Bán lẻ xăng dầu có tài sản hàng nghìn tỷ đồng cần được coi là doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Thương mại
Tại phiên giải trình của hai Bộ Công Thương - Bộ Tài chính về điều hành thị trường xăng dầu do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, hôm nay 28/2, khi được mời phát biểu, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty xăng dầu Bội Ngọc ở Trà Vinh cho rằng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu nên dùng từ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chứ không dùng từ là đại lý bán lẻ, bởi vì có những doanh nghiệp chuyên bán lẻ có nhiều cửa hàng và giá trị tài sản hàng nghìn tỷ đồng.
"Điều 166, Luật Thương mại quy định 'Đại lý thương mại là đại lý bán hàng để hưởng thù lao'. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, có tháng chúng tôi bán hàng với mức thù lao 0 đồng, thậm chí âm. Như vậy, về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý", ông Tây nói.
Do vậy, ông Tây đề nghị được thực hiện theo Điều 11 của Luật Thương mại là: "Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào".
Cùng với đó, ông Tây đề xuất doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở nhiều nguồn, theo ông này: "Chính vì Nghị định 95 cho doanh nghiệp bản lẻ chỉ lấy hàng một nơi duy nhất nên thời gian qua đã đứt gãy nguồn hàng và nguy cơ sẽ còn tiếp diễn. Vì vậy, chúng tôi nhất quán quan điểm rằng doanh nghiệp bán lẻ cần được lấy hàng từ nhiều nguồn để nguồn cung được đảm bảo hơn", ông Tây nói.
Ông này dẫn quy định tại khoản 1, Điều 7, Thông tư 104/2021 của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95, Nghị định 83: "Chi phí KDXD định mức là khoản chi phí có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu gồm: chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ của đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa" và cho biết, đây là quy định quá chung chung.
Ông Tây đề nghị sửa "Điều 38a. trong công thức giá cơ sở như sau: phần chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này tạm gọi là chi phí cơ bản phải phân chia rõ ở 3 khâu là doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ, riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị 5-6%/giá bán lẻ chúng tôi mới đủ trang trải chi phí hoạt động để trả lương cho nhân viên, điện nước, hao hụt, sửa chữa máy móc thiết bị, trả lãi ngân hàng, chi phí mặt bằng, chi phí quản lý kinh doanh và các chi phí cơ hội khác. Phần chi phí cơ bản này thuộc sở hữu của doanh nghiệp bán lẻ và được ghi trong giá cơ sở. Đây là công cụ quản lý hữu hiệu của nhà nước, để doanh nghiệp bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi tình huống của giá xăng dầu thế giới".
Theo doanh nghiệp này, nếu không quy định rõ hạn mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ thì sau này thị trường sẽ tiếp tục bất ổn là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân là không ai dám đảm bảo được doanh nghiệp đầu mối lại hạ chiết khấu xuống cho doanh nghiệp bán lẻ bằng 0 đồng.
Ông Tây cũng đề xuất cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Nguyên do là việc này sẽ góp phần điều tiết nguồn hàng theo quy luật cung cầu, làm cho nguồn cung không bị đứt gãy, đồng thời, có phần thù lao tăng thêm do cạnh tranh mang lại.
"Nếu không cho lấy nhiều nguồn thì doanh nghiệp bán lẻ sẽ không có phần thù lao mềm này, thị trường trở nên co cứng, nguồn cung bị giới hạn, chẳng hạn như nhà cung cấp nào bị rút giấy phép thì sẽ ảnh hưởng hàng loạt", ông Tây nói.
Ông Tây cho rằng muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là: quy định chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm và quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất là 3 nơi để đảm bảo nguồn hàng.
Theo ông Tây: "Muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là phải quy định chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức cho DNBL không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm".