Bình Định quyết tâm khắc phục “thẻ vàng” thủy sản ngay từ cảng cá
Là nơi trung chuyển hàng thủy sản phân phối cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào thông qua quốc lộ 19, tiếp nhận nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho những chuyến biển tiếp theo. Hàng năm, lưu lượng phương tiện tàu thuyền, xe cộ, hàng hóa thủy sản thông qua cảng cá ở tỉnh Bình Định rất lớn.
Do đó, công tác kiểm soát và quản lý hàng hóa, phương tiện và tàu thuyền hoạt động tại các cảng, được Ban quản lý Cảng cá Bình Định đặt làm nhiệm vụ trọng yếu trong việc khắc phục "thẻ vàng" IUU.
Ngư dân Phan Văn Thợ - chủ tàu cá BĐ 91485 TS (485CV) ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, tàu cá cập cảng bán sản phẩm đều tuân thủ việc khai báo theo quy định. Tất cả thuyền viên đi trên tàu, đều đã ý thức tốt việc đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
"Trên tàu của tôi có 4 thuyền viên thì trong đó có 3 người có 3 bằng thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy. Chuyện làm ăn thì cả đời, chuyến biển này đánh bắt không có chuyến sau đánh bắt có, xâm phạm vùng biển nước ngoài làm gì để vừa bị phạt vừa bị mất tàu, thậm chí còn tù tội", ông Thợ nói.
Theo Ban quản lý Cảng cá Bình Định, qua thời gian triển khai thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và các giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, đến nay phần lớn các chủ tàu cá và ngư dân đã nhận thức và chấp hành tốt việc báo trước 1 giờ trước khi tàu cập cảng và ghi nộp nhật ký khai thác, khai báo sản lượng khi vào cảng.
Đặc biệt, ngư dân Bình Định đã hiểu được các hành vi cấm đối với tàu khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
"Trong năm 2020, sản lượng thủy sản thông qua cảng đạt 35.900 tấn. Theo đó, chúng tôi đã tổ chức tốt công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, tăng cường công tác xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản theo đúng quy định của Bộ NNPTNT.
Đồng thời, thành lập tại mỗi cảng cá 1 tổ công tác gồm 3 người để thực hiện việc kiểm soát hàng hóa lên cảng, phân công ca trực hỗ trợ cho cho tổ xác nhận, kiểm tra thời gian hàng lên cảng, kiểm tra chủng loại để cấp giấy biên nhận hàng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp thu mua thủy sản xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản", Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định Nguyễn Anh Dũng cho biết.
Để tăng cường năng lực quản lý tàu cá xa bờ nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đã bổ sung cho Cảng cá Quy Nhơn phần mềm kiểm soát hành trình tàu cá.
Ngoài ra, trong năm 2020, Cảng cá Quy Nhơn đã đưa gần 30 hộ mua bán thủy sản tại cảng tập trung vào khu nhà phân loại cá để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Động viên các hộ mua bán thủy sản trang bị những chiếc bàn phân loại cá, để đảm bảo vệ sinh cho sản phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ.
"Hiện nay, những tàu cá đi đánh bắt trước khi vào bờ, theo quy định phải gọi điện báo cho cảng cá nơi tàu sẽ cập vào trước 1 tiếng đồng hồ. Thế nhưng EC vẫn không tin có việc trình báo của ngư dân, nên đòi các cảng cá phải có cơ sở chứng minh.
Do vậy, UBND tỉnh cấp cho các cảng cá trạm thu phát sóng VHF để chứng thực ngư dân có tuân thủ việc trình báo trước khi tàu cập cảng, đây cũng là 1 yếu tố để EC gỡ "thẻ vàng" cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam", ông Anh Dũng phân tích.
Cảng cá Quy Nhơn cũng rất quan tâm đến công tác vệ sinh cảng. Ngoài ra, Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tàu cá đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các chủ tàu phải cam kết trong quá trình bảo quản cá không sử dụng hóa chất độc hại. Đến nay, tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bình Định đều tuân thủ việc khai báo, viết nhật ký khai thác.
"Cả những tàu giã cào đánh bắt gần bờ hiện cũng đã thực hiện đăng ký chứ không hoạt động "lụi" như thời gian trước đây. Ngành chức năng cũng đang hướng dẫn các tàu này cách viết nhật ký khai thác, còn những tàu có chiều dài dưới 15m dù không buộc viết nhật ký khai thác nhưng phải làm báo cáo khai thác", ông Anh Dũng nói.