Bất động sản nửa đầu năm: “Đại gia” miền Nam thất thu, nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì thua lỗ

12/08/2020 06:00 GMT+7
Lướt qua những cái tên đình đám nhất trong lĩnh vực bất động sản, có thể thấy đa số đều bị suy giảm doanh thu, lợi nhuận hoặc suy giảm cả hai, điển hình là các “đại gia” như: CEO Group, Đất Xanh của ông Lương Trí Thìn. “Đại gia” địa ốc miền nam cũng thất thu trong nửa đầu năm.

Đại dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình thế khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn đang kích hoạt chế độ "ngủ đông" để cắt giảm chi phí. Điều này được thể hiện rất rõ qua bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp.

"Khóc ròng" vì thua lỗ

Có tên trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam, bức tranh tài chính của "đại gia" địa ốc miền Nam là Nam Long (HoSE: NLG) không mấy sáng sủa trong nửa đầu năm 2020.

Báo cáo tài chính của Công ty cho thấy, trong quý II/2020 đạt doanh thu 242 tỷ đồng, giảm mạnh 60% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ giá vốn, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp hơn 138 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.

Theo giải trình từ phía NLG, doanh thu quý II giảm mạnh so với cùng kỳ do năm ngoái các dự án gồm Flora Nova và nhà phố biệt thự Valora Island đã hoàn tất và bàn giao cho khác trong năm 2019 và quý I/2020. Các dự án khác hiện đang xây dựng. Theo đó, doanh thu quý II năm nay chủ yếu được đóng góp từ bàn giao căn hộ, biệt thự, sản phẩm đất nền với tỷ trọng 31%, và doanh thu dịch vụ tổng thầu, xây dựng chiếm 64% còn lại.

Luỹ kế 6 tháng, NLG đạt doanh thu 658 tỷ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 179 tỷ, lần lượt giảm 29% và 33% so với cùng kỳ. Nếu so với kế hoạch 1.520 tỷ doanh thu thuần và 822 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, công ty đã thực hiện được 43,3% chỉ tiêu doanh thu và 22% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.

Tính đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của NLG đạt hơn 11.800 tỷ đồng, tăng khoảng 1.000 tỷ so với đầu năm, trong đó, Công ty duy trì lượng tiền (tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) lên tới 1.417,6 tỷ đồng, chiếm gần 12% tổng tài sản. Giá trị hàng tồn khi cũng tăng nhẹ từ 4.298 tỷ đồng lên 4.913 tỷ đồng.

Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) do ông Lương Trí Thìn làm Chủ tịch HĐQT chứng kiến doanh thu bán căn hộ và đất gần như "rơi tự do" khi chỉ đạt 65 tỷ đồng so với mức 1.015 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; doanh thu từ môi giới cũng sụt mạnh do chính sách giãn cách xã hội.

Sau 6 tháng, DXG đạt 1.080 tỷ đồng doanh thu thuần giảm hơn một nửa, lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ, giảm 81% so với nửa đầu năm 2019. Riêng quý II, DXG của ông Lương Trí Thìn chịu lỗ hơn 29 tỷ đồng khi doanh thu trong kỳ giảm 43%. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên trong vòng 3 năm qua của Đất Xanh.

Đáng nói, trong 6 tháng đầu năm dòng tiền hoạt động kinh doanh tiếp tục âm tới 1.679,7 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ là âm 653,5 tỷ đồng. Để bù đắp sự thâm hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đã dùng dòng tiền hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính để tài trợ cho nhu cầu vốn.

Tính tới 30/06/2020, tổng tài sản của Đất Xanh là 21.004,9 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho tiếp tục tăng tới 30% so với đầu kỳ và chiếm hơn 42% tổng tài sản của doanh nghiệp. Hiện Đất Xanh của ông Lương Trí Thìn có 8.844,3 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó, 8.558,3 tỷ đồng là bất động sản dở dang.

Cùng với đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tiếp tục tăng tới 32,8% so với đầu kỳ lên mức 5.844,6 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Tiền và các khoản tương đương tiền của Đất Xanh tăng từ mức 793 tỷ lên 1.266 tỷ đồng.

Bất động sản nửa đầu năm: “Đại gia” miền Nam thất thu, nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì thua lỗ - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản "khóc ròng" vì suy giảm doanh thu, lợi nhuận (Ảnh minh họa)

Doanh thu tăng gấp 9 lần nhưng lợi nhuận giảm tới 99% với 393 tỷ đồng doanh thu và 1 tỷ đồng lợi nhuận là kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần LDG (LDG - HOSE) trong quý gần nhất.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, lãi ròng của công ty chỉ vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái đạt 198 tỷ đồng (tương ứng giảm giảm 99%). Như vậy, so với kế hoạch năm 2020, LDG mới chỉ thực hiện được 22% chỉ tiêu doanh thu thuần và 0,4% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp này, lợi nhuận sụt giảm là do dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, trong kỳ này doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm so với cùng kỳ.

Cuối quý II/2020, hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm nhẹ và chiếm 28% tổng tài sản của Công ty.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu thuần của Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) trong 6 tháng đầu năm, cũng giảm tới 503,5%, chỉ còn 418 tỷ đồng. CEO "ngậm ngùi" báo lỗ sau thuế 110 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm, cùng kỳ năm ngoái CEO lãi tới 381 tỷ đồng. Tập đoàn CEO là doanh nghiệp đứng vị trí 45 trong Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2020.

Khác với các doanh nghiệp kể trên, giá trị tồn kho của CEO giảm từ hơn 1.200 tỷ xuống còn 848 tỷ đồng tính đến 30/6/2020.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) đạt 828 triệu đồng doanh thu thuần từ kinh doanh bất động sản, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho giá vốn 21,7 tỷ đồng, tăng đến 6.579% đã khiến PPI lỗ gộp gần 21 tỷ đồng. Kết quả lỗ sau thuế gần 64 tỷ đồng.

Với kết quả này, vốn chủ sở hữu của PPI chính thức ghi nhận mức âm 251 triệu đồng. Tiền và tương đương tiền của PPI đến cuối quý II/2020 còn gần 426 triệu đồng.

Ngoài các doanh nghiệp kể trên, không ít doanh nghiệp còn lại có lợi nhuận èo uột như: Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm (lợi nhuận sau thuế 109 tỷ đồng, giảm 79%), Kosy Group (lãi ròng 8,5 tỷ đồng, giảm 57,6%), Hoàng Quân (lợi nhuận sau thuế 8,6 tỷ đồng, giảm 36%)…và loạt doanh nghiệp "gánh" lỗ như Thủ Đức House (lỗ 6,5 tỷ đồng), Long Giang Land (lỗ 5,8 tỷ đồng), FDC (lỗ 1,8 tỷ đồng), An Dương Thảo Điền (lỗ 4,4 tỷ đồng)…

Những điểm sáng

Là doanh nghiệp Top 1 của thị trường 6 tháng đầu năm, Vinhomes (HoSE: VHM) – doanh nghiệp "con cưng" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có kết quả khá "sáng sủa" so với mặt bằng chung trong nửa đầu năm nay, bất chấp Covid-19.

Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2020, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh và hoạt động chuyển nhượng dự án được ghi nhận như một khoản thu nhập tài chính, đạt 35.610 tỷ đồng, trong đó doanh thu chuyển nhượng bất động sản quy đổi đạt 34.061 tỷ đồng, chiếm 96% tổng doanh thu hợp nhất quy đổi của Vinhomes.

Kết thúc 6 tháng, lợi nhuận trước và sau thuế của VHM tăng 13% và 2%, ghi nhận 15.154 tỷ đồng và 11.455 tỷ đồng. Lãi ròng 6 tháng đầu năm tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 10.602 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3.223 đồng, tăng 10% so với EPS cùng kỳ năm 2019.

Tại ngày 30/06/2020, hàng tồn kho tăng nhẹ 2% so với đầu năm, lên mức 61.540 tỷ đồng, trong đó bất động sản để bán đã xây dựng hoàn thành giảm đến 61% (56.964 tỷ đồng), chi phí phát sinh liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tổng thầu xây dựng cho các chủ đầu tư của dự án tăng 45% (2.675 tỷ đồng).

Bất động sản nửa đầu năm: “Đại gia” miền Nam thất thu, nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì thua lỗ - Ảnh 4.

Lợi nhuận của Vinhomes - "con cưng" bất động sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) cũng là một trong số doanh nghiệp hiếm hoi có được kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo tài chính quý II/2020, Khang Điền ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 16% (đạt 1.486 tỷ đồng), lãi ròng tăng 47,4% (đạt 407) tỷ đồng. Với KDH, cuối quý II, hàng tồn khi tăng 500 tỷ đồng, lên 7.549 tỷ đồng và chiếm 52% tổng tài sản của Khang Điền.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) với doanh thu thuần đạt 2.916 tỷ đồng (tăng 35,5%), lãi ròng đạt 566 tỷ đồng (tăng 29,6%).

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) của ông Nguyễn Bá Sáng dù thất thu trong mảng kinh doanh cốt lõi nhưng doanh nghiệp này vẫn lãi lớn nhờ doanh thu tài chính. 6 tháng đầu năm 2020, An Gia đạt 60 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 67,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lãi sau thuế lại đạt tới 192 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ nhờ khoản doanh thu tài chính "đột biến" lên tới 207 tỷ đồng.

Như vậy, nếu như không có khoản doanh thu này, An Gia thậm chí còn thua lỗ trong nửa đầu năm nay.

Đáng nói, tại thời điểm 30/6/2020, hàng tồn kho của AGG tăng đột biến, hơn 5.049 tỷ đồng, tăng hơn 93% so với số đầu năm, chủ yếu là các bất động sản dở dang. Trong kỳ này, AGG phát sinh ghi nhận thêm dự án The Sóng 1.946 tỷ đồng, còn các dự án khác như River Panorama 1&2, Sky 89 và Signial.

Ngược lại, lượng tiền của doanh nghiệp này lại rất khiêm tốn. Trong tổng số 7.461 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, thì chỉ có 352 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Đầu tư tài chính ngắn hạn vỏn vẹn 95 tỷ đồng. Dù chỉ chiếm chưa đến 6% tài sản ngắn hạn nhưng so với đầu năm, lượng tiền này cũng đã có sự cải thiện.

Một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực khác như Văn Phú (doanh thu tăng 14%, lãi ròng tăng 4%), Đô thị Dầu khí Cửu Long (doanh thu tăng 53%, lãi ròng tăng 41%), Long Hậu (doanh thu tăng 27%, lãi ròng tăng 26%), Tín Nghĩa (doanh thu tăng 2,3%, lãi ròng tăng 5,5%), Sonadezi Châu Đức (doanh thu tăng 60%, lãi ròng tăng 60,8%), DRH Holdings (doanh thu tăng 56%, lãi ròng tăng 21%)…

Nhật Minh
Cùng chuyên mục