Bất chấp phạt tiền, “dân buôn tiền” vẫn tranh thủ kiếm lời dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu
Trong 8 năm qua, NHNN đã không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, năm 2013, NHNN không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và từ năm 2016 đến nay không chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng. Tương tự, trong dịp Tết Tân Sửu 2021, về chủ trương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục siết chặt việc đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ.
Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán vẫn tăng cao. Một số trang mạng, hoạt động đổi tiền lẻ, mới bắt đầu sôi động.
Nở rộ đổi tiền lẻ, mới trực tuyến, giao tận nhà
Chỉ cần 1 cú nhấp chuột và đánh từ khóa "đổi tiền lì xì", ngay lập tức hiện lên hàng trăm trang đổi tiền lẻ, với các tên như: "Đổi tiền mới nguyên series", "Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới", "Đổi tiền lì xì Tết phí chỉ 3%", "Đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì"…
Đáng chú ý, theo quảng cáo của giới "buôn tiền", khách muốn đổi mệnh giá nào cũng có, từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng.
Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền lẻ lì xì Tết, PV Dân Việt liên lạc với một chủ shop đổi tiền online và được quảng cáo: "Chỗ anh loại tiền nào cũng có, từ tiền lẻ VND mệnh giá nhỏ đến tiền mệnh giá lớn nguyên seri. Tất nhiên càng đổi nhiều phí càng rẻ".
Tại dịch vụ đổi tiền này, phí đổi tiền từ 1 triệu đến 5 triệu: phí 7% và trên 5 triệu phí 5%. Tuy nhiên, các loại mệnh giá thấp như 500 đồng tới 2.000 đồng cửa hàng không chú trọng đổi do khan hiếm và nhu cầu sử dụng hiện nay cũng không còn quá lớn như trước kia. Vì vậy, nếu đổi những mệnh giá này, phí đổi cũng "chát" hơn nhiều so với mức niêm yết hiện tại.
Chủ shop này cũng khẳng định, sẽ không có dịch vụ đổi tiền nào có mức phí rẻ như tại đây. Và theo kinh nghiệm của chủ cửa hàng này, nếu khách hàng đổi sớm, mức chi phí sẽ "mềm hơn" so với trước Tết nguyên đán khoảng 1 đến 2 tuần. Thời điểm đó, phí đổi tiền có thể lên tới hàng trăm phần trăm đối với các loại tiền mệnh giá nhỏ như 500 đồng hay 1.000 đồng.
Kết nối với tài khoản Facebook có tên "Đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì", ngay lập tức PV Dân Việt cũng nhận được phản hồi, thông tin giới thiệu về đổi tiền lẻ, mới được cập nhật trên website doitienmoionline.com. "Tất cả các mệnh giá trên là tiền mới, nguyên kiện, nguyên seri, chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có, sẽ có nhân viên đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình. Đồng thời áp dụng dịch vụ giao tiền tận nhà cho các khách hàng ở xa với hình thức thanh toán khá đa dạng như: chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ cào...", chủ tài khoản cho hay.
Về mức phí đổi tiền lẻ, phụ thuộc vào từng mệnh giá và tình trạng còn mới hay "đã lướt" của tiền. Ví dụ, loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng có mức phí dao động từ 13-15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6-8%, với 50.000 đồng, 100.000 đồng là 3-5%. Khách muốn mức phí rẻ hơn có thể đổi "tiền lướt" với độ mới đạt 80-90%, mức phí chỉ từ 2-3%.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, dịch vụ "rao bán" tiền lì xì trên mạng gần đây còn có thêm dịch vụ bán các loại tiền của nhiều nước. Người bán cho biết, tiền chủ yếu được "xách tay" từ nước ngoài về, giá bán các tờ tiền thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền. Chẳng hạn, tờ tiền 2 USD được niêm yết với nhiều mức giá khác nhau. Với series đẹp, giá bán tờ 2 USD có thể lên tới 800.000 đồng/USD.
Phạt tiền lên đến 40 triệu đồng nếu đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch
Trả lời báo chí, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết trong mấy năm qua, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Do đó, Tết Nguyên đán 2021, NHNN vẫn quyết liệt không in tiền mới có mệnh giá nhỏ.
Theo quan điểm của ông Tú, việc người dân đi lễ đền chùa, những sự kiện có yếu tố tâm linh thì không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc.
Đại diện NHNN cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi mua các loại tiền độc, lạ. Các loại tiền này chỉ nên được dùng với mục đích sưu tầm. Bởi nếu mua nhầm tiền giả mà dùng để giao dịch, mua bán là hành vi vi phạm pháp luật.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, thành viên đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ, theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật.
Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định, hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng và cao nhất là 40 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần.