Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang "dọn tổ đón đại bàng"
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm CLB ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT); Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho rằng, trong thời gian qua, bất động sản công nghiệp của Việt Nam được đánh giá cao bởi ký được nhiều các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA nhưng hiện nay quy mô của nhiều KCN còn nhỏ, để thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì chúng ta cần phải có quỹ đất sạch.
"Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ "dọn tổ đón đại bàng". Chính vì vậy, đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt để trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư", ông Phương nói.
Ngoài ra, theo ông Phương, thực tế, làm bất động sản công nghiệp khác với bất động sản nhà ở bởi phải bỏ vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, khu sản xuất nhưng thu hồi vốn lại nhỏ giọt, gặp áp lực với tỷ lệ lấp đầy.
Để giải quyết được vấn đề này cần quan tâm đến các chính sách, đối với các nhà đầu tư phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng từ đó mới có thể tận dụng được triệt để những cơ hội mà chúng ta sắp được nhận.
Cũng tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2020, Ths. Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng - Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, cần phát triển về số lượng và quy mô KCN phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, phải hình thành hệ thống KCN nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống KCN có quy mô vừa và nhỏ tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, tiến tới cân bằng trong phát triển KCN để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định.
Đặc biệt phải thúc đẩy phát triển KCN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường; Đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN; Khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân trong xây dựng và phát triển KCN.
Để làm được điều này, ông Trung cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển KCN, ăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch KCN, đổi mới mô hình KCN hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình KCN mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn (KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN liên kết ngành, KCN - đô thị - dịch vụ và kiện toàn, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước KCN
Cũng như đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN gắn với hạ tầng xã hội đảm bảo hoạt động của KCN; hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường KCN, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác phát triển KCN và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư vào KCN.
Tính đến cuối tháng 5/2020, cả nước có 561 KCN bao gồm cả các KCN trong quy hoạch chung xây dựng các Khu kinh tế có trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 201 ngàn ha (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước).
Trong đó bao gồm: 374 KCN đã được thành lập với diện tích khoảng 114,4 ngàn ha (chiếm 56,9% tổng diện tích quy hoạch) à 259 KCN chưa thành lập với diện tích khoảng 86,6 ngàn ha (bao gồm 55,8 ngàn ha của 187 KCN có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập và 30,8 ngàn ha của 72 KCN mới thành lập một phần).