Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận lỗ hổng pháp lý về hàng hóa có "đường lưỡi bò"
Dừng giấy phép nhập khẩu với doanh nghiệp vi phạm
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn, thời gian gần đây, "đường lưỡi bò" của Trung Quốc được cài cắm vào hàng hóa như thiết bị định vị ô tô, phim ảnh, sách vở... cơ quan Hải quan phát hiện đã xử lý nhiều vụ việc. Số hàng hóa đã bán cho người sử dụng hết sức nguy hại, vậy trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng thế nào?
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây là hiện tượng mới xuất hiện ở ô tô nhập khẩu và ô tô phục vụ cho việc triển lãm. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ đã tổ chức rà soát lại, trước mắt thống nhất với Tổng cục Hải quan là đối với ô tô phục vụ triển lãm là tịch thu, sau đó phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo chặt chẽ hơn, tránh các trường hợp lợi dụng trong tương lai.
Đối với một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có đường lưỡi bò, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp triệu tập, thu hồi toàn bộ các ô tô có đường lưỡi bò''. Tạm thời cho dừng giấy phép kinh doanh nhập khẩu tại Việt Nam cho đến khi doanh nghiệp này thực hiện xong trách nhiệm của mình.
"Qua đây, nhận thấy có lỗ hổng trong pháp lý mà các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương cần rà soát lại để đảm bảo không để xảy ra hiện tượng đó trong tương lai", Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị trừng phạt thương mại
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Thời gian gần đây, hàng hoá Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu tiêu dùng diễn ra nhiều nhiều nơi. Hàng hoá đó đi vào con đường nào mà nhập vào Việt Nam để rồi giả mạo và xuất khẩu sang nước khác? Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và có biện pháp ra sao để phòng ngừa, ngăn chặn?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời, liên quan đến việc hàng hoá từ Trung Quốc và các nước khác lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để lợi dụng những ưu đãi thuế quan, Chính phủ đã rất chủ động để xây dựng các đề án lớn về phòng vệ thương mại chống gian lận xuất xứ. Bộ Công Thương đã chủ động có cơ chế chính sách để thông báo kịp thời cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các tỉnh để quản lý chặt chẽ hơn và khuyến nghị để kiểm soát hoạt động đầu tư, tránh chuyển tải bất hợp pháp.
Hiện nay có tới 25 mặt hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ và các nước khác đang có nguy cơ bị lợi dụng, trong đó có những mặt hàng như điện tử, gỗ dán. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng tổ chức khuyến nghị cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cảnh báo về nguy cơ bị trừng phạt thương mại cũng như bị áp thuế cao.
Chưa dự báo chuẩn xác năng lượng điện tái tạo
Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đặt câu hỏi về 3 nội dung liên quan đến phát triển điện mặt trời. Quy hoạch điện 7 có ý nghĩa gì khi công suất quy hoạch 850MW cho năm 2020 và 1200MW cho năm 2030 đã bị phá vỡ với sông suất hiện tại lên tới 7200MW, vượt 9 lần so với quy hoạch và sẽ còn tăng thêm 2086 MW trong giai đoạn 2020 – 2030 và hiện nay 121 dự án đã được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt.
Hai là mức giá khai thác còn quá cao. Việc thiếu đồng bộ trong phát triển hạ tầng gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, lãng phí năng lượng tái tạo.
Trả lời, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận việc quy hoạch điện 7 chưa dự báo chuẩn xác được năng lượng điện tái tạo và điện mặt trời. Nguyên nhân là do công nghệ chưa phát triển. Thủ tướng đã phê duyệt quyết định 11, trong đó tạo cơ sở phát triển điện mặt trời, quy định mức giá ưu đãi, tạo điều kiện đủ mạnh để phát triển.
Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, việc phát triển không đồng bộ hạ tầng truyền tải điện, trạm biến áp dẫn đến việc không truyền tải đủ công suất. Hơn nữa, nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện nên gặp khó khăn. Bộ đã xin bổ sung hơn 15 dự án truyền tải điện, trạm biến áp nhưng vẫn không kịp.
Ông Tuấn Anh thừa nhận có sự thiếu chủ động của Bộ Công thương dẫn đến công suất chưa được truyền tải hết.