Các startup nên bắt đầu nói chuyện với nhà đầu tư khi nào?
Patrick Newton, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Form Ventures cho biết: “Không có thời điểm nào là quá sớm” khi bạn muốn bắt đầu trao đổi với các nhà đầu tư tiềm năng.
“Nếu ai đó đến với chúng tôi và họ có ít hơn 3 tháng chuẩn bị, chúng tôi sẽ khá đắn đo trong quyết định đầu tư của mình”, Patrick chia sẻ trong một phiên thảo luận tại hội thảo CogX 2020 diễn ra mới đây.
Newton cũng bổ sung thêm rằng các doanh nhân không nên bị “định hướng bởi những trường hợp ngoại lệ” – những startup được rót vốn chỉ sau một tuần làm việc với quỹ đầu tư mạo hiểm. “Bạn cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và hãy dành nhiều thời gian nhất có thể để chuẩn bị cho quá trình này”.
Gary Stewart, cựu giám đốc điều hành của đơn vị tăng tốc khởi nghiệp Wayra UK thuộc tập đoàn Telefonica, cũng đưa ra lời khuyên rằng các công ty khởi nghiệp nên bắt đầu nói chuyện với các nhà đầu tư càng sớm càng tốt.
“Tôi cho rằng điều tồi tệ nhất bạn làm là trong quá trình kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, bạn chỉ bắt đầu nói chuyện với họ khi cảm thấy thật cần thiết”, Stewart cho biết.
Việc tiếp cận sớm các nhà đầu tư cho phép bạn phát triển các mối quan hệ, anh giải thích. Điều này sẽ giúp bạn tập trung hơn vào việc chứng minh cho họ thấy khả năng của bạn trong việc xúc tiến một kế hoạch kinh doanh.
“Các nhà đầu tư sẽ không chỉ đầu tư vào ý tưởng của bạn, mà còn là khả năng hiện thực hóa được những kế hoạch đầy tham vọng”, Stewart nói.
Nhà đầu tư pre-seed hay Angel?
Yi Luo, một nhà đầu tư cá nhân đồng thời là trưởng bộ phận chiến lược của Earnd, cho biết việc xác định được loại hình nhà đầu tư mà bạn đang nhắm đến là điều rất quan trọng.
Ví dụ, với các nhà đầu tư cá nhân (hay còn gọi là angel), những người sở hữu khối tài sản lớn, thường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nhỏ. Họ có thể là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng cũng có thể, họ đầu tư vì một lý do nào khác như đó là doanh nghiệp của một người bạn hoặc họ có hứng thú đối với lĩnh vực kinh doanh mà công ty đang hoạt động.
Trong khi đó, các nhà đầu tư mạo hiểm ban đầu (hay còn họi là pre-seed), những người đang làm việc cho một quỹ hay một công ty đầu tư, rót tiền của các nhà đầu tư vào một công ty bắt đầu từ giai đoạn phát triển sản phẩm.
Luo cho biết việc hiểu được những khác biệt trên là rất quan trọng vì một nhà đầu tư “angel” thường không quá quan tâm đến cách tiếp cận của bạn phải bài bản như thế nào.
Với các nhà đầu tư pree-seed, họ thường có “nhiều kỳ vọng” hơn từ quá trình tiếp cận của một công ty khởi nghiệp, vì vậy, họ có xu hướng tìm kiếm những thứ gì đó “bóng bẩy” hơn trong quá trình được chào mời đầu tư và đề cao hơn tầm quan trọng của quá trình tiếp xúc sớm.
Sau đại dịch
Hậu đại dịch, các công ty “non trẻ” nên chuẩn bị trước tâm lý rằng thời gian kêu gọi đầu tư của họ có thể sẽ kéo dài hơn so với trước đó, Newton cho biết.
“Tôi đã nghe một vài người nói tối thiểu là 18 tháng… cho dù đó là 12 tháng, 18 tháng hay 24 tháng đi chăng nữa, về căn bản đó vẫn là khoảng thời gian mà các bạn cần để có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư”, anh cho biết.
Kể từ khi nước Anh bắt đầu thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, tổng số lượng các thương vụ đầu tư vào các công ty mới thành lập đã giảm tới 45%, theo dữ liệu từ Plexal và Beauhurst.
Các công ty trên cũng chỉ ra rằng, tổng giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Anh đã giảm tới 85% trong giai đoạn từ 23/3 đến 9/6 so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, có tới 54 triệu bảng Anh đã được đầu tư vào startup, những công ty chưa bao giờ nhận được tiền đầu tư trước đó, theo kết quả một cuộc khảo sát trên quy mô 30.000 doanh nghiệp.
Stewart cho biết, trong trường hợp công ty The Nest của mình, anh chỉ phải tiếp cận với khoảng 40 nhà đầu tư “angel” để có ít nhất một nhà đầu tư chính thức, nhưng hiện tại, con số này có thể lên tới từ 120 - 200.
“Đơn giản là bạn phải mở rộng mạng lưới các mối quan hệ rộng nhất có thể, đừng tỏ ra bảo thủ, hãy nỗ lực thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất có thể, thậm chí nhiều hơn so với những gì bạn kì vọng”, anh chia sẻ.