Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân nhà ở xã hội khan hiếm
Theo số liệu về phát triển nhà ở xã hội – nhà ở thương mại giá thấp đến tháng 4/2021, Bộ Xây dựng cho biết, cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội (104.200 căn, tổng diện tích hơn 5.210.000 m2); Đang tiếp tục triển khai 264 dự án (219.000 căn, diện tích khoảng 10.950.000 m2).
"Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng nêu trên tuy nhiên diện tích nhà ở xã hội hoàn thành mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở), còn nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến nguồn cung khan hiếm", văn bản tổng kết của Bộ Xây dựng nêu.
Lý giải nguyên nhân việc phát triển nhà ở xã hội chưa như kỳ vọng, Bộ Xây dựng cho rằng, do vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội). Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí.
Tại nhiều địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng…
Đặc biệt, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng.
Cũng theo Bộ Xây dựng, để có quỹ nhà ở thương mại giá thấp, ngày 29/5/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Cụ thể là các căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2.
Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trong đó tập trung vào một số ưu đãi: Về quy hoạch, bố trí quỹ đất; thủ tục đầu tư xây dựng và cơ chế huy động vốn…
"Việc triển khai các cơ chế chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp phải được nghiên cứu bài bản nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật về nhà ở và các pháp luật khác liên quan", Bộ Xây dựng nêu ý kiến.
Theo báo cáo của công ty bất động sản DKRA Việt Nam, trong quý 1/2021, thị trường TP.HCM tiếp tục không có căn hộ bình dân. Căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 - 30 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/căn đã "mất hút" từ đầu năm 2019 đến nay và dường như không có dấu hiệu quay trở lại.
Tại Hà Nội, các dự án có giá dưới 20 triệu đồng cũng rất hiếm. Những căn hộ có giá từ 1 - 1,5 tỷ đồng cũng đã mất hút trên thị trường vài năm trở lại đây.