[Biz Insider]: Nắm giữ quỹ đất vàng khủng tại Hà Nội, Thực phẩm Hà Nội (HAF) có vốn hoá vỏn vẹn 271 tỷ đồng

27/06/2021 08:43 GMT+7
CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI) vừa công bố thông tin về việc thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội (UPCoM: HAF).

"Game" mới tại HAF

Theo đó, HĐQT VPI đã thông qua qua việc chuyển nhượng 3.190.000 cổ phần của HAF, tương ứng 22% cổ phần HAF. Đáng chú ý, ông Ngô Đức Long - Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT HAF là cựu Phó Tổng giám đốc VPI giai đoạn 2011-2013.

Được biết, Công ty Thực phẩm Hà Nội tiền thân là Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hà Nội được thành lập ngày 10/07/1957 và thành lập lại theo Quyết định số 490/QĐ-UB ngày 26/01/1993 của UBND Thành phố Hà Nội.

Ngày 23/08/2004, HAF đổi thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Thực phẩm Hà Nội. Tháng 11/2012, HAF đổi thành Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hà Nội

Đến ngày 28/05/2015, HAF chính thức chuyển đổi thành CTCP Thực phẩm Hà Nội. Ngày 24/07/2017, cổ phiếu HAF giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 10.000 đ/CP.

Hiện nay, vốn điều lệ của HAF là 145 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông lớn tính đến ngày 30/6/2020 bao gồm: CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI nắm giữ 22%, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội nắm giữ 20%, CTCP Chứng khoán Phố Wall là 18,76% và cá nhân ông Nguyễn Thế Vinh nắm giữ 5%.

[Biz Insider]: Hé lộ quỹ đất vàng khủng tại Hà Nội, đằng sau thương vụ VPI nhận chuyển nhượng 3 triệu cổ phần HAF - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo bạch HAF

Ít ai biết rằng, doanh nghiệp có ngành nghề liên quan đến thực phẩm này, hiện đang nắm giữ quỹ đất vô cùng lớn tại Hà Nội. Đây, có lẽ cũng chính là mục tiêu PVI nhắm đến khi chấp nhận chuyển nhượng cổ phần của HAF.

"Đất vàng" trải đều khắp Hà Nội

Cụ thể, theo bản báo cáo bạch của HAF cho biết, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng 11 địa điểm bao gồm Trung tâm thương mại, siêu thị và Chuỗi cửa hàng tiện ích Haprofood với tổng diện tích 1.517,12 m2.

Trong đó, đáng kể như tòa nhà 9 tầng với tổng diện tích đất 736 m2 tại số 51 Lê Đại Hành; văn phòng cho thuê, diện tích 88,4 m2 tại 153 Giảng Võ; văn phòng cho thuê tại 141 Trương Định; Cơ sở sản xuất bánh có diện tích 70,4 m2 tại 136 Tây Sơn.

Ngoài ra, HAF còn có 8 địa điểm ăn uống, kinh doanh, tổng diện tích 1.845,3 m2. Trong đó, kinh doanh khác sạn tại số 46 Lương Ngọc Quyến (164 m2); Cho thuê kinh doanh may mặc tại 30 Hàng Đào (200 m2); Cho thuê tại 72 Triệu Việt Vương (195 m2) và 35 Lạc Trung (225 m2); Văn phòng đơn vị và kinh doanh ăn uống tại số 7 Đinh Liệt (347,6 m2)...

5 địa điểm kinh doanh bán buôn, kho, văn phòng công và văn phòng chi thuê, tổng diện tích 9.353,86 m2. Đáng kể như dãy văn phòng 3 tầng và dãy nhà kho 2 tầng có địa chỉ 162-164 đường Tựu Liệt (8.678 m2); văn phòng 3 tầng tại 26 Trần Nhật Duật (250,1 m2)...

5 địa điểm cửa hàng khoán hiệu quả, tổng diện tích 168,02 m2. 3 địa điểm chuyển đổi mục đích sử dụng (triển khai dự án), tổng diện tích 5.337,8 m2. Xí nghiệp sản xuất 2.795 m2; Tạm giao công ty sử dụng chờ quy hoạch 3 địa điểm, tổng diện tích 218,34 m2 và 2 địa điểm đang giải quyết tranh chấp có tổng diện tích 1.541,41 m2.

[Biz Insider]: Hé lộ quỹ đất vàng khủng tại Hà Nội, đằng sau thương vụ VPI nhận chuyển nhượng 3 triệu cổ phần HAF - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính đã kiểm toán HAF năm 2020.

Trong đó, đối với địa điểm chuyển đổi mục đích sử dụng là 459 Bạch Mai (2.091 m2) hiện HAF đang hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana xây dựng tòa nhà chung cư 25 tầng, mật độ xây dựng 50%. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 của HAF ghi nhận chi phí xây dựng dở dang dài hạn tại Dự án này hơn 1,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, lô đất là phần diện tích 2.930,4 m2 tại 253 Phố Vọng cũng đang được HAF hợp tác cùng Liên danh công ty TNHH Xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta để triển khai dự án Trung tâm thương mại và Dịch vụ Cửu Long. Mục đích khai thác kinh doanh mặt bằng dự án sau đầu tư và phân chia lợi nhuận từ hoạt động trên lô đất trên. Sản phẩm của hợp đồng này là phần diện tích tính theo m2 của căn hộ, văn phòng và các phần diện tích hữu ích khác trong phạm vi lô đất, các dịch vụ sinh lời có thể phát sinh theo thời gian. Tại ngày 31/12/2020, chi phí xây dựng dở dang dài hạn tại Dự án là hơn 2 tỷ đồng.

Năm 2020, HAF cũng đã đưa Cửa hành Thương mại Dịch vụ Đồng Xuân tại 26 Cao Thắng (tổng diện tích 396,6 m2) vào hoạt động nhưng chưa phát huy được hiệu quả do chưa có khách thuê.

Ngoài ra, đối với dự án Tòa nhà Thương mại HFC Lãng Yên, hiện đang được Công ty Cổ phần thương mại Lãng Yên (công ty con của HAF) thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng tại địa điểm 21 Trần Khánh Dư. Được biết, dự án này có tổng diện tích 4.391 m2, gồm có 27 tầng nổi và hai tầng hầm.

Chưa kể, HAF đang "mắc kẹt" với Dự án “Siêu thị Thương mại Dịch vụ Bắc Qua” của của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Bắc Qua làm chủ đầu tư (công ty con của HAF) với hơn 46 tỷ đồng tại danh mục Chi phí dở dang dài hạn năm 2020.

Dự án này có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng trên diện tích 2.296 m2, diện tích xây dựng 67%, tổng diện tích sàn xây dựng 5.873m2 (không kể tầng hầm), công trình có chiều cao 16m với 4 tầng nổi và 2 tầng hầm để xe. Khởi công xây dựng từ năm 2011, tuy nhiên, đến năm 2013 đã tạm dừng. 

Tại Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 của HAF, kiểm toán viên nghi ngờ về khả năng tiếp tục thực hiện của dự án hoặc các lợi ích kinh tế trong tương lai mà công ty có thể thu hồi để bù đắp các khoản đã phát sinh.

Tuy nhiên, thông tin về dự án này tại giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ, HAF thông tin dự án vẫn đang được tiếp tục triển khai thi công. 

[Biz Insider]: Hé lộ quỹ đất vàng khủng tại Hà Nội, đằng sau thương vụ VPI nhận chuyển nhượng 3 triệu cổ phần HAF - Ảnh 2.

VPI nhận chuyển nhượng 3 triệu cổ phần HAF

Về tình hình kinh doanh của Văn Phú Invest, báo cáo tài chính quý I của VPI ghi nhận doanh thu doanh thu tăng trưởng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 140 tỷ đồng, báo lãi sau thuế 6,1 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 7 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của Văn Phú - Invest đạt 9.736 tỷ đồng, không chênh lệch đáng kể so với số đầu năm. Trong đó giá trị tồn kho đạt 2.049 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn 468 tỷ đồng, tổng chiếm 26% giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Tồn kho tập trung chủ yếu tại dự án dở dang The Terra An Hưng (1.529 tỷ đồng) và hai dự án đã hoàn thành gồm Grandeur Giảng Võ (339 tỷ đồng) và The Terra Hào Nam (66 tỷ đồng).

Q.D
Cùng chuyên mục