Bảo vệ dân phố đánh học sinh: Sự hung hãn và ảo tưởng quyền lực

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 03/04/2021 17:08 PM (GMT+7)
Đã có sự buông lỏng bao lâu nay để nhắc tới lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng là lại thấy nhiều sự vụ lực lượng này tự tung tự tác với người dân, hành xử bất chấp pháp luật.
Bình luận 0

Cộng đồng đang dậy sóng với clip người bảo vệ dân phố dùng tay chân, đấm đá, miệng liên tục chửi bới 2 thiếu niên ngay trong một trường học ở TP.HCM. Ngoài vấn đề bạo lực với trẻ em, thì còn những câu hỏi khác bùng lên: Tại sao bảo vệ dân phố lại được phép cư xử dã man đến như vậy? Đã có sự buông lỏng bao lâu nay để xảy ra nhiều sự vụ bảo vệ dân phố, dân phòng tự tung tự tác bắt nạt người dân, hành xử đến mức không thể chấp nhận? Có ai, cấp nào trả lời được câu hỏi đáng nhẽ không có cơ hội đặt ra trong xã hội này không?

Vài năm trước, khi cơ quan tôi còn đóng trên phố Thụy Khuê, thường xuyên tôi gặp một bảo vệ dân phố cứ giờ cao điểm là cầm gậy ra điều khiển giao thông. Việc ông ta làm thì tốt rồi. Nhưng ôi thôi như cơm bữa ông chửi người đi đường bằng đủ thứ ngôn ngữ xấu xí. Hầu như không ai cự cãi gì, vì ai cũng bỏ qua để đi về nhà cho xong. Có vẻ sự coi thường, sự lạm quyền của ông ta với người đi đường đã thành hệ thống và lên tới cực  điểm khi đến một ngày ông "tung cước" đấm nhau với người tham gia giao thông, bị người dân quay clip tung lên mạng. 

Cũng vẫn là hình ảnh bảo vệ dân phố, dân phòng, khi họ tịch thu rau, hoa quả của những người đi bán hàng rong,  cùng đó là sự giành giật nhiều khi đến thô bạo, là tiếng khóc lóc van vỉ, cả võ mồm của  những người phụ nữ lam lũ. Đành rằng họ cũng làm nhiệm vụ, song nhìn những hình ảnh đó thôi,  những cảm giác rất tiêu cực và cạn tình người cứ đầy lên trong nhiều người khi nhắc đến mấy chữ "bảo vệ dân phố", "dân phòng".

Lần này, với sự việc bảo vệ dân phố dân phố Trần Quốc Hùng 20 tuổi, phường 14 quân 10 hành hung 2 thiếu niên, ngay trong phòng giám hiệu của trường THCS Nguyễn Văn Tố, lúc 23h đêm ngày 31/3, hình ảnh của dân phòng, bảo vệ dân phố bị xuống cấp đến thậm tệ. Không còn thấy họ là lực lượng hỗ trợ việc gìn giữ trật tự đô thị nữa mà là một sự lạm quyền hung hãn.

Theo Nghị định 38/2006 của Chính phủ, tại mỗi khu phố được thành lập một tổ bảo vệ dân phố có biên chế từ 3 đến 7 người. Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện, đủ 18 tuổi trở lên, có chức năng phối hợp cùng công an truy bắt tội phạm, bảo vệ trật tự, hiện trường, do UBND phường quản lý.

Bảo vệ dân phố đánh học sinh:  Sự hung hãn và ảo tưởng quyền lực - Ảnh 2.

Hình ảnh bảo vệ dân phố đánh học sinh tại một trường học ở TP.HCM.

Nhưng trên thực tế thì những người tham gia vào đội  bảo vệ dân phố này hầu như là chưa được qua đào tạo, họ chỉ có sức khỏe và sự hăng hái đôi khi đến bất chấp trong công việc, cộng với một tâm lý ngộ nhận về quyền lực của mình, gây ra những hành động hết sức bản năng.

Theo điều tra thì 2 thiếu niên bị hành hung đã nhiều lần trèo rào vào trường để ăn trộm vặt. Các em có thể có lỗi, nhưng đánh người không có khả năng tự vệ, nhất là trẻ em, dù bất cứ lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được.

Nước ta đang có hàng nghìn người hoặc đông hơn nữa dân phòng, bảo vệ dân phố đang tham gia vào công việc giữ gìn trật tự trị an xã hội. Với mức thu nhập rất hạn chế, không ổn định, vậy tại sao họ vẫn chịu đi làm công việc được miêu tả là trên đe dưới búa, dân sụt giảm niềm tin này? Nhất là trong thời buổi không ai chấp nhận công việc thu nhập thấp cả. 

Liệu chính quyền các tỉnh thành đã chính xác chưa khi giao cho đội bảo vệ dân phố nhiệm vụ giúp sức giữ gìn trật tự xã hội, trong khi chưa có quy định cụ thể  rõ ràng về quyền hạn và nghĩa vụ của những cá nhân thực hiện công tác hỗ trợ gìn giữ an ninh trật tự địa phương.

Tại sao dân phòng, bảo vệ dân phố lại hành hung người khác?  Chỉ có thể lý giải được rằng chính quyền đang thiếu một bộ công cụ quản lý, thiếu chế tài, hoặc ít nhất là không nghiêm khắc giám sát  những quy định đã có khi đang sử dụng lực lượng bảo vệ dân phố vào những công việc phải và chạm với người dân trong cuộc sống hàng ngày.

Trong phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/9/2020, khi trình bày Tờ trình dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã đề xuất thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã. Tuy nhiên khi đó nhiều đại biểu đã lo ngại rằng quyền hạn nhiệm vụ của lực lượng này quá rộng, thiếu chặt chẽ, thiếu quy định cụ thể, cần làm rõ để tránh xảy ra lạm quyền do có nhiều nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Khi đưa ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, do còn nhiều bất cập và những lo ngại về tăng biên chế, tăng ngân sách, tới 60% đại biểu Quốc hội cho rằng không nên xây dựng dự luật này.

Song rõ ràng cần phải có luật để những người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở  được giới hạn quyền lực và nhiệm vụ của mình, để người dân khi gặp phải những ông bảo vệ dân phố hung hăng có thể đối thoại với họ theo quy định của pháp luật.

Do cái mũ đội "giúp giữ gìn an ninh trật tự địa phương"  trên đầu bảo vệ dân phố, dân phòng quá rộng, cho nên sự lạm quyền, ảo tưởng quyền lực càng ngày càng làm xấu hình ảnh bảo vệ dân phố trong mắt người dân.

Nếu cứ để lỗ hổng luật pháp này thì trong tương lại sẽ tiếp tục có những vụ việc ngoài tầm kiểm soát  mà dân phòng, bảo vệ dân phố gây ra, khi họ không nhận thức được đâu là giới hạn hành vi của mình, không được đào tạo huấn luyện, giám sát mà lẽ ra phải có theo các quy định hiện hành. Nếu không sẽ còn xảy ra tình trạng làm càn với tâm thức chỉ cần hăng hái hành động sẽ lập được công.

   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem