn nhận toàn diện về cách hình thành giá bán nhà ở xã hội trước khi cho rằng giá đang bị đẩy lên bất hợp lý.

“Giá bán nhà ở xã hội hiện nay không phải được quy định cứng. Chủ đầu tư được phép tính toán đầy đủ các cấu phần hình thành giá theo đúng pháp luật, bao gồm chi phí xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, lãi vay, chi phí vận hành, quản lý… nên giá bán mỗi dự án là khác nhau”, ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, nếu dự án nhà ở xã hội được thực hiện trên nền tảng đất sạch đã có sẵn, được Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội đầy đủ thì giá thành chỉ bao gồm chi phí xây dựng phần nhà, dẫn đến giá bán có thể thấp hơn đáng kể.

Tuy nhiên, với các dự án độc lập mà doanh nghiệp phải tự lo toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, kể cả giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư... thì chi phí này sẽ được cộng vào giá thành.

“Tiền sử dụng đất được miễn nhưng chi phí đầu vào khác không hề nhỏ. Nếu địa phương giao quỹ đất sạch, có kết nối hạ tầng, giá nhà ở xã hội chắc chắn sẽ rẻ hơn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tự xoay sở từ đầu đến cuối, giá sẽ tăng là điều dễ hiểu. Điều này cũng lý giải vì sao trong cùng một địa phương, thậm chí cùng một quận, nhưng các dự án nhà ở xã hội lại có giá bán rất khác nhau”, ông Hưng phân tích.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngoài yếu tố chi phí hạ tầng, giá nhà ở xã hội hiện nay còn chịu áp lực lớn từ lãi vay, chi phí quản lý và đặc biệt là độ trễ trong triển khai dự án. Các dự án kéo dài nhiều năm sẽ phát sinh thêm chi phí tài chính, chi phí vận hành, vật liệu, nhân công… tất cả đều tăng theo thời gian và buộc chủ đầu tư phải cộng dồn vào giá.

Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, giải pháp then chốt để giảm giá nhà ở xã hội không phải là siết doanh nghiệp hay áp giá trần cứng nhắc, mà là tăng cường vai trò của địa phương trong việc giao đất sạch, đầu tư hạ tầng và giám sát minh bạch giá bán.

“Không thể để doanh nghiệp tự xoay sở từ "A đến Z" rồi lại bắt họ bán giá thấp như nơi được hỗ trợ đầy đủ. Nhà nước cần tham gia sâu hơn ở khâu chuẩn bị đầu tư nếu muốn nhà ở xã hội thực sự rẻ và đủ cho người thu nhập thấp. Cần tăng cường vai trò hậu kiểm và giám sát giá bán sau khi dự án hoàn thành để ngăn chặn tình trạng “trục lợi chính sách”, đồng thời mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi, giảm chi phí lãi vay cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội", ông Hưng nhấn mạnh.