Bao giờ Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới? Có rất nhiều dự báo được đưa ra bởi các nhà phân tích toàn cầu, nhưng tất cả đều đơn thuần là dự báo với nhiều bất ổn và thách thức.

Một dự báo mới đây được các nhà kinh tế Bloomberg Economics công bố chỉ ra rằng Trung Quốc có thể soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo quy mô GDP sớm nhất là vào năm 2031. Đó là trong trường hợp lạc quan nhất với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh đưa ra các cải cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế còn Washington không thể thúc đẩy các đề xuất tái thiết cơ sở hạ tầng mà Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đề ra.

Nhưng tình huống đó khó có thể trở thành hiện thực. 

Chương trình cải cách của Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức. Các biện pháp hạn chế thương mại và thuế quan trừng phạt của Mỹ đang cản trở khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu và tiếp xúc với công nghệ tiên tiến của phía Trung Quốc. Thêm vào đó, dù sớm kiểm soát thành công cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 nhưng các biện pháp kích thích kinh tế sau đó đã đưa gánh nặng nợ của Trung Quốc lên mức kỷ lục.

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản (Ảnh: Bloomberg)

Một kịch bản đầy quan ngại với Bắc Kinh lúc này là liệu Trung Quốc có phát triển theo quỹ đạo tương tự Nhật Bản hay không. 3 thập kỷ trước, Nhật Bản cũng được coi là đối thủ kinh tế tiềm năng đe dọa vị thế “thống trị” của Mỹ, nhưng điều đó đã không xảy ra. Sự thất bại trong cải cách kinh tế, sự cô lập từ quốc tế và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do đại dịch có thể sẽ cản bước tiến của Trung Quốc trong nỗ lực vươn lên thành nền kinh tế hàng đầu hành tinh.

Một khả năng khác mà những nhà phân tích hoài nghi thường nhấn mạnh, là liệu dữ liệu GDP của Trung Quốc có bị thổi phồng hay không. Trong tình huống này, có thể Trung Quốc rồi sẽ vượt qua Mỹ, nhưng với tốc độ chậm hơn dự báo do khoảng cách thực tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu hành tinh hiện xa hơn những gì số liệu phản ánh.

Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi không đồng đều sau đại dịch (Ảnh: Bloomberg)

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 4.

Nghiên cứu mới đây của Bloomberg Economics chỉ đề cập đến khía cạnh GDP danh nghĩa tính bằng đồng USD thay vì phương pháp so sánh ngang giá sức mua. 

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 5.

Theo Bloomberg, trong dài hạn, có 3 yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế: quy mô lực lượng lao động, nguồn vốn (bao gồm tất cả các khía cạnh từ vốn đầu tư sản xuất đến cơ sở hạ tầng giao thông, mạng lưới viễn thông internet…) và năng suất.

Trong cả ba lĩnh vực này, Trung Quốc đều phải đối mặt với những thách thức lớn.

Đầu tiên, về lực lượng lao động: cơ cấu dân số già đi đang thực sự đe dọa sự tăng trưởng của lực lượng lao động Trung Quốc. Nếu tỷ lệ sinh thấp như hiện tại tiếp tục được duy trì, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ giảm mạnh 28%, tương đương 260 triệu người trong 3 thập kỷ tới. Song song với đó là dân số già tăng lên, đồng nghĩa chi phí an sinh xã hội, phúc lợi và lương hưu tăng lên, gây áp lực lớn cho ngân sách chính phủ.

Nhận thức được những rủi ro, Trung Quốc đã có những thay đổi chính sách nhất định. Năm 2016, nước này cho phép sinh 2 con, đảo ngược chính sách sinh 1 con kéo dài nhiều thập kỷ. Đến năm nay, chính phủ Bắc Kinh tiếp tục cho phép sinh 3 con. Trong khi đó, kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu đang được thảo luận.

Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể không giúp tỷ lệ sinh ở Trung Quốc tăng lên trong bối cảnh chi phí nhà ở và giáo dục tại các thành phố lớn tăng vọt như hiện tại, gây áp lực cho các hộ gia đình trẻ. “Lý do tôi không mua  ba chiếc Rolls Royces không phải vì chính phủ không cho phép” - một người dân Trung Quốc cho hay sau khi Bắc Kinh thay đổi chính sách sinh đẻ. 

Ngay cả khi cải cách này thành công, nó khó bù đắp được tác động của tình trạng dân số già đi trong nền kinh tế Trung Quốc.

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 6.

Tỷ lệ sinh thấp và dân số già đe dọa lực lượng lao động của Trung Quốc trong tương lai (Ảnh: Reuters)

Liên quan đến yếu tố thứ hai - chi tiêu vốn: Bloomberg chỉ ra rằng sau nhiều năm tốc độ đầu tư tăng trưởng chóng mặt, có nhiều bằng chứng cho thấy đầu tư của Trung Quốc đang mang về lợi ích giảm dần. Hãy nhìn những thị trấn ma với các tòa nhà chung cư trống trải, hay các đường cao tốc 6 làn xe dẫn đến những vùng nông thôn thưa thớt dân cư. Rõ ràng, tại nhiều dự án, hiệu quả thu về tỷ lệ nghịch hoàn toàn với số vốn bỏ ra. 

Thứ ba, về năng suất kinh tế: khi lực lượng lao động có xu hướng thu hẹp và chi tiêu vốn không còn mang lại lợi ích cận biên như trước đây, tăng năng suất chính là chìa khóa mở ra sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai cho Trung Quốc.

Hầu hết các nhà kinh tế phương Tây cho rằng để tăng năng suất kinh tế, Trung Quốc cần bãi bỏ hệ thống pháp luật hộ khẩu (mang tính ràng buộc người lao động với nơi sinh) nhằm thu hẹp bất bình đẳng giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị hay san bằng khoảng cách giữa khu vực kinh tế công và tư, giảm bớt rào cản với doanh nghiệp nước ngoài, mở cửa thị trường tài chính...

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 7.

Khoảng cách giàu nghèo giữa vùng nông thôn và thành thị Trung Quốc ngày càng tăng là một vấn đề mang tính cơ cấu trong nền kinh tế (Ảnh: Bloomberg)

Thực tế, hiệu quả năng suất kinh tế của Trung Quốc trong việc kết hợp lao động và vốn hiện chỉ bằng khoảng 50% so với Mỹ. Tức là Trung Quốc còn nhiều dư địa để nâng cao năng suất kinh tế. Và Bắc Kinh đang công bố kế hoạch cải cách chi tiết của họ nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng nói chung. Bloomberg Economics dự báo đến năm 2050, hiệu quả năng suất của Trung Quốc sẽ bằng 70% so với Mỹ.

Nhưng có một rủi ro lớn hơn cho Trung Quốc, xét từ khía cạnh địa chính trị toàn cầu. Một cuộc khảo sát gần đây của Pew cho thấy 76% người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc - một con số cao kỷ lục. Trên toàn cầu, nhiều quốc gia khác cũng đang quan tâm đến sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 mà địa điểm bùng phát đầu tiên nằm ở Vũ Hán, Trung Quốc. 

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 8.

Thêm vào đó, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay, tỷ lệ nợ quốc gia trên GDP của Trung Quốc đã tăng vọt từ mức 140% lên 290% GDP. Nợ tăng nhanh vào năm ngoái khi Bắc Kinh tung ra một số gói kích thích nền kinh tế để xoa dịu tác động của đại dịch. Dựa trên một nghiên cứu của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff về các cuộc khủng hoảng tài chính, Bloomberg Economics chỉ ra rằng các khoản vay lớn như vậy có thể đưa Trung Quốc rơi vào một cuộc suy thoái sâu mất hàng thập kỷ để vực dậy.

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 9.

Khi được hỏi về nguy cơ Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế hàng đầu hành tinh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thẳng thắn khẳng định: “Điều đó sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ của tôi, bởi vì Mỹ sẽ tiếp tục phát triển”.

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 10.

Đối với Mỹ, cũng như Trung Quốc, con đường tăng trưởng không nằm ở đâu khác ngoài việc mở rộng lực lượng lao động, nâng cấp nguồn vốn và đổi mới công nghệ để thúc đẩy năng suất kinh tế.

Tổng thống Biden đã đưa ra hai Sáng kiến nghìn tỷ USD bao gồm kế hoạch việc làm cho nước Mỹ và kế hoạch gia đình Mỹ trong nỗ lực duy trì vị thế thống trị của nền kinh tế Mỹ.

Cụ thể, ông Biden tham vọng nâng thuế doanh nghiệp trong nước lên 28% để tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia, từ đó trang trải cho gói chi tiêu khổng lồ hơn 2 nghìn tỷ USD thông qua "Kế hoạch việc làm cho người Mỹ". Kế hoạch này tập trung vào việc tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp trên toàn nước Mỹ cũng như tạo việc làm thị trường lao động, tập trung vào chống biến đổi khí hậu.

Để tài trợ cho Kế hoạch Gia đình Mỹ, ông Biden tìm cách tăng thuế tài sản gia tăng, tức thuế các khoản lãi đầu tư, từ 20% lên 39,6%, tức mức tăng gần gấp đôi với những người Mỹ có thu nhập trên 1 triệu USD mỗi năm, theo tính toán của Bloomberg. Kế hoạch việc làm cho người Mỹ tập trung vào các ưu tiên chăm sóc trẻ em, mở rộng hệ thống giáo dục nhà trẻ miễn phí quốc gia, miễn phí đại học công, trả lương cho người lao động trong kỳ nghỉ phép…

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 11.

Bằng cách nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, ông Biden kỳ vọng sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Tập hợp tất cả những yếu tố này, Bloomberg Economics đã xây dựng các kịch bản cho kết quả của cuộc chạy đua kinh tế Mỹ - Trung. Nếu mọi yếu tố thuận lợi cho Trung Quốc - từ cải cách trong nước thành công đến môi trường địa chính trị toàn cầu thuận lợi, thì nước này có thể vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm nhất vào năm 2031. Ông Tập Cận Bình có lý do để lạc quan về kịch bản này: dân số Trung Quốc hiện là 1,4 tỷ dân, gấp 4 lần Mỹ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch là một động lực lớn. 

Tuy nhiên, còn nhiều thách thức khác có thể ngăn cản Trung Quốc chiếm ngôi thống lĩnh kinh tế của Mỹ: cải cách đình trệ, quan hệ toàn cầu rạn nứt, lực lượng lao động thu hẹp, khủng hoảng tài chính do gánh nặng nợ… 

Bao giờ Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh? - Ảnh 12.