Campuchia và Việt Nam đều khó giữ thị phần rau quả xuất sang Trung Quốc

06/04/2022 13:30 GMT+7
Chính sách “zero Covid” mà Trung Quốc theo đuổi đang gây khó khăn cho cả Việt Nam và Campuchia trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào thị trường này...

Campuchia và Việt Nam đều khó giữ thị phần rau quả xuất sang Trung Quốc

Dẫn nguồn Producereport, chủng loại quả xoài tươi của Campuchia đang gặp khó khăn trong việc giữ thị phần tại thị trường Trung Quốc sau gần một năm kể từ khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu xoài tươi từ Campuchia, do các hạn chế biên giới liên quan đến tình hình dịch Covid-19 và hàng hoá xuất khẩu chậm lại. 

Campuchia và Việt Nam đều khó giữ thị phần rau quả xuất sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Chính sách “zero Covid” mà Trung Quốc theo đuổi đang gây khó khăn cho cả Việt Nam và Campuchia trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào thị trường này...

Xoài trở thành loại trái cây tươi thứ 2 của Campuchia được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc từ tháng 4/2021. Lô hàng xoài tươi của Campuchia được xuất khẩu lần đầu tiên vào tháng 5/2021 tới thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu xoài tươi sang Trung Quốc rất tiềm năng. Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản Campuchia, trong năm 2021 xuất khẩu xoài tươi của nước này sang thị trường Trung Quốc đạt 4,77 nghìn tấn. 

Tuy nhiên, với 2 mùa vụ thu hoạch xoài lớn hơn của Campuchia đang rộ lên thì các nhà xuất khẩu lại kém lạc quan về việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trung Quốc theo đuổi chính sách “zero Covid” nên tăng cường kiểm dịch tại các cảng nhập cảnh của Trung Quốc, điều này làm gia tăng các vấn đề logistics đối với các nhà xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc. Đầu năm 2022, một số lô hàng xuất khẩu xoài của Campuchia tới Trung Quốc đã bị trì hoãn tại cảng và bị hỏng. Các nhà xuất khẩu cũng gặp khó khăn trong việc đảm bảo các container lạnh và kho vận chuyển cho các chuyến hàng đường biển từ cảng Sihanoukville của Campuchia đến Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, xoài xuất khẩu của Campuchia phải cạnh tranh với xoài từ các thị trường khác trong khu vực và ngay cả với thị trường Trung Quốc, bởi nước này cũng trồng rất nhiều xoài và phần lớn lượng xoài được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ngoài ra, Campuchia còn phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong việc phát triển xuất khẩu xoài tươi sang Trung Quốc, như năng suất xử lý nhiệt thấp, cơ sở hạ tầng dây chuyền lạnh hạn chế giữa các vườn cây ăn trái và cơ sở chế biến, và thiếu mối liên hệ chặt chẽ với người mua ở Trung Quốc.

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc cũng không có gì khả quan hơn. Theo ước tính, xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam trong tháng 3/2022 chỉ đạt 340 triệu USD, giảm 15,4% so với tháng 3/2021. Tính chung, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 849 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Campuchia và Việt Nam đều khó giữ thị phần rau quả xuất sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan; số liệu ước tính tháng 3/2022

Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu, mặt hàng quả chiếm tỷ trọng cao nhất trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 353,6 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chủng loại quả chủ yếu được xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022, nên trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là yếu tố chính làm giảm trị giá xuất khẩu chung của ngành hàng này. 

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu giảm là do tình trạng ùn ứ xe nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc kéo dài từ cuối năm 2021 đến nay. Trong đó, chủng loại quả thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 124,1 triệu USD, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đáng chú ý, chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 120,8 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu chủ yếu tới các thị trường: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, trị giá xuát khẩu sang 4 thị trường này chiếm 47,7% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại sản phẩm chế biến. 

Trị giá xuất khẩu sang 3 thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng khá tốt, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 19,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 15,3 triệu USD. 

Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2022 còn một số chủng loại hàng rau quả xuất khẩu như rau củ, hoa và lá, nhưng trị giá xuất khẩu những chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng hoa xuất khẩu đạt 11,1 triệu USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng hoa xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, trị giá xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm 88% tổng trị giá xuất khẩu hoa.

Campuchia và Việt Nam đều khó giữ thị phần rau quả xuất sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Campuchia và Việt Nam đều khó giữ thị phần rau quả xuất sang Trung Quốc - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Được biết, từ năm 2019 trở về trước, Trung Quốc luôn chiếm hơn 70% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc đã giảm dần trong cơ cấu thị phần rau quả xuất khẩu, nhưng đây vẫn là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, chiếm đến 53,7% thị phần trong năm 2021, tương đương hơn 1,9 tỷ USD giá trị.

Về việc giải bài toán xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là hàng nông sản rau quả sang Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, thực tế cho thấy nhiều năm qua, các điểm yếu cố hữu của hàng nông sản Việt vẫn chưa được xử lý triệt để. Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch bệnh, còn doanh nghiệp, người nông dân nước ta trong quá trình sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường nhập khẩu. Cục này dự báo, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tới đây còn tiếp tục khó khăn bởi chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc và các quy định, điều kiện về đăng ký truy suất nguồn gốc hàng hóa xuất sang Trung Quốc...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục