Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác

09/11/2020 16:14 GMT+7
Trả lời trong phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh còn rườm rà, phức tạp. Có những trường hợp, cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trong phiên chất vấn sáng 9/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề, nhiều thủ tục hành chính gây ra rào cản cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện quyền của mình. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ có giải pháp gì để khắc phục; Bộ trưởng có cam kết gì trước Quốc hội, cử tri cả nước? Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu quan điểm về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, thời gian qua, chúng ta đã rất cố gắng nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng như đại biểu phản ánh. Việc bỏ sót các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục trong một số văn bản quy phạm pháp luật là một thực tế và chúng ta vẫn phải tiếp tục giải quyết với các số liệu cụ thể.

Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp thì Bộ đã kiểm tra văn bản, tuy nhiên thẩm quyền được giao của Bộ Tư pháp chỉ dừng lại ở các thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật do bộ, ngành ban hành cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.

"Khi chúng tôi phát hiện ra thì chỉ có thẩm quyền xem xét, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý chứ Bộ Tư pháp thì không xử lý", Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Đồng thời Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong quá trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các điều kiện kinh doanh và việc vi phạm những quy định của pháp luật, chẳng hạn như quy định điều kiện kinh doanh phải đưa ra các thủ tục trong thông tư cũng là một trong những vấn đề mà Bộ Tư pháp tập trung. 

"Chúng ta vẫn phải sống với tình trạng này và cố gắng làm sao để hạn chế tình hình, giảm bớt đi" - Bộ trưởng nói.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, để giải quyết những vấn đề trên cần tiếp tục thực hiện các giải pháp, trước hết là cơ chế tự thi hành. Các bộ, ngành, các chủ thể xây dựng pháp luật nếu thực hiện với trình độ chuyên môn và trách nhiệm phù hợp, chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng này. 

Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về mặt nguyên tắc đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Thứ ba, sự giám sát của công luận, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Lê Thành Long cam kết, sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới.

Tham gia trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, sự chỉ đạo của Thủ tướng quyết liệt cắt giảm thủ tục chính là bước đi đúng và rất thực chất.

Hiện đã cắt giảm được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, giảm đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục hành chính và cắt giảm 30/120 bộ thủ tục hành chính. Mặt khác đang cắt giảm 1501 quy định chồng chéo giữa các bộ ngành.

"Đúng như đại biểu Kim Thúy nêu, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh còn rườm rà, phức tạp. Có những trường hợp, cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác. Cắt điều kiện kinh doanh này lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ đó gây rào cản gây khó khăn cho người dân. Trong chỉ đạo của Thủ tướng, đang tiếp tục rà soát lại" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đưa giải pháp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, trước hết, chúng ta phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo, phải nâng cao chất lượng dự thảo. Đây là vấn đề quan trọng. 

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa trong việc để các doanh nghiệp giám sát, người dân giám sát và quan trọng là phải thực hiện được quy trình về thủ tục hành trình, làm sao để thực sự cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Mặt khác, Bộ trưởng cũng cho rằng sẽ tiếp tục đổi mới lề lối làm việc và xử lý hồ sơ trên điện tử theo Nghị định 45. Cùng với đó là huy động sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

PV
Cùng chuyên mục