Các "ông lớn" nào rót hàng chục nghìn tỷ đồng vào đường vành đai 4 Hà Nội?

Thế Anh Thứ năm, ngày 30/09/2021 10:30 AM (GMT+7)
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, những doanh nghiệp đề xuất tham gia đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội là những "ông lớn" đã từng tham gia các dự án giao thông lớn.
Bình luận 0

Dự án đường vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, và vừa rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 07 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô.

Theo đó, dự án vành đại 4 vùng thủ đô sẽ được triển khai theo phương thức đầu tư công, đầu tư đối tác công - tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Để sớm triển khai dự án này, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có báo cáo gửi tới UBND TP.Hà Nội về tổng quan dự án, hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư.

Hé lộ các "ông lớn" rót hàng chục nghìn tỷ vào đường Vành đai 4 Hà Nội - Ảnh 1.

Chi tiết quy hoạch đường vành đai 4 - vùng thủ đô. Đồ hoạ: Việt Anh

Theo Sở GTVT Hà Nội, đường vành đai 4 được chia làm 7 đoạn và có tổng chiều dài là 98 km. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 54 km; trên địa bàn tỉnh Hưng Yên dài 23 km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh 21 km; điểm đầu dự án là đoạn nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối đoạn giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Tuyến có một đoạn đi trùng với QL18 và cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến đường có mặt cắt ngang rộng 120 m (bao gồm cả quỹ đất dự trữ và sử dụng cho hạ tầng kỹ thuật).

Về vốn đầu tư toàn tuyến vành đai 4, phương án 1 sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng và theo phương án 2 cần tổng vốn khoảng 135.000 tỷ đồng.

Về thiết kế dự án vành đai 4 do Bộ GTVT lập và các điều chỉnh về sau, hiện tuyến đường vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Những "ông lớn" muốn rót tiền đầu tư vào dự án này gồm có Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng.

Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành – Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng; Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỷ đồng.

Hé lộ các "ông lớn" rót hàng chục nghìn tỷ vào đường Vành đai 4 Hà Nội - Ảnh 2.

Đường vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Hải

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, những doanh nghiệp đề xuất tham gia đầu tư dự án đều là những doanh nghiệp "lớn" đã từng tham gia các dự án giao thông lớn. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn T&T là một doanh nghiệp đầu tư các dự án bất động sản uy tín.

Mới đây nhất, tập đoàn T&T đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận làm nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng hàng không Quảng Trị. Dự án xây dựng cảng hàng không Quảng Trị có tổng mức đầu tư khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp.

Công ty CP đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành cũng đang là chủ đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Đây cũng là dự án đem lại lợi nhuận lớn cho Công ty Phương Thành khi liên tiếp ghi nhận tăng tưởng qua các năm. Trong năm 2016, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lãi ròng 342 tỷ đồng, trên doanh thu thuần 561 tỷ đồng (chủ yếu từ thu phí). Lợi nhuận tiếp tục tăng lên 465 tỷ đồng trong năm tiếp theo, với doanh thu tương ứng gần 690 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh tiếp tục duy trì ở mức này trong 2018, trước khi lợi nhuận ròng bất ngờ sụt giảm trong 2019 còn 266 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ biên lợi nhuận gộp từ trên 80% rơi xuống còn 65%. Tổng số lợi nhuận trong 4 năm từ 2016 – 2019 dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu về hơn 1.500 tỷ đồng trong 4 năm chính thức thu phí. Năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 doanh thu của dự án này mới bị sụt giảm.

Tương tự, Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn cũng là một doanh nghiệp có tiếng tại các tỉnh miền Trung khi sở hữu nhiều dự án lớn tại đây. Hoành Sơn được biết đến là một doanh nghiệp đa ngành nghề ví dụ như: Vận tải; quản lý đội tàu biển; cho thuê tàu và các dịch vụ vận tải biển; giao thương và xây dựng đầu tư. Công ty này được thành lập bởi ông Phạm Hoành Sơn vào năm 2001 và trụ sở chính tại tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.

Hoành sơn đã tham gia các dự án xây dựng và đầu tư quốc gia cũng như tư nhân như: Hệ thống cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng, cảng biển quốc tế Hoành Sơn và dự án điện mặt trời ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem