Bom nợ Trung Quốc phình to, vì sao thế giới 'lo ngay ngáy'?

09/03/2021 17:43 GMT+7
Trung Quốc dự kiến quay trở lại theo đuổi chiến dịch xóa nợ trong năm nay, nhưng với tốc độ chậm rãi hơn khi chính phủ tìm cách cân bằng rủi ro tài chính với gây áp lực vừa phải lên một nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau cú sốc đại dịch.

Gánh nặng nợ Trung Quốc: nỗi lo toàn cầu

Theo tờ SCMP, Bắc Kinh nhận định giảm nợ là một trong năm nhiệm vụ chính của chính phủ trong năm 2021, với mục tiêu giữ tỷ lệ nợ trên tổng GDP ở mức ổn định. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu quan ngại về tác động các gói cứu trợ khổng lồ của chính phủ Mỹ với gánh nặng nợ nần vốn đã cao của nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng là nước cõng trên lưng gánh nặng nợ quốc gia lớn.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Mỹ và Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, dẫn đến nợ quốc gia tăng cao. Khi đại dịch Covid-19 làm tê liệt nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm chi phí vay, khiến gánh nặng nợ của hai nước tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục.

Bom nợ Trung Quốc phình to, vì sao thế giới 'lo ngay ngáy'? - Ảnh 1.

Trung Quốc cõng khối nợ kỷ lục, cả thế giới cùng quan ngại

Hồi tuần trước, ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc đã nhấn mạnh sức ép lớn từ tỷ lệ nợ nần cao trong hệ thống tài chính. Thực tế là có một lượng đáng kể công ty Trung Quốc có khả năng phải phá sản sau đại dịch. Sự gián đoạn, tê liệt của nền kinh tế do dịch bệnh sẽ gây khó khăn cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong việc trả nợ, dẫn đến áp lực gia tăng nợ xấu cho các ngân hàng.

Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, gánh nặng nợ của Trung Quốc đã tăng khoảng 30%, trở thành quốc gia mắc nợ nhiều thứ hai sau Mỹ, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức quốc tế đại diện cho các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng nợ của  Trung Quốc trong khu vực phi tài chính - các tập đoàn, hộ gia đình và chính phủ - đã tăng lên 41,6 nghìn tỷ USD trong quý 3/2020, trong khi gánh nặng nợ của Mỹ cũng tăng lên 60,9 nghìn tỷ USD trong cùng quý, theo dữ liệu của BIS.

Tình hình nợ của Trung Quốc đáng lo ngại hơn khi báo cáo cho thấy phần lớn các khoản nợ tại quốc gia này đến từ khu vực doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính trên GDP Trung Quốc đã tăng vọt lên 163,1% trong quý 3/2020, tức gần gấp đôi mức 83,5% ở Mỹ.

Các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ nợ trên GDP quá cao của Trung Quốc là vấn đề được quan tâm bởi toàn thế giới, bởi Trung Quốc hiện chiếm tới 20% tổng nợ toàn cầu. Bất kỳ rủi ro nào với hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến hệ thống tài chính toàn cầu.

Giảm nợ ở Trung Quốc: Một bài toán khó

Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi động chiến dịch xóa nợ đầu tiên nhằm hạn chế việc vay nợ quá mức thông qua ngân hàng bóng tối và thị trường tài chính bất động sản quá nóng. Vào thời điểm đó, một số chỉ số kinh tế Trung Quốc cho thấy nếu nợ tiếp tục tăng có thể gây rủi ro lớn cho hệ thống tài chính Trung Quốc, không loại trừ khả năng khủng hoảng tài chính. Tổng nợ quốc gia Trung Quốc ở mức 250% GDP vào năm 2018, 3 năm sau chiến dịch xóa nợ.

Nhưng những nỗ lực này đã suy yếu vào giữa năm 2018, khi thương chiến Mỹ Trung gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc, buộc Bắc Kinh nới lỏng các chương trình giảm nợ. Kết quả là tỷ lệ nợ trên GDP tăng trở lại lên 258% GDP vào năm 2019 trước khi lên mức kỷ lục 285% GDP vào quý 3/2020 khi Bắc Kinh tung ra các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch.

Bom nợ Trung Quốc phình to, vì sao thế giới 'lo ngay ngáy'? - Ảnh 2.

Giảm nợ là một trong năm nhiệm vụ chính của chính phủ Bắc Kinh trong năm 2021

Gói cứu trợ là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh sau đợt suy thoái mạnh đầu năm ngoái. Nhưng khi kinh tế phục hồi, Trung Quốc lại đối diện với rủi ro tín dụng lớn khi gánh nặng nợ tăng cao chưa từng có. Theo lý thuyết, tỷ lệ nợ càng cao thì khả năng hoàn trả tín dụng càng thấp và rủi ro vỡ nợ càng cao. 

Erik Norland, nhà kinh tế cấp cao tại CME Group nhận định: “Từ năm 2017 đến năm 2019, thực tế là các tập đoàn phi tài chính đang nỗ lực xóa nợ, nhưng nợ chính phủ và nợ hộ gia đình lại tăng nhanh hơn tổng sản phẩm quốc nội GDP… Điều này chẳng khác nào giảm nợ ở một khu vực kinh tế và chuyển khối nợ này sang một khu vực khác. Trên thực tế, việc giảm nợ trong tổng thể nền kinh tế là rất khó thực hiện”.

Trong khi các cơ quan chức năng cam kết cải cách quy định nhằm hạn chế rủi ro hệ thống tài chính và ổn định tỷ lệ nợ, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt mục tiêu giảm nợ mà vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. 

Rõ ràng, Trung Quốc cần đảm bảo nhu cầu trong nước tiếp tục tăng trưởng đủ để bù đắp tác động kinh tế từ chiến dịch xóa nợ.

Theo dự kiến, chính phủ đã cắt giảm dần các gói kích thích tài khóa, cắt giảm mục tiêu thâm hụt ngân sách chính phủ xuống 3,2% GDP từ mức mục tiêu 3,6% đặt ra vào năm 2020. Nhưng nó vẫn cao hơn mức trần bình quân 3% trong những năm trước đại dịch.

“Sự phục hồi kinh tế được dự báo trong năm nay có thể sẽ cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp và nhờ đó giảm bớt áp lực nợ. Nhưng vẫn khó nói liệu tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc có chắc chắn giảm hay không, đặc biệt là trước nguy cơ bùng phát trở lại của đại dịch và những bất ổn từ xung đột công nghệ Mỹ Trung” - nhận định của ông Iris Pang, nhà kinh tế trưởng chuyên về Trung Quốc tại ING Bank.

Rủi ro đang gia tăng đối với lĩnh vực tài chính của Trung Quốc, đặc biệt là nếu các khoản nợ xấu tăng mạnh, khiến nhiều ngân hàng khó đáp ứng các tiêu chí vốn và thanh khoản.


NTTD
Cùng chuyên mục