Các tuyến cao tốc do VEC quản lý đang hoạt động ra sao?
Theo đại diện VEC, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 16,2 triệu lượt; tuyến Nội Bài – Lào Cai là 11,6 triệu lượt; tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi - 1,8 triệu lượt; tuyến TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là 16,1 triệu lượt); cân kiểm soát 1,8 triệu lượt phương tiện.
Cũng trong năm 2020, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã từ chối 40 nghìn phương tiện quá tải theo quy định; duy tu, sửa chữa kịp thời đảm bảo tuổi thọ công trình và chất lượng khai thác. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ hành lang an toàn đường cao tốc.
Bên cạnh đó, VEC đã đầu tư lắp đặt, đưa vào vận hành 15 làn sử dụng công nghệ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Như vậy, hiện nay, 2/4 tuyến cao tốc của VEC đã được đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí ETC, là tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo công nghệ RFID (dán thẻ Etag trên kính xe hoặc đèn xe) và tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, với 8 làn sử dụng công nghệ thu phí không dừng của Nhật Bản – DSRC (thiết bị OBU kèm theo 1 thẻ IC-card được lắp trên đầu xe).
Đối với các tuyến cao tốc còn lại, VEC đã đề xuất phương án đầu tư lắp đặt, và sẽ tổ chức triển khai ngay sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Cũng theo đại diện VEC, năm 2020, trên 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý đã xảy ra 57 vụ tai nạn khiến 13 người thiệt mạng và 60 người bị thương; xảy ra 289 vụ va chạm giao thông làm một số tài sản đường cao tốc bị hư hỏng. 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương đều giảm đáng kể so với năm 2019, tương ứng giảm 44%, 38% và 48%.
Tình trạng phương tiện dừng đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc đã cải thiện đáng kể do lực lượng chức năng đã lắp đặt hệ thống camera trên toàn tuyến; tích cực tổ chức tuyên truyền, thực hiện cưỡng chế tháo dỡ lều quán mở trái phép dọc hai bên đường cao tốc.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng phương tiện đi ngược chiều trên đường cao tốc; phương tiện vượt trạm hay thay biển số xe để trốn phí, gây rối làm mất an ninh trật tự và gây ùn tắc tại trạm thu phí, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc…
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ký Quyết định số 545/QĐ – QLV ngày 1/12/2020 về việc điều động và bổ nhiệm ông Trương Việt Đông làm chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, trước khi ngồi ghế "nóng" tại VEC, ông Đông từng giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Vào cuối tháng 8/2020, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã quyết định điều động ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV và ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, về công tác tại Tổ tái cơ cấu thúc đẩy sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả do các bộ, ngành chuyển giao về Ủy ban.
Trong thời gian chờ kiện toàn nhân sự, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao ông Phùng Minh Mỡ, Thành viên HĐTV phụ trách HĐTV và giao HĐTV Tổng công ty triển khai quy trình, thủ tục, quyết định giao ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Tổng giám đốc Tổng công ty.
Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tư phát triển đường cao tốc lớn nhất Việt Nam với 5 dự án trị giá hơn 10 tỷ USD, gồm: Nội Bài – Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.