Nền kinh tế Trung Quốc còn nhiều rủi ro đáng lo hơn lạm phát

14/05/2021 19:00 GMT+7
Trong khi các nhà đầu tư thế giới quan ngại về vấn đề lạm phát, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBoC có nhiều vấn đề phải lo hơn là sự gia tăng giá cả.

Khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế, các ngân hàng Trung ương toàn cầu đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và môi trường lãi suất thấp kỷ lục để kích thích đà phục hồi, tăng trưởng. Trung Quốc không phải là ngoại lệ.

Giờ đây, khi nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi, giá tiêu dùng và chi phí sản xuất tăng cao, các nhà đầu tư thế giới đang quan ngại liệu các ngân hàng Trung ương có sắp tăng lãi suất và siết lại chính sách tiền tệ lỏng lẻo hiện nay hay không, khi mà lạm phát đang có dấu hiệu tăng vọt.

Nhưng PBoC cho biết họ không lo lắng về lạm phát, cũng chưa có ý định điều chỉnh chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro cấp bách hơn. Báo cáo mới nhất của PBoC khẳng định chi tiêu tiêu dùng trong nước còn hạn chế và tăng trưởng đầu tư không đủ để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Thêm vào đó, doanh nghiệp tư nhân nhỏ vẫn đang đối diện với thách thức lớn sau cuộc khủng hoảng đại dịch, và việc đảm bảo thị trường lao động mạnh mẽ cũng là vấn đề nan giải.

PBoC nói thêm rằng sự gia tăng lạm phát ở các nền kinh tế lớn đã dẫn đến áp lực giảm giá tiền tệ ở một số nền kinh tế mới nổi. Dữ liệu công bố tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 4 tăng vọt 4,2%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2008. Trong khi đó, giá sản xuất tăng 6,2% trong cùng kỳ, mức tăng nhanh nhất trong gần 1 thập kỷ.

Nền kinh tế Trung Quốc còn nhiều rủi ro đáng lo hơn lạm phát - Ảnh 1.

Nền kinh tế Trung Quốc còn nhiều rủi ro đáng lo hơn lạm phát

Nhiều rủi ro đáng quan tâm hơn lạm phát

Hồi đầu tuần, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết giá sản xuất đã tăng 6,8% trong tháng 4, mức tăng nhanh nhất trong vòng 3 năm qua. Nhưng giá tiêu dùng chỉ tăng 0,9% do giá thịt lợn giảm. 

Francoise Huang, nhà kinh tế cấp cao tại Euler Hermes, một công ty con của Allianz nhận định chính sách lãi suất của PBoC có thể không đổi trong năm nay do lạm phát chưa phải áp lực quá nóng. PBoC cũng cam kết duy trì lãi suất cho vay cơ bản trong một năm, đồng thời nói thêm rằng chính sách tiền tệ trong tương lai sẽ theo hướng thận trọng một cách linh hoạt và phù hợp với thực trạng nền kinh tế.

Zong Liang, trưởng nhóm nghiên cứu tại Ngân hàng Trung Quốc cho biết ông không hy vọng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ thay đổi cho đến ít nhất nửa cuối năm nay. Thực tế là PBoC đã duy trì chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ so với các quốc gia khác trong hai năm qua.

Mặc dù Zong Liang dự báo chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tăng trong quý II, đặc biệt khi tốc độ tiêm chủng trong nước tăng nhanh, nhưng nhìn chung tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và chưa thể trở lại mức trước đại dịch.

Một dấu hiệu khác cho thấy sự thận trọng của Bắc Kinh: các nhà chức trách nhận thấy áp lực hỗ trợ thị trường lao động vẫn còn lớn. Tại cuộc họp giữa tuần này, chính quyền Trung ương đã quyết định gia hạn các gói hỗ trợ thất nghiệp cho đến cuối năm nay, dù mức độ hỗ trợ đã thu hẹp so với hồi năm ngoái. Một số nhà kinh tế cho biết mức độ tăng trưởng tín dụng chậm hơn dự kiến trong tháng 4 mà Bắc Kinh vừa công bố cũng phản ánh phần nào sự thắt chặt tín dụng khi gánh nặng nợ nần trong nước tăng cao sau đại dịch.

Chuyên gia kinh tế vĩ mô Bruce Pang từ China Renaissance nhận định: “Chúng tôi cho rằng các hỗ trợ tiền tệ đang bắt đầu được thắt chặt, nhưng về tổng thể, chính sách tín dụng vẫn đang lỏng lẻo tương đối để hỗ trợ cho sự phục hồi cân bằng của nền kinh tế thực”.

“Mức độ tăng trưởng các khoản vay ngắn hạn chậm lại trong tháng 4 cũng phản ánh thực tế các cơ quan quản lý tăng cường giám sát việc sử dụng bất hợp pháp các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng để đầu tư bất động sản” - ông Bruce Pang nói thêm.

Rủi ro trên thị trường bất động sản

Bất động sản là một trong những lĩnh vực đầu tư và đầu cơ quen thuộc ở Trung Quốc. Trong một nỗ lực giữ cho giá bất động sản không tăng quá nóng, các nhà chức trách Bắc Kinh đang hành động một cách thận trọng.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý I, PBoC cho biết cần giữ giá nhà ở ổn định, đồng thời nhấn mạnh đây là tài sản để ở chứ không phải để đầu cơ. 

Ligang Liu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Citi Research nhận định: “Mặc dù thị trường có vẻ tin rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc rút lui khỏi các chính sách tiền tệ - tài khóa nới lỏng, nhưng hiện tại không có động lực mạnh mẽ nào để PBoC hành động như vậy… Sự bất ổn trên thị trường tài chính đang tăng lên, thể hiện ở bong bóng bất động sản mở rộng, mức nợ tăng và rủi ro vỡ nợ lên cao. Chúng tôi cho rằng việc rút lui vội vàng các chính sách kích cầu sẽ mang lại những rủi ro tài chính mới”.


NTTD
Cùng chuyên mục