“Hụt hơi” lợi nhuận, BIDV vẫn chi gần 4.800 tỷ trả cổ tức bằng tiền mặt
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc công bố thông tin BIDV chi trả cổ tức năm 2017, 2018.
Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 1056/NQ-BIDV của Hội đồng quản trị BIDV ngày 25/10/2019, BIDV sẽ trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 14%, tương ứng 7% mỗi năm. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 8/11/2019 và ngày dự kiến thanh toán là 12/12/2019.
Như vậy, so với kế hoạch chi trả cổ tức đã được BIDV đề cập tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 tổ chức hồi đầu tháng 4/2019, tỷ lệ chi trả cổ tức của năm 2018 theo như thông báo này đã cao hơn 1%, tương ứng 100 đồng/cp.
Ước tính, với hơn 3,41 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, BIDV sẽ chi ra khoảng gần 4.800 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này.
Thông tin này khá "bất ngờ" với thị trường bởi BIDV vẫn là một trong 4 ngân hàng quốc doanh mong muốn được chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn trong năm nay, giữa bối cảnh gọi vốn rất khó khăn còn áp lực của Basel II ngày càng nặng nề.
Còn trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu những khó khăn trong việc tăng vốn cho 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV) và đề xuất dùng ngân sách để tăng vốn nhằm giải quyết những khó khăn của các ngân hàng này.
Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, việc mở rộng tín dụng của các NHTM Nhà nước trong đó có BIDV đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BID hiện đang giao dịch quanh mức 40.200 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, cổ phiếu BID đã tăng gần 17%.
Về hoạt động kinh doanh, tổng lợi nhuận từ hoạt động của BIDV 9 tháng tăng gần 9% song việc trích lập dự phòng rủi ro quá lớn khiến cho lợi nhuận của nhà băng này "hụt hơi".
Cụ thể, trong quý III/2019, BIDV trích lập 5.755 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, trích lập dự phòng của BIDV là 16.501 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 15% so với cùng kỳ.
Việc mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận của ngân hàng. Sau khi trừ trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của BIDV quý III chỉ còn 2.319 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của BDIV là 7.028 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ.
Như vậy, trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, ngoại trừ Vietinbank chưa công bố kết quả kinh doanh thì BIDV "thua" cả Vietcombank và Agribank trong bảng xếp hạng lợi nhuận.
Điểm tích cực của BIDV là chi phí hoạt động đang có chiều hướng giảm (giảm 4,6% trong 9 tháng), chỉ còn 10.729 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2019, tổng nợ xấu của BIDV là hơn 22.436 tỷ đồng, tương đương 2,09% tổng dư nợ. Đáng chú ý là nợ xấu nhóm 5 tăng tới 70%, lên 12.193 tỷ đồng.
BIDV cũng là ngân hàng có số lãi dự thu lớn thứ nhì hệ thống hiện nay (sau Sacombank) với con số 13.240 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 30/9/2019, BIDV có tổng tài sản 1,42 triệu tỷ đồng, lớn nhất hệ thống. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,6%, đạt 1.073 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,6% đạt hơn 1.084 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng của ngân hàng hiện ở mức khá cao, tới gần 99%.
Hiện tại, BIDV đã nộp hồ sơ chờ NHNN cho phép chấp thuận áp dụng Basel II. Ngân hàng cũng đang tích cực thúc đẩy thương vụ bán cổ phần trị giá trên 20.000 tỷ đồng cho đối tác Hàn Quốc KEB Hana, dự kiến sẽ hoàn tất và nhận tiền trong quý IV/2019.