Quá nhiều bài học đau đớn, vì sao các nước vẫn lún sâu vào bẫy nợ Trung Quốc?

27/10/2020 08:47 GMT+7
Tờ tạp chí kinh tế - tài chính hàng đầu Châu Á Nikkei Asian Review mới đây vừa đăng bài phân tích về bẫy nợ mà Trung Quốc giăng tại các nước nghèo Châu Á và lý do vì sao các nước này vẫn ưa thích vay từ Bắc Kinh bất chấp loạt cảnh báo của các chuyên gia quốc tế.

Bẫy nợ Trung Quốc: những bài học đau đớn

Bài phân tích chỉ ra rằng chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đang dồn nhiều quốc gia Châu Á vào nhiều rủi ro lớn.

Lào, quốc gia Đông Nam Á đang vật lộn để trả các khoản vay khổng lồ, đã phải giao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát phần lớn hệ thống lưới điện quốc gia khi gánh nặng nợ của công ty điện lực quốc doanh lên tới 26% tổng GDP. 

Tham vọng đưa quốc gia trở thành “pin năng lượng của Đông Nam Á” đã thúc đẩy Lào đầu tư vào hàng loạt dự án thủy điển để tăng cường xuất khẩu điện. Do đó, chính phủ Lào đã đồng ý giao cho các công ty Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác trữ lượng thủy điện dồi dào tại quốc gia này. Đến nay, Bắc Kinh đã kiểm soát phần lớn lưới điện cũng như nguồn nước của Lào. Điều này không chỉ gây ra mối đe dọa lớn với an ninh môi trường của Lào - một quốc gia không giáp biển, mà còn mang đến rủi ro với an ninh quốc gia. Nhất là khi Trung Quốc tăng cường xây đập trên sông MeKong, điều mà các chuyên gia toàn cầu cáo buộc là nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nước sông và hạn hán ở vùng hạ lưu.

Quá nhiều bài học đau đớn, vì sao các nước vẫn lún sâu vào bẫy nợ Trung Quốc? - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia phải nhượng tài sản chiến lược cho Trung Quốc sau khi lún sâu vào bẫy nợ và mất khả năng thanh toán nợ

Sri Lanka và Pakistan thì rơi vào một “vòng luẩn quẩn”, buộc phải tìm kiếm các khoản vay mới từ Trung Quốc để trả khoản vay cũ đến thời điểm đáo hạn. Cả hai quốc gia này đều đã phải giao quyền kiểm soát một số tài sản chiến lược quốc gia cho Bắc Kinh do mất khả năng thanh toán nợ. Cách đây 3 năm, Sri Lanka ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota - cảng biển có vị trí chiến lược nhất khu vực Ấn Độ Dương - cùng 6.000 ha đất xung quanh cảng để bù đắp lại khoản nợ khổng lồ. Còn Pakistan thì buộc phải nhượng cho Trung Quốc quyền điều hành cảng Gwadar trong 40 năm tiếp theo. Theo hợp đồng này, Trung Quốc sẽ bỏ tủi 91% doanh thu từ cảng trong suốt thời gian đó, đồng thời được kinh doanh độc quyền và miễn các loại thuế.

Tajikistan, một quốc gia Châu Á khác bị vướng vào các khoản nợ khó trả với Trung Quốc từ năm 2006 đã buộc phải nhượng 1.158 km2 đất tại vùng núi Pamir cho Bắc Kinh, đồng thời cấp cho các công ty Trung Quốc quyền khai thác vàng, bạc, quặng khoáng sản khác từ vùng núi này. Nước này gần đây đã kiến nghị Trung Quốc giảm và hoãn nợ trong bối cảnh dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Quốc gia láng giềng Kyrgyzstan cũng đang tìm kiếm sự giãn nợ từ Bắc Kinh khi nước này rơi vào hỗn loạn chính trị và mất khả năng thanh toán một số khoản nợ đến ngày đáo hạn.

Tại Châu Phi, hàng loạt quốc gia nghèo như Angola, Cameroon, Congo, Ethiopia, Kenya, Mozambique và Zambia đã loay hoay tìm cách buộc Bắc Kinh hoãn nợ do cuộc khủng hoảng đại dịch.

Thà lún vào bẫy nợ của Trung Quốc còn hơn vay tiền từ IMF?

Bất chấp những lời cảnh báo về bẫy nợ mà Bắc Kinh gieo rắc, quyết định gần đây nhất của Sri Lanka về việc vay từ Trung Quốc thay vì Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF một khoản lớn để tránh nguy cơ vỡ nợ đã đặt ra câu hỏi lớn: Điều gì khiến các nước ngày càng lún sâu hơn vào các khoản vay của Trung Quốc?

Bài phân tích trên tờ Nikkei Asian Review đưa ra một số yếu tố như khả năng phê duyệt khoản vay tại Trung Quốc dễ dàng hơn nhiều so với những điều kiện nghiêm ngặt của IMF. IMF đánh giá mức độ tín nhiệm của quốc gia vay và không phê duyệt khoản vay nếu kết quả đánh giá chỉ ra rằng khoản vay có thể đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Còn Trung Quốc thì sẵn lòng cho vay ngay cả khi các quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nợ, bởi khoản vay sẽ mang đến lợi thế đòn bẩy lớn cho Bắc Kinh.

Quá nhiều bài học đau đớn, vì sao các nước vẫn lún sâu vào bẫy nợ Trung Quốc? - Ảnh 3.

Ngày càng nhiều quốc gia mất niềm tin vào Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng

Ví dụ, trường hợp của Maldives, Bắc Kinh đã sử dụng các khoản vay nợ lớn tại đảo quốc Ấn Độ Dương này để nâng tầm ảnh hưởng chính trị, qua đó mua lại một vài hòn đảo với giá rất rẻ. Maldives sau đó đã may mắn thoát phần nào ra khỏi bẫy nợ của Trung Quốc khi cuộc bầu cử năm 2018 đã lật đổ sự độc tài của chính quyền Tổng thống Abdulla Yameen, người duy trì chế độ thân Trung Quốc. Gần đây, Ấn Độ đã đứng ra bảo lãnh các khoản nợ từ thời ông Yameen bằng cách cung cấp cho Maldives những khoản viện trợ hào phóng giá trị lên tới 500 triệu USD.

Nhìn chung, những bẫy nợ mà Bắc Kinh gieo rắc ở nước ngoài đang khiến Trung Quốc vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ các chính phủ Phương Tây. Thiện cảm về Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất lịch sử trong năm nay, khi ngày càng nhiều quốc gia mất niềm tin vào Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng. “Trung Quốc có khả năng phải trả giá đắt cho chính sách ngoại giao bẫy nợ của mình, ngay cả khi các quốc gia rơi vào bẫy nợ phải gánh chịu hoàn toàn những khoản nợ khổng lồ này”.

(Bài phân tích của Brahma Chellaney, một nhà phân tích địa chính trị nổi tiếng, đăng trên tờ tạp chí kinh tế tài chính Nikkei Asian Review)


Thùy Dung
Cùng chuyên mục