BIDV triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn về vấn đề nhân sự?
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) vừa quyết định tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 vào ngày 27/12/2019. Địa điểm tổ chức tại Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, 773 Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngày đăng kí cuối cùng tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 là 29/11/2019, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/11. Cuộc họp được tổ chức nhằm thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
BIDV thông báo tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong bối cảnh ngân hàng này vừa hoàn tất đợt phát hành này cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank. Tổng cộng, BIDV đã thu ròng 20.208 tỷ đồng từ đợt chào bán này.
Sau thương vụ này, vốn điều lệ của BIDV tăng lên mức 40.220 tỷ đồng, tương ứng với hơn 4 tỷ cổ phiếu và trở thành nhà băng có quy mô vốn cao nhất hệ thống. Vietcombank và VietinBank có quy mô vốn hơn 37.000 tỷ, còn Agribank đến cuối quý II có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng.
Đổi lại, KEB Hana Bank sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV. Đồng thời, sở hữu của cổ đông Nhà nước tại BIDV giảm xuống còn 81%. Như vậy, KEB Hana Bank trở thành cổ đông ngoại lớn nhất và là cổ đông lớn thứ hai tại BIDV.
Việc hoàn tất đợt phát hành cho KEB Hana Bank được xem là đã giải "cơn khát" vốn cho nhà băng quốc doanh có tổng tài sản lớn nhất sàn chứng khoán. Theo quy định, số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán
Trong báo cáo cập mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết KEB Hana Bank sẽ gửi khoảng 20 chuyên gia Hàn Quốc đến BIDV để đảm nhận một số vị trí quan trọng, bao gồm vị trí trong HĐQT và ban quản lí.
Như vậy, vấn đề nhân sự nhiều khả năng sẽ là tâm điểm chính tại đại hội đồng cổ đông bất thường lần này.
Về kết quả hoạt động, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của BIDV vừa công bố cho thấy, với tổng tài sản hơn 1,42 triệu tỷ đồng, BIDV đã củng cố vị thế dẫn đầu về quy mô tài sản trong toàn hệ thống. Tổng tiền gửi của khách hàng đến cuối tháng 9 đạt 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng cũng tăng 8,1% so với đầu năm, lên 1,07 triệu tỷ đồng, trong đó mức trích lập dự phòng tăng mạnh hơn 5.136 tỷ đồng, lên 17.540 tỷ đồng, tương đương mức trích lập 1,66% trên tổng dư nợ - tăng hơn 41% so với đầu năm.
Riêng trong quý III trích lập dự phòng tăng 1.416 tỷ đồng, đưa lũy kế chín tháng lên 2.136 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Mức trích lập dự phòng đã tăng mạnh do tỷ lệ nợ xấu trong tổng dự nợ của BIDV tăng so với đầu năm, từ mức 1,9% đầu năm lên 2,08% tại thời điểm cuối tháng 9.
Đáng kể, trong khi nợ nhóm 3 và 4 vẫn tương đương đầu năm thì nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh hơn 5.023 tỷ đồng, lên tổng mức 12.193 tỷ đồng vào cuối tháng 9, tương đương tăng 70% so với đầu năm.
Cũng trong chín tháng, lãi từ hoạt động cho vay vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng này, chiếm hơn 85% tổng thu nhập, tiếp đến là lãi từ kinh doanh và đầu tư chứng khoán nợ, lãi tiền gửi và còn lại từ các nguồn thu khác. BIDV ghi nhận thu nhập lãi thuần 26.397 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí hoạt động giảm, cân đối nguồn thu đã giúp lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV vẫn đảm bảo tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên do tăng trích lập dự phòng nên lợi nhuận sau thuế của nhà băng này sau trích lập giảm 2,9% so với cùng kỳ 2018.
Kết quả, BIDV lãi ròng 5.645 tỷ đồng trong 9 tháng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018 và cũng là một trong số hai ngân hàng hiếm hoi tăng trưởng âm về lợi nhuận 9 tháng đầu năm.