Sau vụ IPO của Didi Global, Trung Quốc tăng cường giám sát các công ty niêm yết tại nước ngoài

07/07/2021 11:34 GMT+7
Khi Trung Quốc tăng cường giám sát các thương vụ niêm yết nước ngoài, điều này có thể tạo lực cản cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn huy động vốn tại Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc hôm 6/7 tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài. Thông báo được đưa ra ít ngày sau khi Bắc Kinh mở cuộc điều tra an ninh mạng nhằm vào gã khổng lồ gọi xe Didi Global ngay sau khi Didi có thương vụ niêm yết công khai lần đầu (IPO) trên sàn chứng khoán Mỹ.

Các biện pháp kiểm soát mới của Trung Quốc bao gồm việc siết chặt quy định bảo mật dữ liệu xuyên biên giới, kiểm soát hoạt động bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán, cơ chế xử phạt hành vi gian lận IPO, thao túng thị trường…

Trung Quốc cũng sẽ kiểm soát gắt gao nguồn vốn đổ vào đầu tư chứng khoán cũng như tỷ lệ đòn bẩy tài chính - một thước đo đánh giá khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

Sau vụ IPO của Didi Global, Trung Quốc tăng cường giám sát các công ty niêm yết tại nước ngoài - Ảnh 1.

Sau vụ IPO của Didi Global, Trung Quốc tăng cường giám sát các công ty niêm yết tại nước ngoài (Ảnh: Getty Images)

Việc chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát các công ty niêm yết ở nước ngoài là động thái quan trọng trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt quy định với nền kinh tế internet từng được tạo điều kiện phát triển tự do của nước này.

Thị trường vốn lớn nhất thế giới tại Mỹ từ lâu đã là nguồn huy động vốn sinh lợi cho các công ty Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua. Nhưng giờ đây, khi Trung Quốc tăng cường giám sát các thương vụ niêm yết nước ngoài, điều này có thể tạo lực cản cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn huy động vốn tại Mỹ.

Việc Bắc Kinh tuyên bố điều tra Didi Global ngay sau khi hãng gọi xe này niêm yết tại Mỹ và huy động được 4,4 tỷ USD đã khiến cổ phiếu Didi giảm tới 25% trong phiên giao dịch sau đó. Cụ thể, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) hôm 4/7 tuyên bố đã buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của Didi Global.

Cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Full Truck Alliance và Kanzhun cũng giảm trong phiên giao dịch 6/7 đêm qua khi CAC công bố các cuộc điều tra an ninh mạng nhắm vào các công ty này.

Nhà kinh tế Trung Quốc Rory Green từ viện nghiên cứu đầu tư TS Lombard nhận định: “Sự kiện Didi Group đã mở ra một mặt trận mới trong vấn đề công nghệ của Trung Quốc: mặt trận chủ quyền… Cuộc chiến tranh giành chủ quyền dữ liệu đang bắt đầu và Trung Quốc cho thấy họ đã sẵn sàng cho điều đó. Có một điều rõ ràng là ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu và sự cần thiết phải điều chỉnh quy định luật pháp xoay quanh nó”.

Vào tháng 3 năm nay, cơ quan quản lý giao dịch chứng khoán Mỹ đã bắt đầu triển khai các quy định nhằm hủy niêm yết các công ty nước ngoài khỏi sàn giao dịch Mỹ nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ, một động thái được đánh giá là trực tiếp nhằm vào các công ty Trung Quốc.

Vào tháng 5, Reuters đưa tin rằng Bắc Kinh đã yêu cầu nền tảng Ximalaya từ bỏ kế hoạch IPO tại Mỹ và lựa chọn niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) do quan ngại cơ quan quản lý Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn với các tài liệu kiểm toán của công ty Trung Quốc qua những thương vụ như vậy.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã huy động được con số kỷ lục 12,5 tỷ USD từ thị trường vốn Mỹ trong tổng số 34 thương vụ. Các sàn giao dịch Mỹ từ lâu đã trở thành địa điểm niêm yết phổ biến của các công ty công nghệ Trung Quốc do thị trường vốn khổng lồ, định giá cao, uy tín và quy tắc sinh lời dễ dàng.

Tuy nhiên, khi căng thẳng Mỹ Trung leo thang và Mỹ ra quy tắc mới đe dọa nguy cơ hủy niêm yết các công ty Trung Quốc, một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Baidu đã lựa chọn niêm yết thứ cấp tại thị trường Hong Kong.


NTTD
Cùng chuyên mục