[Biz Insider] Nhờ đâu CC1 trở lại “xuất thần” trên trường đầu tư công?

03/09/2023 09:59 GMT+7
Trước khi Bộ Xây dựng rút chân, cơ cấu cổ đông của CC1 chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức. Sau khi "bệ đỡ" này thoái lui, cổ đông lớn tại doanh nghiệp này chủ yếu là các cá nhân. Và dù không còn "bệ đỡ" lớn này, hàng loạt gói đầu tư công khủng vẫn lọt vào tay của CC1.

CC1 trở lại "xuất thần" trên trường đầu tư công từ năm 2022

Thống kê lịch sử đấu thầu từ năm 2013 cho thấy, Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP (UPCoM: CC1) đã từng đã tham gia 61 gói thầu, trong đó trúng 46 gói, trượt 14 gói, 1 gói chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Đa phần, CC1 trúng thầu đóng vai trò doanh nghiệp liên danh, tổng giá trị gói thầu hơn 104.000 tỷ đồng. Nhưng 70% giá trị trúng thầu của CC1 trong 10 năm qua tập trung giai đoạn 2021 - nay. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2023, giá trị các gói thầu của CC1 trúng lên đến gần 58.000 tỷ đồng.

Từng là "gà cưng" của Bộ Xây dựng, tháng 11/2020, Bộ Xây dựng chính thức thoái vốn khỏi CC1. Dù không còn "bệ đỡ" lớn nhưng từ năm 2021 các gói thầu lớn về đầu tư công vẫn liên tiếp "lọt" vào tay CC1. Đơn cử, trong năm 2021 có 18 gói thầu/dự án xây lắp điển hình được CC1 thống kê, trong đó 4 dự án liên quan đến bệnh viện, 3 dự án xây dựng trường học, trường phát triển năng khiếu và nhà hát tỉnh, và loạt tổ hợp lọc hóa dầu, nhiệt điện BOT...

Trong năm 2022, CC1 cũng trúng các gói thầu như: Xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị (không bao gồm thiết bị sân khấu 2.000 chỗ) thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh; Gói thầu XL6: Xây dựng hầm chui HC1-02; Thi công xây dựng cầu Kênh Tứ;…

[Biz Insider] Nhờ đâu CC1 trở lại “xuất thần” trên trường đầu tư công? - Ảnh 1.

Từ 2021 đến tháng 8/2023, tổng giá trị gói thầu CC1 đã trúng/trúng cùng liên doanh là hơn 72.000 tỷ đồng.

Chủ tịch CC1, ông Nguyễn Văn Huấn trong thông điệp gửi đến cổ đông đầu năm 2023, từng đánh giá, năm 2022 là cột mốc tăng trưởng đầy ngoạn mục của CC1 trước bối cảnh nền kinh tế thị trường và thủ tục cấp phép còn nhiều bất cập.

Cụ thể, năm 2022 CC1 đã cùng các đối tác trong liên danh trúng thầu 2 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm đoạn Cần Thơ – Hậu Giang với giá trị hơn 7.555 tỷ đồng và đoạn Vân Phong – Chí Thạnh với giá trị là 7.823 tỷ đồng. Đồng thời, trong cuối năm 2022, CC1 cũng liên tiếp trúng thầu 2 dự án trọng điểm tại tỉnh Đắk Nông là Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa với tổng mức đầu tư dự án là 400 tỷ đồng và Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa với giá trúng thầu là 712 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, CC1 dự thầu 9 gói, trượt 1 gói, tổng trị giá hơn 53 nghìn tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 24/8, ACV vừa có thông báo liên danh Vietur (bao gồm CC1) trúng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành giai đoạn 1 trị giá hơn 35.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, gói thầu 5.10 sân bay Long Thành là gói thầu có giá trị lớn nhất CC1 đã trúng.

Bên cạnh gói thầu 5.10 sân bay Long Thành, từ đầu năm 2023 đến nay, loạt dự án đầu tư công nổi bật CC1 đã trúng như: 4 Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với tổng giá trị lên tới 19.430 tỷ đồng gồm liên danh triển khai Dự án cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang Gói XL01; Dự án cao tốc thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau Gói XL03; Dự án cao tốc thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh Gói 11-XL…

....Đến hoạt động kinh doanh của CC1 nhảy vọt

Trước thời điểm tháng 11/2020, dù có "bệ đỡ" khá chắc chắn, là doanh nghiệp Nhà nước với nhiều năm kinh nghiệm nhưng hoạt động kinh doanh kể từ khi lên sàn không cho thấy hiệu quả, biên lợi nhuận thấp, hoạt động kinh doanh thậm chí lỗ nặng, vốn bị chiếm dụng và vay nợ cao. Điểm đáng lưu ý rằng, các công trình thi công của CC1 chủ yếu đến từ khu vực có vốn ngân sách, nhưng báo cáo tài chính của CC1 cho thấy, CC1 đã "mắc cạn" bởi các dự án công khi nợ phải thu khách hàng khu vực công chiếm tỷ trọng lớn.

Cụ thể, năm 2017 doanh thu thuần của CC1 ghi nhận doanh thu ở mức 6.093 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận thu về chỉ đạt vỏn vẹn 38,7 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận của CC1 đạt 192,4 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với năm trước đó. Nhưng tới năm 2019 chỉ còn 90,7 tỷ đồng, giảm 52,9% so với năm 2018.

Đến năm 2020, Công ty mang về chỉ còn vỏn vẹn 39,7 tỷ đồng, giảm 56% so với năm trước đó.

Nhờ đâu CC1 trở lại “xuất thần” trên trường đầu tư công? - Ảnh 1.

Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm 5,3% so với cuối năm 2019, về còn 9.886 tỷ đồng. Góp phần lớn trong khối tài sản là khoản phải thu ngắn hạn: 4.172,6 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng tài sản. Trong đó, "con nợ" lớn nhất của CC1 là Ban Quản lý Đầu tư các Công trình thuộc Sở Y tế TP. HCM (gần 510 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý Dự án số 1 (hơn 215 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó, tổng nợ vay tính cuối năm 2020 lên tới 4.150 tỷ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn.

Giới chuyên môn từng cho rằng, khi không còn cổ đông lớn Bộ Xây dựng, CC1 sẽ chịu cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp xây dựng khác trong mảng thầu xây dựng các dự án có vốn ngân sách. Đặc biệt, nếu không cải thiện năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp, CC1 có thể bị đẩy vào vùng nguy hiểm do nghiệm thu thanh toán để thu hồi vốn chậm và giá vốn xây dựng bị đẩy lên cao như hiện nay.

Tuy nhiên, từ năm 2021 báo cáo tài chính của CC1 cho thấy màu sắc tươi sáng bất chấp khó khăn đến từ giá nguyên vật liệu nhảy vọt và liên tục lập đỉnh, chi phí vay tăng.

Nhờ đâu CC1 trở lại “xuất thần” trên trường đầu tư công? - Ảnh 2.

Hai yếu tố quan trọng giúp CC1 trở lại xuất thần trên thị trường đầu tư công

Giờ đây, hai yếu tố quan trọng giúp CC1 trở lại xuất thần trên thị trường đầu tư công gồm: Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công bao gồm hoạt động đầu tư và quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công; và cơ cấu cổ đông của CC1. 

[Biz Insider] Nhờ đâu CC1 trở lại “xuất thần” trên trường đầu tư công? - Ảnh 4.

Trước thời điểm tháng 11/2020, Bộ Xây dựng là cổ đông lớn nhất tại CC1, nắm giữ hơn 44,58 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ sở hữu 40,53% vốn điều lệ. Bên cạnh có các cổ đông chiến lược, gồm CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc), CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh (Nam Thịnh) và CTCP Top American Việt Nam (Top American Việt Nam) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 19%, 15% và 11,03% vốn điều lệ. Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt là cổ đông lớn, với tỷ lệ sở hữu 9,47% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, sau khi cổ đông Nhà nước thoái vốn, các cổ đông khác là Tuấn Lộc, Top American Việt Nam, Quản lý Quỹ Bảo Việt và Nam Thịnh cũng lần lượt bán ra toàn bộ số cổ phiếu CC1.

Cổ đông lớn tại CC1 sau thời điểm Bộ Xây Dựng thoái lui đều là các cá nhân. Cụ thể, Trần Tấn Phát và Nguyễn Văn Huấn đã lần lượt mua vào 13,7 triệu cổ phiếu và 12,1 triệu cổ phiếu, sở hữu lần lượt là 12,49% và 11,03% vốn điều lệ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, dàn lãnh đạo mới của CC1 đã thông qua, gồm: ông Nguyễn Đức Dũng (SN 1963) là nhân sự kỳ cựu tại CC1, ông Nguyễn Thành Vinh (SN 1985), Giám đốc Chi nhánh HCM của CTCP Chứng khoán KB VIệt Nam; ông Nguyễn Quốc Cường (SN 1977) là Tổng Giám đốc Nam Thịnh, là thành viên HĐQT CC1, ông Nguyễn Văn Bình (SN 1980) Giám đốc khu vực miền Nam – khối định giá TSĐB của Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng SeABank.

Còn về ông Nguyễn Văn Huấn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT CC1 thay thế cho ông Lê Dũng kể từ ngày 21/1/2021. Ông Nguyễn Văn Huấn từng có 10 năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Đất Vàng (Đất Vàng), ông cũng từng là Tổng Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật của CTCP Thương mại dịch vụ đầu tư địa ốc vàng (Golden Land).

Đến cuối tháng 6/2023, tại BCTC riêng của CC1 cho thấy, ông Huấn đang sở hữu 11,05% tại CC1.

Nhờ đâu CC1 trở lại “xuất thần” trên trường đầu tư công? - Ảnh 3.

Chi tiết vốn góp của CC1 tại thời điểm cuối tháng 6/2023.

Golden Land được thành lập vào tháng 3/2020, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập đều chung địa chỉ thường trú gồm: ông Nguyễn Văn Huấn góp 90%, ông Nguyễn Văn Huy góp 5% và ông Đinh Tú Tài góp 5%. Dữ liệu cho thấy, ông Đinh Tú Tài (SN 1991) còn là đại diện tại các pháp nhân khác như: CTCP Xây dựng Bất động sản Phương Đông (tiền thân là Công ty TNHH Nhadat.net), Công ty TNHH Năng lượng mặt trời TMS Việt Nam (TMS Việt Nam) và Công ty TNHH Năng lượng mặt trời VVT Việt Nam (VVT Việt Nam). Ông Đinh Tú Tài cũng từng đứng tên tại CTCP HHD Group (HHD Group), đây cũng là pháp nhân trước đó ông Nguyễn Văn Huấn là đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT (thời điểm tháng 3/2016).

Về ông Trần Tấn Phát được biết là chủ của thương hiệu Ford Đồng Nai, với hệ sinh thái liên quan đến hãng xe hơi lớn của nước Mỹ.

Năm 2006 ông Trần Tấn Phát thành lập Công ty TNHH Dịch vụ - Thương Mại Tấn Phát Đạt với tên giao dịch là Đồng Nai Ford nằm trên quốc lộ 1A nối liền hai miền Nam Bắc ngay ngã tư KCN Amata, khuôn viên của Đồng Nai Ford có tổng diện tích trên 3.200m2 bao gồm hệ thống phòng trưng bày và xưởng dịch vụ hiện đại đạt tiêu chuẩn Brand@Retail của Ford toàn cầu.

Hệ sinh thái của ông Tấn Phát còn có Địa ốc Sài Gòn Lộc Phát, Ô tô Tấn Đạt Phát, Ford Suối Tiên, chi nhánh Vũng Tàu - Ô tô Tấn Đạt Phát...

Vào tháng 4/2022, CC1 đã phát hành hơn 205 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,8 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua 1,8 cổ phiếu mới), với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Trần Tấn Phát từ bỏ quyền mua, theo đó, tỷ lệ sở hữu của ông Phát giảm từ 12,45% xuống còn 4,46% và chính thức mất tư cách cổ đông lớn tại CC1.



O.L
Cùng chuyên mục