Bộ đôi sáng lập Didi Global mất 1,5 tỷ USD sau "đòn đau" từ Bắc Kinh

07/07/2021 14:25 GMT+7
Khi giá cổ phiếu Didi tụt dốc, tài sản ròng của CEO Cheng Wei - một trong hai nhà sáng lập Didi - đã bốc hơi khoảng 1,2 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.

Cổ phiếu Didi Global giảm sâu, bộ đôi đồng sáng lập mất 1,5 tỷ USD

Bộ đôi đồng sáng lập Didi Global đã chứng kiến tài sản bốc hơi 1,5 tỷ USD chỉ trong hai phiên giao dịch sau khi Bắc Kinh tuyên bố buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của Didi chỉ ít giờ sau khi hãng này niêm yết công khai lần đầu tại Mỹ.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) hôm 4/7 đã buộc ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe Didi Global tại các cửa hàng ứng dụng trực tuyến smartphone sau khi phát hiện gã khổng lồ này thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng. Hành động của CAC lập tức khiến cổ phiếu Didi tụt hơn 20% trong phiên giao dịch sau đó trên sàn chứng khoán Mỹ.

Bộ đôi sáng lập Didi Global mất 1,5 tỷ USD sau "đòn đau" từ Bắc Kinh - Ảnh 1.

CEO Didi Global Cheng Wei, một trong hai nhà sáng lập hãng gọi xe số 1 Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)

Khi giá cổ phiếu Didi tụt dốc, tài sản ròng của CEO Cheng Wei - một trong hai nhà sáng lập Didi - đã bốc hơi khoảng 1,2 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg. Nhà đồng sáng lập còn lại của Didi Global, Jean Liu cũng ghi nhận tài sản ròng giảm khoảng 300 triệu USD.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Didi Global huy động được 4,4 tỷ USD trong thương vụ IPO tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ vào tuần trước.

Không riêng Didi lọt vào tầm ngắm

Didi không phải công ty duy nhất bị CAC để mắt đến. Cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Full Truck Alliance và Kanzhun cũng giảm trong phiên giao dịch 6/7 đêm qua khi CAC công bố các cuộc điều tra an ninh mạng nhắm vào các công ty này. Tương tự như Didi Global, cả Full Truck Alliance và Kanzhun sẽ không thể cho phép người dùng mới đăng ký chừng nào quá trình đánh giá của các cơ quan quản lý kết thúc.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) còn được gọi là Văn phòng Ủy ban Các vấn đề Không gian mạng Trung ương. Cơ quan này được thành lập năm 2011 dưới sự quản lý của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc. Nhấn mạnh tầm quan trọng của CAC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố: “Không có an ninh mạng thì không có an ninh quốc gia; không có ứng dụng CNTT thì không thể hiện đại hóa”.

Nhà kinh tế Trung Quốc Rory Green từ viện nghiên cứu đầu tư TS Lombard nhận định: “Sự kiện Didi Group đã mở ra một mặt trận mới trong vấn đề công nghệ của Trung Quốc: mặt trận chủ quyền… Cuộc chiến tranh giành chủ quyền dữ liệu đang bắt đầu và Trung Quốc cho thấy họ đã sẵn sàng cho điều đó. Có một điều rõ ràng là ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu và sự cần thiết phải điều chỉnh quy định luật pháp xoay quanh nó”.

Các nhà phân tích Trivium cũng cho rằng động thái của CAC Trung Quốc với Didi và các doanh nghiệp  niêm yết tại Mỹ có thể bắt nguồn từ “mối quan ngại rủi ro bảo mật dữ liệu khi các công ty tiến hành niêm yết tại nước ngoài”.

Đồng quan điểm này, bộ đôi chuyên gia Ernan Cui và Thomas Gatley của Gavekal Research chỉ ra rằng: “Mối lo ngại rõ ràng của Bắc Kinh là dữ liệu của Didi có thể bị các cơ quan nước ngoài truy cập, gây rủi ro cho an ninh quốc gia”.

Kai-Fu Lee, nhà đầu tư mạo hiểm người Trung Quốc và là cựu giám đốc điều hành của Google nhận định vụ việc Bắc Kinh ngăn chặn thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group trực thuộc Alibaba hồi tháng 11 năm ngoái cũng liên quan đến các vấn đề khai thác dữ liệu.

Thực tế, quan điểm này đã được khẳng định bởi một bài luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu trực thuộc cơ quan ngôn luận Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc: “Chúng ta không được cho phép bất kỳ gã khổng lồ Internet nào nắm giữ siêu cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của người dân Trung Quốc với mức độ chi tiết hơn cả Nhà nước; chưa nói đến việc cho họ quyền tùy ý sử dụng dữ liệu đó. Đặc biệt với các công ty được niêm yết tại Mỹ như Didi Chuxing hoặc có cổ đông hàng đầu là các công ty nước ngoài”.

Thị trường vốn lớn nhất thế giới tại Mỹ từ lâu đã là nguồn huy động vốn sinh lợi cho các công ty Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã huy động được con số kỷ lục 12,5 tỷ USD từ thị trường vốn Mỹ trong tổng số 34 thương vụ. Nhưng giờ đây, khi Trung Quốc tăng cường giám sát các thương vụ niêm yết nước ngoài, điều này có thể tạo lực cản cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn huy động vốn tại Mỹ.


NTTD
Cùng chuyên mục