Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ngày càng cực nhọc, khó khăn

28/02/2022 11:59 GMT+7
Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2021 đến nay, nhất là ở các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đang ngày một giảm mạnh...

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn

Theo số liệu mới được Tổng cục Hải quan công bố, 15 ngày đầu tháng 2/2022, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 76,5 triệu USD, so với cùng kỳ 2021, con số này giảm khoảng 42%. Tính từ đầu năm 2022 đến 15/2/2022, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368,5 triệu USD, giảm hơn 16% (tương đương hơn 72 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Việc xuất khẩu nông sản, trong đó có rau quả sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2021 đến nay, nhất là ở các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ngày càng cực nhọc, khó khăn - Ảnh 1.

Tính từ đầu năm 2022 đến 15/2/2022, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368,5 triệu USD, giảm hơn 16%.

Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của ta tháng 1/2022 cũng chỉ đạt 293,21 triệu USD, giảm 2,1% so với tháng 12/2021 và giảm 5,3% so với tháng 1/2021; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 1/2022 đạt 148,91 triệu USD, chiếm 50,8% tổng kim ngạch nhóm hàng này của cả nước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường lớn nhất này cũng giảm mạnh 18,6%.

Ngoài Trung Quốc, các thị trường xuất khẩu đáng chú ý khác của nhóm hàng rau quả là Mỹ (22,35 triệu USD); Hàn Quốc (12,2 triệu USD); Nhật Bản (11,8 triệu USD); Thái Lan (hơn 10 triệu USD)… Trong đó, thị trường Mỹ và Hàn Quốc tăng trưởng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng gần 70%; trong khi Hàn Quốc tăng gần 32%. Thị trường Nhật Bản cũng tăng trưởng hai con số ở mức 12%. Trong khi đó, tương tự Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang Thái Lan giảm mạnh so với cùng kỳ 2021, với mức giảm lên tới 38,3%.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ngày càng cực nhọc, khó khăn - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ngày càng cực nhọc, khó khăn - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Theo Phòng Thương mại Thực phẩm, Sản phẩm Bản địa và Sản phẩm Động vật (CFNA) của Trung Quốc, trong năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 7,03 triệu tấn trái cây, trị giá 13,47 tỷ USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 30,9% về trị giá so với năm 2020. 

Trong khi đó, xuất khẩu trái cây của Trung Quốc năm 2021 giảm 8,3% về lượng và giảm 14,9% về giá trị so với năm 2020, đạt 3,55 triệu tấn, trị giá 5,43 tỷ USD. 

Trung Quốc tăng nhập khẩu các loại quả như sầu riêng, anh đào tươi, chuối, măng cụt, nhãn tươi, quả kiwi tươi, nho và thanh long tươi. Các thị trường cung cấp trái cây chính cho Trung Quốc trong năm 2021 là Thái Lan, Chile, Việt Nam, Philipnes, Newzeland, Peru, Úc và Nam Phi.

Trung Quốc xuất khẩu chủ yếu là táo tươi, quýt, nho tươi, lê tươi và cam. Trong năm 2021, Trung Quốc xuất khẩu trái cây nhiều nhất tới các thị trường: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, HongKong, Banglades, Malaysia, Hoa Kỳ…

Trung Quốc vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhận định, mặc dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Nhiều thị trường cung cấp hàng rau quả như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Mỹ… đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, vì vậy hàng rau quả của Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh gay gắt.

Năm 2021, trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đạt 3,7 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2020. Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động chuyển sang hình thức chính ngạch.

Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, Nhà nước cần có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi, từ vùng nguyên liệu, liên kết hộ nông dân đến xây dựng nhà máy chế biến sâu xuất khẩu, sau đó cấp mã vùng trồng theo quy chuẩn để phục vụ xuất khẩu, khi đối tác yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo chuẩn quốc tế. Làm tốt khâu này sẽ xuất khẩu được nhiều thị trường trên thế giới.

Bên cạnh đó nhiều sản phẩm rau quả của Trung Quốc cũng tương tự của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách để bảo hộ sản phẩm trong nước. Phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam giảm xuất tiểu ngạch, thay thế bằng hoạt động chính ngạch và đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực thi.

Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với các nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Trung Quốc để tránh bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ngày càng cực nhọc, khó khăn - Ảnh 5.

Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong nước đã chi 166,7 triệu USD nhập khẩu rau quả trong tháng đầu năm 2022, tăng 26,4% so với tháng 12 năm ngoái và tăng 12% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc trong tháng đầu năm đạt kỷ lục 72,8 triệu USD, tăng mạnh 60,8% so với cùng kỳ năm 2021 và đến chiếm 30% tổng rau quả nhập khẩu của cả nước.

Trong khi rau quả từ Trung Quốc vẫn ồ ạt vào Việt Nam thì ở chiều ngược lại xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này lại sụt giảm mạnh 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 3% so với tháng 12/2021, chỉ đạt 148,9 triệu USD trong tháng đầu năm 2022.

Trước đó, năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng 3,7% trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng tới 28,4%.

Mặc dù các doanh nghiệp đã tăng mạnh xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ (tăng 69,8% so với cùng kỳ), Hàn Quốc (tăng 31,6%), Nhật Bản (tăng 12,2%) nhưng cũng không thể bù đắp được sự sụt giảm đến từ thị trường Trung Quốc, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu.

Các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đang được thực hiện tốt, bởi xuất khẩu chính ngạch có nhiều điều kiện ràng buộc hai bên bán và mua hơn. Đây cũng là giải pháp mà các Bộ ngành khuyến cáo đến doanh nghiệp và người dân khi bán rau quả sang Trung Quốc.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục