Cẩn trọng với tiền ảo
Tiền ảo, rủi ro thật
Tại Việt Nam, thời gian gần đây ghi nhận một số tiền ảo rác có dấu hiệu lừa đảo được cảnh báo. Rầm rộ nhất phải nói tới trường hợp MyAladdinz khi Bộ Công an tháng 9 vừa qua đã xác định phần mềm MyAlađinz (app MyAladdinz) hoạt động mang dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet. MyAladdinz cung cấp một nền tảng cho phép các chủ gian hàng (người bán) và khách hàng (người mua) kết nối với nhau, để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ bằng hệ thống đồng Gem (viên Ngọc) và điểm thưởng (Point). Đồng Gem và điểm thưởng trên hệ thống App này chủ yếu được sử dụng để mua các sản phẩm và dịch vụ từ các thương nhân trên hệ thống của MyAladdinz…
Dựa trên số điểm tích lũy của mỗi khách hàng, hệ thống hứa hẹn mỗi ngày, người tham gia đăng nhập App sẽ được cộng quy đổi 0,2% điểm Point thành đồng Gem, để từ đó tiếp tục mua sắm, giao dịch sản phẩm trên App. Đây là hình thức trả thưởng, hoạt động huy động vốn theo mô hình đa cấp ẩn dưới hoạt động thương mại điện tử, chưa được Bộ Công thương cấp phép.
Thời gian qua, lực lượng Công an cũng đã phát hiện và cảnh báo việc đầu tư tiền ảo Winsbank. Winsbank do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Bản chất Winsbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Hay trường hợp của Vitae (thuộc Vitae.co), rủi ro rất lớn khi tất cả khoản tiền mà người dân nộp vào Vitae chỉ được hiển thị trên website của Vitae, máy chủ lưu trữ dữ liệu đặt ở nước ngoài, công ty cũng không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam.
Vì vậy, khi các website này sập, người tham gia sẽ mất trắng và cũng không có chứng cứ nào để khởi kiện. Trong tháng 6/2020, nhiều nhà đầu tư tố cáo bị đường dây kinh doanh tiền ảo lừa hàng chục tỷ đồng. Thông qua một nhóm của N.D.L (30 tuổi, ngụ H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) và N.Q.T (43 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) tổ chức kêu gọi, có nhiều nhà đầu tư lên sàn giao dịch Master Trading Markets (mastertradingmarkets.com) bỏ từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mua tiền ảo Usdx (Usdx là đồng tiền ảo để giao dịch trên sàn này; 1 điểm Usdx có giá 25.000 đồng) để kiếm lời, với kỳ vọng thu lợi 90%/tháng…
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho hay, các nhà đầu tư đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau từ sàn trong nước và quốc tế như mua để dành chờ giá lên, thông qua máy đào, uỷ thác đầu tư, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đầu tư đa cấp trá hình và cam kết lợi nhuận ảo… “Tất cả các hình thức này đều rất phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả nền kinh tế cũng như không tính pháp lý cho người dân”, vị này nêu quan điểm.
NHNN cũng đã nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam, đồng thời khuyến cáo người dân không nên đầu tư vào tiền ảo.
Phải có cơ chế quản lý
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ, tiền ảo hiện được coi như một dạng “bong bóng” đầu tư, có khả năng đổ vỡ cao và ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường tài chính. Còn với việc một số dự án/công ty tiến hành việc huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng cũng kéo theo sự nở rộ của các loại tiền ảo đi cùng rủi ro tiềm ẩn về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Nói rõ hơn, ông Sơn cho hay: Do giá trị của các “token” (mã tiền ảo được phát hành để huy động vốn) thường được tính dựa trên mức lợi nhuận bán lại đồng tiền này trên thị trường tiền ảo, ít phụ thuộc vào giá trị cơ bản hoặc lợi ích kinh tế thực sự của dự án kinh doanh mà đồng tiền ảo này mang lại, nên đây là cơ hội thuận lợi cho các đối tượng xấu trục lợi, phát triển các dự án lừa đảo theo hình thức đa cấp kim tự tháp, có khả năng gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư tham gia và sự ổn định của nền tài chính.
Nhìn ở một góc độ khác, về hạn chế của tiền ảo, một chuyên gia cho hay, Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo nhìn chung khá thất bại trong việc trở thành phương tiện thanh toán có khả năng thách thức các đồng tiền quốc gia, mạng thanh toán hiện nay. Nhiều đồng tiền ảo có mức độ biến động giá rất mạnh, không có đặc tính ổn định thường thấy của các đồng tiền quốc gia; thêm nữa cũng không thể thay thế vai trò là một đơn vị kế toán do rất ít các công ty, tổ chức thực hiện hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính quy đổi theo các đồng tiền này… “Tôi cho rằng, nếu xét về một số đặc tính, đặc điểm, thì nhiều đồng tiền mã hoá giờ mang bản chất của một loại tài sản, công cụ đầu cơ tài chính nhiều hơn”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Bởi thế, nên “việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiền ảo là yêu cầu hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và cũng là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc CMCN lần thứ tư”, ông Nghiêm Thanh Sơn nhấn mạnh.
NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong số đó, bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự). Tháng 5/2020, được biết Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Giới chuyên gia đều nhận thấy, phải càng sớm càng tốt đưa ra khung khổ pháp lý điều chỉnh phạm vi hoạt động, đối tượng tham gia cũng như chế tài xử lý… đối với tiền ảo thì mới có cơ sở và nền tảng để xử lý được các đối tượng lừa đảo.