Bộ GTVT đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 1.358 gói thầu
Trong số đó có 898 gói thầu đấu thầu không qua mạng với tổng giá gói thầu là 64.923,4 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 61.905,1 tỷ đồng, tổng giá trị tiết kiệm là 3.018,3 tỷ đồng (tương đương 4,6% tổng giá gói thầu).
Năm 2022, Bộ GTVT đấu thầu qua mạng 460 gói thầu với tổng giá gói thầu là 17.725,4 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 17.219,1 tỷ đồng, tổng giá trị tiết kiệm 506,3 tỷ đồng (tương đương 2,8% tổng giá gói thầu).
Bộ GTVT cho biết, năm 2022, Bộ GTVT có 162 gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư với tổng giá gói thầu là 59.348,5 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 56.712,4 tỷ đồng, tổng giá trị tiết kiệm là 2.636,1 tỷ đồng (tương đương 4,4% tổng giá gói thầu).
Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ còn có 74 gói thầu thuộc dự án nhóm A, 328 gói thầu thuộc dự án nhóm B và 628 gói thầu thuộc dự án nhóm C.
Đối với phần vốn được giao cần giải ngân, Bộ GTVT cho biết, Bộ này đã giải ngân khoảng 47.905 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch bổ sung, dự kiến đến hết tháng 1/2023 sẽ phấn đấu giải ngân 97% vốn ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho đất nước, Bộ GTVT tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.
Bộ GTVT huy động tối đa các nguồn lực của xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa các vùng động lực và vùng khó khăn, lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; kết nối vùng, kết nối các loại hình giao thông.
Bộ GTVT phấn đấu giải ngân vốn toàn bộ nguồn vốn bố trí trong kế hoạch 2023 lên tới 94.161 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần kế hoạch năm 2022 và đây được coi là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông.