Biden nên làm gì với Trung Quốc?
Bộ đôi chuyên gia Michael Hirson và Paul Triolo chỉ ra rằng lập trường cứng rắn với Trung Quốc là điểm thống nhất hiếm hoi trong quan điểm của lưỡng đảng Mỹ hiện tại. Sự đồng thuận này xuất hiện trước cả khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, được thúc đẩy bởi sự báo động khi Trung Quốc ngày càng bắt kịp nhiều thành tựu kinh tế và công nghệ, đe dọa vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Nhưng sau những gì rút ra trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump, hai nhà quan sát này cho rằng chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden cần có chính sách thông minh và khéo léo hơn để đối phó với Trung Quốc.
Cuộc chiến đường dài
Chính quyền Trump đã nhận ra một điều chính xác là những chính sách mềm mỏng trước đây của Mỹ với Trung Quốc là không hiệu quả trong việc giải quyết các xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Với sự cổ vũ từ các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ, Trump đã đưa căng thẳng sang một thái cực khác, tận dụng bất kỳ công cụ nào để đơn phương chống lại Trung Quốc: từ chiến tranh thuế quan cho đến kiểm soát xuất khẩu công nghệ. Nhưng theo bộ đôi Michael Hirson và Paul Triolo, chiến lược này cũng tỏ ra không mấy hiệu quả vì không xây dựng được một phương hướng bền vững.
Ví dụ, động thái hạn chế xuất khẩu cho Huawei - gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã mang đến thành công ngắn hạn là làm giảm khả năng Trung Quốc tiên phong thị trường 5G toàn cầu, nhưng đồng thời cũng gây nguy hiểm cho chính vị thế thống trị công nghệ của Mỹ. Lệnh cấm sẽ thúc đẩy các công ty Trung Quốc và nước ngoài tìm cách phát triển những linh kiện thay thế vai trò linh kiện công nghệ Mỹ trong chuỗi cung ứng. Kết quả, các công ty Mỹ có thể sẽ bị hất văng phải chuỗi cung ứng có Trung Quốc, mất đi thị phần toàn cầu.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt tài chính… chỉ hiệu quả tối đa nếu Mỹ bắt tay với những đồng minh thân cận như EU và Nhật Bản. Nhưng trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông Trump với chiến lược “nước Mỹ trên hết” đã từng bước tách rời khỏi các đồng minh này. Chính quyền Biden giờ đây sẽ phải mang Mỹ xích lại trở lại với các đồng minh, thúc đẩy các chiến lược liên minh của chống lại Trung Quốc.
Phát triển lợi thế trong nước
Mỹ cũng cần tăng cường đầu tư để duy trì lợi thế lãnh đạo công nghệ của mình. Ưu tiên hàng đầu là đảo ngược sự sụt giảm nguồn tài trợ liên bang (trên tỷ trọng GDP) cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng tài trợ liên bang không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến những đột phá khoa học và y học mà còn mang lại tỷ suất lợi nhuận kinh tế cao.
Hai nhà kinh tế Michael Hirson và Paul Triolo đề xuất Mỹ tăng cường tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu đổi mới, không chỉ ở những bang phát triển công nghệ mà còn ở các khu vực cách xa trung tâm để khởi động nền kinh tế địa phương, làm giảm tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
Hạn chế ngôn từ thù địch với Trung Quốc
Cũng theo bộ đôi Michael Hirson và Paul Triolo, chính quyền tương lai của ông Biden nên tránh việc coi Trung Quốc là kẻ lừa đảo trong mọi vấn đề. Nhiều chính trị gia Mỹ hiện coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất. Nhưng trong dài hạn, những lập luận thù địch như vậy đang phản tác dụng, gây bất lợi cho chính nước Mỹ.
Chẳng hạn, rủi ro từ việc vi phạm quyền sở hữu tài sản trí tuệ đến từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc hoạt động tại Mỹ đã khiến chính quyền Trump cáo buộc những người này là gián điệp công nghệ của Bắc Kinh. Nhưng khi các cơ quan thực thi pháp luật điều tra những trường hợp gián điệp như vậy, họ vẫn cần có cách diễn đạt hợp lý tới công chúng, bởi thực tế là nhiều tổ chức học thuật và công ty Mỹ được hưởng lợi khi làm việc với hệ thống các nhà khoa học, kỹ sư trình độ cao của Trung Quốc. Trong số đó, không phải ai cũng làm việc cho Bắc Kinh.
Chính quyền Trump đã lặng lẽ đình chỉ học bổng Fulbright - học bổng trả cho người Mỹ giảng dạy và học tập ở cả Trung Quốc. Điều này làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ở thời điểm mà hai nước cần phải trao đổi và hiểu nhau hơn bao giờ hết. Tệ hơn nữa, các ngôn từ thù địch, phê phán của chính quyền Trump liên quan đến nguồn gốc đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng thêm mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trump chỉ trích Trung Quốc thất bại trong giai đoạn đầu tiên kiểm soát đại dịch Covid-19. Nhưng cho đến nay, quốc gia bị đánh giá là “thất bại” này đã đạt được hiệu suất kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất toàn cầu, trong khi Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.
Cuộc xung đột với Trung Quốc sẽ không giúp Mỹ hàn gắn lại mâu thuẫn chính trị trong nước, nhất là sau bầu cử Tổng thống tháng 11 vừa qua. Hàn gắn lại nước Mỹ đoàn kết có lẽ là một trong những nhiệm vụ bức thiết nhất của chính quyền Biden khi nhậm chức.