Bộ Công Thương hé lộ lý do đưa ra đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo
Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 02 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7%. Tại một số thị trường, lượng xuất khẩu tăng rất mạnh như Malaysia tăng 149%, Trung Quốc tăng 595%...
"Đây là nguyên nhân chính khiến giá thóc, gạo trong nước cũng biến động mạnh, tăng khoảng 20 - 25% tùy theo chủng loại. Trong điều kiện xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn héc-ta trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, nếu xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như 2 tháng vừa qua, Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước", đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Trước diễn biến trên ngày 23/3, tại cuộc họp về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã đề xuất Thường trực Chính phủ xem xét một số phương án điều hành xuất khẩu gạo. Trong đó có hai phương án gồm tạm giãn tiến độ xuất khẩu hoặc xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến kết luận về một số biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 5 năm 2020.
"Sau khi Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ Công Thương nhận được ý kiến của các địa phương vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và một số thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc cần có sự đánh giá lại về sản lượng thóc, gạo vụ Đông Xuân năm nay cũng như lượng tồn kho thực tế trong dân và tại các doanh nghiệp.
Chính vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm tra lại lần nữa lượng tồn kho trong dân, lượng tồn kho trong các doanh nghiệp và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định", đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, vào ngày mai (26/3), cơ quan này sẽ cùng các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, làm việc với các tỉnh, thành sản xuất, xuất khẩu gạo trọng điểm và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đã khẳng định, đề xuất của Bộ Công Thương là tạm hoãn xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp chứ không phải dừng hẳn.
Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng đã quyết định đồng ý với đề xuất trên, Bộ Công Thương lại tiếp tục xin xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nguyên nhân là do đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có độ vênh về số liệu.
Theo ông Khánh phân tích, hiện tại, Chính phủ đã tự do hóa thị trường xuất khẩu gạo. Do đó, các DN không cần đăng ký số lượng gạo sản xuất, tồn kho và xuất khẩu. Bộ Công Thương quyết định dựa trên số liệu từ các bộ ngành khác, tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nắm số liệu chung, số liệu xuất khẩu lại do Tổng cục Hải quan nắm.
Được biết, sau Thông báo số 121/TB-VPCP, Tổng cục Hải quan đưa mặt hàng gạo vào diện cấm xuất khẩu. Cơ quan này đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3, đồng thời giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên.