Các "ông lớn" ngành dầu khí làm ăn ra sao năm 2023?
5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất ngành dầu khí lãi khủng
Trong đó, 5 ông lớn ngành dầu khí là Petrolimex (HoSE: PLX), PV OIL (UPCoM: OIL), PV GAS (UPCoM: GAS) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), PV Drilling (HoSE: PVD) có tổng doanh thu lên đến hơn 646.000 tỷ đồng.
Trong đó, Petrolimex (PLX) có một năm kinh doanh khá ấn tượng. Cụ thể, luỹ kế cả năm 2023, Petrolimex ghi nhận doanh thu 304.171 tỷ đồng, giảm gần 10% so với kết quả thực hiện được năm 2022 nhưng ngược lại, lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận tăng mạnh tới 60% (hơn gấp đôi), lên mức 3.052 tỷ đồng - tương ứng lãi hơn 8 tỷ đồng mỗi ngày.
So với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2023 thông qua, Công ty vượt 44% chỉ tiêu doanh thu, và vượt gần 22% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của cả năm. Kết quả lũy kế của Petrolimex tăng mạnh nhờ 2 quý đầu rực sáng và khoản lãi khủng từ việc thoái vốn khỏi PGB ghi nhận trong quý III.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 vừa công bố, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 35.794 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp chỉ còn 637 tỷ đồng, đạt bằng 1/2 so với cùng kỳ, và biên lợi nhuận gộp không tới 1,8%.
Trong quý IV/2023, PV OIL đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù chi phí bán hàng giảm 22% xuống 524 tỷ đồng và chi phí quản lý giảm 32% xuống 276 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lại tăng 9% lên 99 tỷ đồng. Kết quả là công ty lỗ 36,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 294,8 tỷ đồng.
Theo giải trình từ PV OIL, giá dầu thô liên tục giảm trong quý IV/2023. Đặc biệt, giá dầu Brent từ ngày đạt đỉnh vào ngày 27/9/2023 (98 USD/thùng) giảm xuống mức bình quân 73 USD/thùng vào tháng 12, giảm khoảng 25 USD/thùng. Điều này dẫn đến việc Nhà nước điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước ở mức 11% đối với xăng và 16% đối với dầu, sau khi điều tiết bằng Quỹ bình ổn giá.
So với cùng kỳ năm trước, mặc dù doanh thu thuần tăng 21% do sản lượng tiêu thụ tăng 30%, nhưng vì nguyên nhân nên trên đã làm cho mức độ tăng giá vốn cao hơn mức độ tăng doanh thu (giá vốn tăng tới 24%), đã làm cho lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ năm 2022. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến công ty thua lỗ trong quý cuối năm 2023.
Lũy kế cả năm 2023, PV OIL ghi nhận mức doanh thu thuần 102.669 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 628 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,5% và 13% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 577 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét theo mục tiêu từ ĐHĐCĐ 2023, PV OIL đã đạt doanh thu gấp đôi kế hoạch và vượt gần 31% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Trong quý IV/2023, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HoSE: GAS) ghi nhận mức doanh thu tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 22.571 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn trong kỳ tăng gần 8%, dẫn đến việc biên lãi gộp thu hẹp từ 22,1% cùng kỳ xuống còn 18% trong quý này.
PV Gas giải thích rằng giá dầu bình quân quý IV/2023 giảm 5% xuống còn 84,05 USD/thùng, cùng với sản lượng khí khô tiêu thụ giảm 43%, trong khi sản lượng khí LPG tiêu thụ tăng 34%. Toàn bộ năm 2023, giá dầu Brent bình quân là 82,6 USD/thùng, giảm 18% so với năm 2022, và sản lượng khí khô tiêu thụ giảm 6%, Condensate giảm 16%, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Tổng cộng, lũy kế cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của PV Gas giảm so với năm trước, với doanh thu thuần gần 90.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là gần 12.000 tỷ đồng. Con số này giảm đáng kể so với kỷ lục năm 2022, với doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 15.000 tỷ đồng.
Năm, PV Gas đặt mục tiêu doanh thu thuần là 76.440 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 6.540 tỷ đồng cho năm 2023. Kết quả trên vượt gần 18% kế hoạch doanh thu và vượt hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm.
Với CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) ghi nhận doanh thu trong quý IV/2023 đạt 41.932 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế đạt 2.269 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm doanh thu đạt 147.423 tỷ đồng, giảm 11,8%, lãi sau thuế đạt 8.455 tỷ đồng, giảm lần lượt 11,8% và 42,3% so với thực hiện năm 2022.
Trước đó, HĐQT BSR đã việc điều chỉnh kế hoạch hoạt động SXKD năm 2023. Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất được điều chỉnh tăng 52%, từ 95.645 tỷ lển 145.102 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cũng cao gấp 3 lần, từ hơn 1.600 tỷ lên gần 4.900 tỷ đồng. Như vậy, BSR gấp gần 2 lần lãi sau thuế so với kế hoạch điều chỉnh đề ra.
Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng như PPT, PVS, PVD. Cụ thể, cả năm 2023 PPT ghi nhận doanh thu 3.305,9 tỷ đồng, tăng 55,9% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 18,5%.
Petro Times cho biết, lợi nhuận sau thuế quý IV tăng hơn 50% so với cùng kỳ nhờ doanh thu tăng trưởng gần gấp đôi, và giá xăng dầu năm 2023 duy trì ổn định so với năm 2022 nên biên lợi nhuận gộp về bán hàng đạt tỷ lệ cao hơn.
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) cho biết, trong quý IV/2023, PV Drilling ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.747 tỷ đồng. PV Drilling lợi nhuận sau thuế đạt hơn 194 tỷ đồng (cải thiện mạnh so với mức lỗ 103 tỷ đồng của năm 2022), đây là quý cao nhất kể từ quý IV/2018 (đạt hơn 402 tỷ đồng).
Lũy kế cả năm 2023, PV Drilling ghi nhận doanh thu hơn 5.811 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 540 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 154,8 tỷ đồng. Đây là năm lợi nhuận cao nhất của PVD từ sau 2015. Với kết quả trên, Công ty đã vượt gần 8% mục tiêu doanh thu và gấp 5,4 kế hoạch lãi sau thuế cả năm.
Mặc dù vậy, cũng có doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hàng ngàn tỷ đồng nhưng lãi mang về không được như kỳ vọng. Cụ thể, kết thúc quý IV/2023, Xăng dầu Dầu khí Phú Yên (PPY) ghi nhận 1.208 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kì năm 2022. Thế nhưng, lãi trước thuế của đơn vị này chưa đến 1 tỷ đồng, trong khi cùng kì lãi hơn 28 tỷ đồng. Kết thúc năm 2023, Xăng dầu Dầu khí Phú Yên đưa về hơn 4.415 tỷ đồng doanh thu, tăng thêm 4% so với năm 2022, đồng thời ghi nhận xấp xỉ 13 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 58%.
Dự án Lô B-Ô Môn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính cho ngành dầu khí
Gần đây, siêu dự án Lô B-Ô Môn đã chứng kiến những bước tiến tích cực. Ngày 30/10/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam (PVN) đã tổ chức lễ ký kết và triển khai tại Hà Nội để bắt đầu thực hiện dự án khí-điện quy mô tại khu vực này. Liên danh nhà thầu PTSC (PVS)-McDermott đã được chọn để thực hiện gói thầu EPCI 1 với các điều khoản giới hạn, và giá trị tổng cả của gói thầu này, bao gồm giàn vận hành trung tâm, khu sinh hoạt và một số giàn đầu giếng, được ước tính là 1,1 tỷ USD.
Siêu dự án Lô B-Ô Môn, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD, hứa hẹn cung cấp 5,06 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm trong suốt 23 năm. Dự án này sẽ bao gồm phần thượng nguồn (khai thác và xử lý khí Lô B), phần trung nguồn (đường ống dẫn khí vận chuyển khí) và phần hạ nguồn (4 nhà máy điện). Các chủ đầu tư chính của dự án bao gồm PetroVietnam (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4), PVEP, MOECO, PTTEP (thượng nguồn), PV Gas (trung nguồn), Marubeni (nhà máy điện Ô Môn 2), và Tập đoàn Điện lực Genco 2 (Nhà máy điện Ô Môn 1).
Theo SSI Research, những doanh nghiệp hưởng lợi chính từ tiến triển của Lô B-Ô Môn vẫn là những doanh nghiệp thượng nguồn như PVS, PVD và trung nguồn có GAS, PVB. PVS sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên khi bắt đầu xây dựng từ giữa năm 2024, tăng cường doanh thu và lợi nhuận trong lĩnh vực EPC.
PVDrilling (PVD) và PVB cũng có cơ hội tham gia vào hoạt động khoan và gói thầu bọc đường ống, trong khi GAS sẽ hưởng lợi khi dự án cung cấp khí cho các nhà máy điện.
Mặc dù giảm giá trong thời gian gần đây, dự báo về ngành dầu khí vẫn tích cực. Dự án Lô B-Ô Môn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính cho ngành dầu khí trong thời gian tới, và các tổ chức như MBS kỳ vọng giá dầu thô Brent trung bình là 93 USD/thùng trong quý IV/2023 và 92 USD/thùng trong năm 2024.