Cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu: Việt Nam có giải quyết được bài toán thuế với Google, Facebook...
Sự phát triển công nghệ cũng như xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới đã tạo ra các công ty đa quốc gia siêu lợi nhuận, đồng thời cũng làm xuất hiện những thiên đường thuế, những đất nước sẵn sàng đánh những mức thuế suất thấp để kêu gọi đầu tư, để giúp các công ty dịch chuyển trụ sở hoạt động sang những nước này. Điều này vô hình chung tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra cơ chế phân bổ thu nhập sau thuế bất bình đẳng giữa các quốc gia.
Đồng thời các doanh nghiệp hoạt động 100% online cũng đang hưởng lợi nhuận nhờ cách tránh được phần thuế đánh vào thu nhập có được tại quốc gia mà họ không có văn phòng hoạt động. Chính vì vậy đạt được một thỏa thuận về mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu giúp ngăn chặn việc dịch chuyển lợi nhuận và chống xói mòn cơ sở tính thuế.
Khung toàn diện về chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận
Vào tháng 6 vừa qua G7 đã đạt được quy định mới về việc đánh thuế các doanh nghiệp quốc tế. Họ đồng ý rằng các doanh nghiệp sẽ phải trả mức thuế tối thiểu ít nhất là 15% ở mỗi quốc gia mà doanh nghiệp có hoạt động. Điều này đã giải quyết phần nào căng thẳng kéo dài giữa Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn ở Châu Âu. Vì mục tiêu lớn của Châu Âu trong nhiều năm là tăng thuế đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn như Google Alphabet Inc. và Facebook Inc...
Đã có rất nhiều các cuộc đàm phán diễn ra. Trong đó, Châu Âu đã gây áp lực bằng cách công bố các khoản thuế quốc gia riêng biệt đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số, hy vọng Mỹ phải đồng ý với một thỏa thuận quốc tế. Để trả đũa những gì bị coi là phân biệt đối xử với các công ty Hoa Kỳ, chính phủ nước này công bố một loạt các mức thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ các nước Châu Âu...
Tuyên bố chung ngày 4/6 của Bộ trưởng Tài chính các nước Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đã nhắm thẳng vào các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn mà hầu hết có trụ sở tại Hoa Kỳ: "Chỉ vì hoạt động kinh doanh của họ được thực hiện trực tuyến, không có nghĩa là họ không phải nộp thuế ở các quốc gia nơi họ hoạt động và từ đó thu được lợi nhuận... Sự hiện diện thực tế [tại 1 quốc gia] là cơ sở lịch sử của hệ thống thuế trước đây. Cơ sở này phải phát triển lại khi nền kinh tế của chúng ta đang dần chuyển dịch sang trực tuyến".
Để áp dụng được thỏa thuận mức thuế tối thiểu ít nhất là 15% trên toàn cầu, thỏa thuận của G7 cần sự hỗ trợ của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu G20, cũng như sự ủng hộ của 135 quốc gia đã và đang đàm phán các quy tắc mới, một phần của IF. IF là Khung toàn diện trong Diễn đàn hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận do OECD thiết lập. IF bao gồm các quốc gia như Ireland cho đến nay vẫn miễn cưỡng đối mặt với thực tế rằng thế giới không còn có thể dung túng cho các thiên đường thuế.
Trước đó, Hoa Kỳ đã có hình thức đánh thuế tối thiểu đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại quốc gia này, muốn tăng mức thuế đó lên cao hơn, tăng thuế suất trong nước để chi trả cho các chương trình mới của chính quyền tổng thống Biden. Nhưng nếu Hoa Kỳ đơn phương làm như vậy sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp có đặt trụ sở tại quốc gia này.
Tuy nhiên, nếu các quốc gia khác áp thuế tương tự đối với các công ty của họ, thì lợi ích của việc rời trụ sở khỏi Hoa Kỳ sẽ giảm đi. Để thúc đẩy các quốc gia khác đạt được thỏa thuận, Hoa Kỳ đã đề xuất sẽ loại bỏ các khoản khấu trừ thuế nhất định đối với hoạt động của các công ty Hoa Kỳ - có trụ sở tại các quốc gia không áp đặt mức thuế tối thiểu.
Và thỏa thuận của G7 sau khi được nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu G20 ủng hộ, 136 quốc gia đã ký thỏa thuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD làm trung gian để đánh thuế các công ty đa quốc gia công bằng hơn và ban hành mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn toàn cầu là 15%.
Mức thuế suất 21% là hợp lý hơn?
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đảo ngược nhiều chính sách cắt giảm thuế dưới thời của ông Trump, nâng thuế suất doanh nghiệp trong nước từ 25% lên 28% và đề xuất mức thuế hiệu dụng tối thiểu toàn cầu là 21%. Hành động của chính quyền tổng thống Biden được đánh giá là "dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại cuộc chạy đua xuống mức đáy trong thuế doanh nghiệp".
Nhưng ban đầu, các đề xuất của chính phủ Hoa Kỳ về việc đánh thuế các công ty đa quốc gia đã nhận được phản ứng lãnh đạm từ các chính phủ EU. Các công ty đa quốc gia cũng phản đối vấn đề này. Lý do của họ đưa ra rằng một chính sách như vậy sẽ không khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, lý do này chỉ là ngụy biện. Vì thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế chỉ đánh vào lợi nhuận thuần túy, sau khi đã khấu trừ chi phí lao động và vốn. Và các loại thuế như vậy không năn cản tham vọng đầu tư.
Các nghiên cứu của Ủy ban Độc lập Cải cách Thuế Doanh nghiệp Quốc tế (ICRICT) cho thấy mức thuế suất hợp lý là 25%, xét theo mức thuế trung bình toàn cầu hiện đang ở mức trên 22%, thấp hơn mức trung bình 50% vào năm 1985.
Theo tính toán của ICRICT, đạt được ít nhất thuế suất 21% như chính quyền Biden đề xuất, để áp dụng cho lợi nhuận từ nước ngoài của các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ sẽ là bước đi đúng hướng để khiến cho các công ty phải trả một khoản tiền hợp lý. Nó có thể tạo ra doanh thu thuế toàn cầu đáng kể, ít nhất là 240 tỷ USD (được phép trả thiếu hàng năm) - Nhưng thậm chí có thể lên tới con số 640 tỷ USD. Với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%, doanh thu thuế toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm khoảng 150 tỷ USD/năm.
Dù đặt mục tiêu là 21%, Hoa Kỳ đã kêu gọi mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% nhằm thuyết phục được tất cả 139 quốc gia đang đàm phán theo IF, đồng ý với một tỷ lệ toàn cầu như vậy. Cộng đồng quốc tế đã đồng thuận với con số này - cao hơn mức 12,5% mà các công ty đã thúc đẩy một năm trước, nhưng không nhiều.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong đó có nhà kinh tế học đạt giải Nobel Joseph Stiglitz đã phản ứng gay gắt với con số 15%. Họ coi đây là con số thỏa hiệp, không có lợi đối với các nước đang phát triển trên thế giới và là để "chiêu nạp" một số thiên đường thuế. Thực tế, chữ ký vào phút cuối của Ireland, Estonia và Hungary cho phép OECD thực hiện thỏa thuận cải cách thuế đúng thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Rome.
Những tiến bộ của cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu
Mức thuế tối thiểu 15% sẽ chấm dứt những gì mà các nhà kinh tế gọi là "cuộc đua tới đáy" trong những thập kỷ gần đây, khi các quốc gia tham gia vào các vòng cắt giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp. Với thỏa thuận này, các thiên đường thuế sẽ mất đi một phần lợi nhuận. Như Ireland có thể mất đi 2,4 tỷ USD mỗi năm từ doanh thu thuế 14,6 tỷ USD vì cách phân bổ lại doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kỹ thuật số trên thế giới.
Nhưng thỏa thuận này cũng mang lại lợi ích của doanh nghiệp kỹ thuật số đa quốc gia, khi họ tránh được bị đánh thuế nhiều lần ở các quốc gia khác nhau trên cùng một khoản lợi nhuận, do luật thuế quốc gia chồng chéo lên nhau.
Có thể nói, cải cách mới về thuế của G20 đánh dấu sự sửa đổi triệt để nhất trong thuế quốc tế kể từ những năm 1920, khi các quốc gia đã có hàng nghìn các hiệp ước thuế khác nhau trong hệ thống thuế hiện có. Tuy nhiên, thời gian áp dụng luật mới về thuế vào năm 2023 có thể bị trì hoãn. Nguyên nhân là do mỗi quốc gia sẽ phải chuyển thỏa thuận toàn cầu thành luật quốc gia. Và nhiều chính phủ sẽ phải đối mặt với một số phản đối gay gắt trong đất nước mình.
Cơ hội để Việt Nam giải bài toán thu thuế Google, Facebook...
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu để thu thuế của các "Bigtech đa quốc gia". Theo Bộ TT-TT, hai nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất ở Việt Nam là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỉ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là bất công.
Theo thông tin từ tổng cục Thuế thì: "Tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp như Google, Facebook… có tiền thu nhập thông qua việc bán các dịch vụ quảng cáo cho các doanh nghiệp. Hiện các nền tảng như Facebook, Google, YouTube có kê khai và nộp thuế qua các đại lý của họ tại Việt Nam. Qua thống kê sơ bộ của Tổng cục Thuế qua các năm, tổng nguồn thu từ 11 nhà cung cấp lớn như Google, Facebook, Amazon… là khoảng 1.000 tỉ đồng".
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp trong nước có đóng hộ các nền tảng nước ngoài vẫn chỉ là thuế gián thu, việc thu thuế hiện nay phụ thuộc vào sự nghiêm túc của các doanh nghiệp khi khai báo thông tin.
Theo nghiên cứu thị trường của ANTS năm 2019, ước tính tổng doanh thu của Facebook và Google lần lượt là 275 triệu USD và 174,9 triệu USD trong tổng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số của Việt Nam là 648 triệu USD. Trong khi các nhà khai thác truyền thông Việt Nam thu về 180,9 triệu USD.
Vào năm 2020, chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng lên 760 triệu USD, hơn 512 triệu USD trong số đó thuộc về bộ đôi công ty công nghệ khổng lồ của Hoa Kỳ. Còn theo báo cáo vừa công bố của Google, Temasek và Brain & Company về kinh tế số Đông Nam Á 2020 cho thấy ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam đã tăng trưởng 18% so với năm ngoái, đạt giá trị 3,3 tỉ USD.
Nếu theo mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu của ANTS đưa ra thì các doanh nghiệp trên phải trả số tiền thuế ít nhất là 2.200 tỷ đồng chứ không phải chỉ 1.000 tỷ theo số liệu của tổng cục thuế. Cải cách thuế áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% sẽ không chỉ giúp Việt Nam giải quyết bài toán thu thuế của các doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài có một chính sách thuế minh bạch khi bước chân vào thị trường trong nước.