Các ngân hàng Trung ương đồng loạt hạ lãi suất, chiến tranh tiền tệ đang đến gần?
Không ai còn nghi ngờ về sự leo thang căng thẳng trong thương chiến Mỹ Trung những ngày gần đây, sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ đầu tháng 9 còn Bắc Kinh thì để tỷ giá NDT/USD xuyên ngưỡng 7 lần đầu tiên trong 11 năm qua. Điều thị trường nghi ngờ là liệu những diễn biến đó có biến thành chiến tranh tiền tệ toàn diện hay không, và xung đột sẽ còn kéo dài đến khi nào. Đó là những ghi chú được chiến lược gia cao cấp Rabobank ông Jane Foley chia sẻ hôm 6.8.
Một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn diện được hiểu là tình huống mà các quốc gia đua nhau làm suy yếu giá trị tiền tệ trong nỗ lực củng cố tăng trưởng kinh tế hoặc bảo tồn lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Điều các nhà kinh tế thực sự lo ngại là khi hàng loạt sự phá giá đưa thị trường tiền tệ xuống đáy, phá vỡ nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu.
Hôm 8.8, Ngân hàng Trung Ương New Zealand đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, gấp đôi so với mức kỳ vọng 0,25%. Ngân hàng Trung Ương Ấn Độ cắt giảm 0,35% và ngân hàng Trung Ương Thái Lan cũng hạ lãi suất 0,25% lần đầu tiên kể từ năm 2015 đúng như kỳ vọng của thị trường.
Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường cao cấp từ City Index cho hay: “Chúng ta đang chứng kiến các nhà hoạch định chính sách có những hành động mạnh mẽ hơn kỳ vọng thị trường. Điều đó cho thấy họ ngày càng quan ngại về triển vọng nền kinh tế quốc gia nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung”.
Các nhà đầu tư thì đổ xô vào những tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng. Phố Wall trải qua đợt bán tháo mạnh mẽ nhất kể từ đầu năm. Chỉ số Dow Jones đã chứng kiến mức giảm gần 600 điểm trong phiên giao dịch 7.8 trước khi phục hồi trở lại. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng chạm đáy dưới mức 1,6%, mức thấp nhất kể từ năm 2016 trước khi tăng nhẹ lên 1,665%.
Sự biến động tỷ giá NDT đã khiến thị trường tiền tệ chao đảo
Một động thái rõ ràng hơn, Mỹ hôm 5.8 đã chính thức dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi Bắc Kinh để tỷ giá NDT xuyên ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, điều mà Washington cho là một hành động bất thường nhằm trả đũa đe dọa thuế quan của ông Trump. Bắc Kinh sau đó kịch liệt phủ quyết điều này, cho rằng việc NDT trượt giá là do các tác động tự nhiên của nền kinh tế, trong bối cảnh quan ngại thuế quan gia tăng và GDP giảm tốc.
Trung Quốc cũng nêu rõ quan điểm nước này không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh tiền tệ với Trump và không có lý do gì để phá giá tiền tệ trong bối cảnh hiện nay, nhưng rõ ràng sự sụt giá của đồng NDT đã khiến hệ thống tài chính toàn cầu lao đao. “Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, việc đồng NDT suy yếu dù có chủ đích hay không cũng sẽ thúc đẩy chiến tranh tiền tệ leo thang” - ông Foley nhận định.
Ở phía ngược lại, ông Trump cũng nỗ lực hạ giá đồng USD thông qua những phát ngôn và sự cắt giảm lãi suất của FED, một nỗ lực cho đến giờ vẫn không mấy thành công. Đồng USD sau đó vẫn phục hồi sức mạnh, bởi các ngân hàng Trung Ương khác trên thế giới cũng đồng thời nới lỏng chính sách tiền tệ như một hành động phù hợp trong bối cảnh bóng ma chiến tranh thương mại ngày càng ảm đạm. Đồng USD vẫn sừng sững thống trị hệ thống thanh toán quốc tế.
Tất nhiên, vẫn có những quan điểm lạc quan rằng chiến tranh tiền tệ khó có thể xảy ra vì lịch sử can thiệp vào thị trường ngoại hối của Mỹ phần lớn đều không hiệu quả. “Sự mất giá đồng NDT cũng sẽ khiến lạm phát tại Trung Quốc gia tăng và gây ra chảy máu dòng vốn, điều mà Bắc Kinh không hề mong muốn” - ông James Watson, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Oxford Economics nhận định.