'Vũ khí' trừng phạt mới của Trump có thể khiến Bắc Kinh mừng thầm?

05/12/2020 10:39 GMT+7
Chính quyền Trump được cho là đang nỗ lực thúc đẩy một dự luật cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo về kiểm toán của Mỹ.

“Đạo luật buộc công ty nước ngoài chịu trách nhiệm giải trình” từng được Thượng viện thông qua hồi đầu năm nay mới đây đã được Hạ viện nhất trí bỏ phiếu tán thành, trong đó cấm các công ty nước ngoài niêm yết trên mọi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán nghiêm ngặt do Uỷ ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) theo dõi trong 3 năm liên tiếp. Mặc dù được áp dụng chung cho các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết tại Mỹ, nhưng dự luật được cho là nhắm chủ yếu đến các tập đoàn Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John Neely Kennedy khẳng định: “Chính sách của Mỹ đang cho phép thả lỏng các quy tắc mà công ty Trung Quốc phải tuân theo. Điều đó rất nguy hiểm”. Trước đây, các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ không nhất thiết phải công khai các báo cáo kiểm toán theo tiêu chuẩn ngặt nghèo của Mỹ. Điều đó đã dẫn đến nhiều vụ bê bối kế toán nghiêm trọng. Ví như trường hợp của Luckin Coffee, chuỗi cà phê từng tự nhận là đối thủ của Starbucks. Tập đoàn này đã bị loại niêm yết khỏi Nasdaq sau khi bị vạch trần khai khống doanh thu hàng trăm triệu USD.

'Vũ khí' trừng phạt mới của Trump có thể khiến Bắc Kinh mừng thầm? - Ảnh 1.

Dự luật mới mà chính quyền Trump đang thúc đẩy có thể khiến hàng loạt công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ "dứt áo ra đi"

Mỹ có thể sẽ trả giá đắt nếu dự luật được thông qua

Nếu dự luật “Đạo luật buộc công ty nước ngoài chịu trách nhiệm giải trình” được thông qua, nó có thể ảnh hưởng đến hàng loạt đại công ty Trung Quốc đang niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ như gã khổng lồ thương mại Ailbaba hay JD.com, tập đoàn dầu khí khổng lồ Petro China cùng hơn 200 doanh nghiệp tên tuổi khác.

Tổng vốn hóa thị trường của các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ lên tới 2,2 nghìn tỷ USD. Điều này nghĩa là việc hủy niêm yết hàng loạt có thể dẫn tới những chuyển dịch lớn về dòng chảy vốn, gây ra hệ lụy đáng kể với nhà đầu tư Mỹ.

Jesse Fried, giáo sư luật tại Harvard Law cho biết: “Nếu dự luật trở thành luật, tôi nghĩ các công ty này sẽ rời khỏi sàn giao dịch của Mỹ. Và họ sẽ rời đi với mức giá không khiến các nhà đầu tư Mỹ hài lòng”.

Bắc Kinh hoan nghênh lệnh cấm của Trump

Đáo lại dự luật của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích đây là động thái không công bằng, phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài đang đầu tư và hoạt động ở Mỹ. Nhưng một số chuyên gia nhận định rằng chính phủ Trung Quốc có thể không thật sự bận tâm nếu chính quyền Trump thông qua “Đạo luật buộc công ty nước ngoài chịu trách nhiệm giải trình”.

Giả sử Alibaba bị hủy niêm yết tại Mỹ, nó sẽ thúc đẩy nỗ lực xây dựng các sàn giao dịch độc lập mà Bắc Kinh đang hướng tới. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyển về niêm yết tại quê nhà là một tin đáng mừng với chính quyền ông Tập Cận Bình.

'Vũ khí' trừng phạt mới của Trump có thể khiến Bắc Kinh mừng thầm? - Ảnh 2.

Bắc Kinh có thể hoan nghênh dự luật hạn chế của Mỹ nếu điều này thúc đẩy các tập đoàn lớn chuyển về niêm yết tại quê nhà

Thị trường Trung Quốc giờ đây đang ngày càng phát triển so với thời điểm 10 năm về trước, khi hàng loạt doanh nghiệp đổ xô sang niêm yết tại Mỹ. Các đại công ty như Alibaba rời khỏi sàn giao dịch Mỹ sẽ làm giảm vai trò của các cơ quan quản lý Mỹ, điều mà Bắc Kinh đang mong đợi.

Bên cạnh đó, nhiều công ty công nghệ, thương mại điện tử Trung Quốc trong đó có Alibaba đã lựa chọn niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông. Điều này cũng giúp quá trình chuyển đổi và hủy niêm yết tại Mỹ diễn ra dễ dàng hơn.

Ông Jesse Fried giải thích: “Việc để các đại công ty này tiếp tục niêm yết tại Mỹ sẽ làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn với chính phủ Trung Quốc. Washington muốn áp đặt các quy tắc kiểm toán của họ lên những công ty này, nhưng Bắc Kinh không cho phép các cơ quan quản lý của Mỹ được quyền kiểm soát, kiểm tra các công ty Trung Quốc hoạt động ở đó. Đây là điểm tranh chấp chính giữa hai quốc gia”.

Nguy cơ hủy niêm yết là khó xảy ra

Một số nhà quan sát khẳng định dù dự luật có được thông qua hay không, một cuộc di cư khỏi sàn giao dịch Mỹ khó có thể xảy ra trong thực tế.

Ông Marc Iyeki, cựu quản lý bộ phận niêm yết khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại sàn giao dịch chứng khoán New York Stock Exchange cho hay: “Có khả năng lớn cho một giải pháp thương lượng, ngay cả khi dự luật được ký phê chuẩn thành luật”. Theo dự luật này, các công ty Trung Quốc có 3 năm để tuân thủ quy tắc kiểm soát của Mỹ. “Thời gian gia hạn 3 năm cho thấy Quốc hội sẵn sàng cho các công ty Trung Quốc và kiểm toán viên của họ cơ hội lên tới 3 lần để tuân thủ quy định”.

Cũng theo ông Marc Iyeki, cơ quan quản lý Trung Quốc cũng cho thấy những dấu hiệu sẵn sàng ngồi xuống đàm phán để cho ra một giải pháp được cả hai bên chấp thuận.

“Chúng ta đang chứng kiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với thị trường tài chính ngày càng trở nên gắn bó mật thiết. Việc tách rời hai thị trường là rất phức tạp và đặc biệt không có lợi cho đôi bên”.


NTTD
Cùng chuyên mục