Căng thẳng Nga-Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại thịt toàn cầu

06/03/2022 10:16 GMT+7
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ làm ảnh hưởng lớn đến thương mại thịt toàn cầu. Giá thực phẩm có thể sẽ tăng cao hơn, đây là nhận định mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Thương mại thịt toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Trong tháng 2/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có xu hướng tăng mạnh đến ngày 22/2/2022, sau đó giảm trở lại, tuy nhiên so với cuối tháng 1/2022 giá vẫn tăng. 

Ngày 28/2/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn tháng 4/2022 ở mức 103,8 UScent/lb, tăng 9,5% so với cuối tháng 1/2022 và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021 do nguồn cung lợn giết mổ thắt chặt hơn và nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. 

Nguồn cung lợn hơi sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng của bệnh virus PRRS, PED và do chi phí chăn nuôi cao. Dự đoán, giá thịt lợn tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng.

Căng thẳng Nga-Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại thịt toàn cầu  - Ảnh 1.

Nguồn: cmegroup.com

Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng lớn đến thương mại thịt toàn cầu. Giá thực phẩm có thể sẽ tăng cao hơn. 

Ukraine và Nga cùng là những thị trường cung cấp lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn trên thế giới, khiến các nước nhập khẩu từ châu Á đến châu Phi và Trung Đông bị khó khăn bởi giá bánh mì và thịt tăng cao nếu nguồn cung bị gián đoạn, điều đó sẽ làm tăng giá thực phẩm. 

Hiện Nga vẫn chưa thể tự túc về thịt và điều đó đã được dự đoán trước bởi Nga đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Brazil cho phép nhập khẩu 200.000 tấn thịt bò và 100.000 thịt lợn vào thị trường Nga mà không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. Điều đó cũng có thể báo hiệu Nga sẽ cấm xuất khẩu thịt bò và thịt lợn trong tương lai.

Đối với thịt gà, sản lượng năm 2021 giảm 2% xuống 6,2 triệu tấn, trong đó Tập đoàn Cherkizovo (Nga) đứng đầu về sản lượng với 813.000 tấn, trong đó đã xuất khẩu 62.000 tấn, chủ yếu sang Trung Quốc. 

Sản lượng thịt gà trong tương lai cũng có thể được giữ lại để tiêu thụ tại thị trường nội địa, vì các biện pháp trừng phạt kinh tế chắc chắn sẽ được áp dụng đối với các bên thứ ba có liên quan đến thương mại với Nga. 

Mặt khác, Ukraine là một trong những nước sản xuất thịt gà hàng đầu trên thế giới cũng dự kiến sẽ giữ nguồn cung cấp thịt cho thị trường trong nước để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho cả quân đội và người dân. 

Tuy nhiên, Ukraine phụ thuộc nhiều vào khí đốt và dầu của Nga và sự gián đoạn dự kiến sẽ xuất hiện trong chuỗi cung ứng cho đến khi có các nhà cung cấp mới. 

Theo báo cáo quý I/2022 về thịt lợn mới nhất của Rabobank, mặc dù diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhưng hầu hết người tiêu dùng có kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với dịch bệnh. 

Người tiêu dùng đang tích trữ thực phẩm đông lạnh và tiết kiệm hơn. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm sẽ gây ra những hậu quả nặng nề hơn trong năm 2022, thu nhập giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và niềm tin của người tiêu dùng giảm. 

Lạm phát giá tiêu dùng, chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và vấn đề thiếu lao động sẽ gây thêm áp lực đối với người tiêu dùng. Dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp thịt lợn toàn cầu, cả sản xuất và nhu cầu tiêu thụ. 

Giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng do chi phí chăn nuôi cao

Tại châu Âu, dịch tả lợn châu phi (ASF) gần đây đã lan rộng ở nhiều nước. Tại châu Á, dịch ASF tiếp tục lan rộng trên khắp Trung Quốc, nhưng tác động ít hơn nhiều so với năm 2020. 

Cả Việt Nam và Philippines đều có số lợn mắc dịch tả ASF tăng trong mùa đông, dẫn đến việc tiêu hủy nhiều hơn ở một số khu vực. Các đợt bùng phát dịch bệnh đã dẫn đến giết mổ hàng loạt, làm giá giảm. Tốc độ tái đàn lợn năm 2022 sẽ chậm lại ở cả hai quốc gia. Dịch tả ASF tiếp tục lan rộng khắp các nước châu Á, nhưng nhiều nước châu Á đang tăng tốc khi sản xuất thịt lợn. 

Tại Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, nhu cầu nhập khẩu giảm do sản lượng trong nước tăng. Trong khi đó, Thái Lan có thể sẽ tăng cường nhập khẩu để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước do dịch ASF. 

Nhu cầu nhập khẩu thịt toàn cầu có thể sẽ giảm trong năm 2022, dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng do chi phí chăn nuôi cao. Ảnh: CT

Nhu cầu nhập khẩu thịt toàn cầu có thể sẽ giảm trong năm 2022, dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng do chi phí chăn nuôi cao. Ảnh: CT

Nhu cầu nhập khẩu thịt toàn cầu có thể sẽ giảm trong năm 2022, dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng do chi phí chăn nuôi cao. Trong số các nước xuất khẩu lớn, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tăng trong năm 2022 với giá cả cạnh tranh hơn. 

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm 2022 giảm 2% so với năm 2021, xuống còn 104,2 triệu tấn. Nguyên nhân chính là sản xuất suy yếu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thương mại thịt lợn trên toàn cầu dự kiến tăng trưởng 2% trong năm 2022, lên 12,8 triệu tấn, vì nguồn cung tại các thị trường thiếu hụt. Trong đó, các nhà xuất khẩu lớn có thể ghi nhận nhu cầu bổ sung từ các thị trường Đông Nam Á, nhờ những điều kiện về kinh tế dịch vụ thực phẩm cải thiện. Điều này có thể bù đắp nhập khẩu giảm từ Philipines, khi thị trường này dừng chính sách giảm thuế và tăng hạn ngạch nhập khẩu. 

USDA cũng dự báo sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ giảm khi ngành chăn nuôi lợn nước này điều chỉnh theo những thay đổi nhanh chóng của điều kiện thị trường. Những người tham gia thị trường thịt lợn, đã thu được lợi nhuận lớn trong phần lớn năm 2020 với mức giá đặc biệt cao, có thể gặp khó khăn hơn trong tương lai, đặc biệt là khi giá đầu vào vẫn cao. Những yếu tố này có thể sẽ khiến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm và nhập khẩu tăng vào năm 2022, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022. 

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng trở lại vào năm 2022, sau khi giảm vào năm 2021. Năm 2022, dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu gần 4,8 triệu tấn thịt lợn, tăng gần 6% so với năm 2021. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu sẽ vẫn ở dưới mức kỷ lục xác lập vào năm 2020 khi nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng trầm trọng do dịch bệnh. 

USDA dự báo, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2022 đạt 49,5 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2021. Tồn kho đàn lợn nái đầu năm 2022 dự kiến vượt mức trung bình những năm trước. Năng suất cũng tăng vì những con lợn nái kém chất lượng đã bị tiêu huỷ và điều này được cho là sẽ hỗ trợ sự sẵn có của thị trường lợn hơi, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2022. 

Trung Quốc đang đặt mục tiêu sản xuất 89 triệu tấn thịt vào năm 2025, tăng trung bình 2,8%/năm từ mức 77,5 triệu tấn trong năm 2020. Theo kế hoạch, sản lượng thịt lợn sẽ đạt khoảng 55 triệu tấn, thịt gia cầm đạt 22 triệu tấn, thịt bò đạt 6,8 triệu tấn và thịt cừu đạt 5 triệu tấn.

Theo báo cáo thị trường do Research And Markets công bố, thị trường thịt lợn toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình là 2,8% trong năm 2022. Các nhà phân tích đang kỳ vọng thị trường thịt lợn toàn cầu sẽ tăng, mặc dù Trung Quốc sẽ hạn chế nhập khẩu thịt lợn do tốc độ tự cung tự cấp ngày càng tăng ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn là thị trường tiềm năng cho hầu hết các nhà sản xuất thịt lợn trên thế giới, khuyến khích xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Năm 2021, xuất khẩu thịt lợn toàn cầu đạt 235,48 tỷ USD. Dự kiến sẽ đạt giá trị 242,04 tỷ USD trong năm 2022 và sẽ tăng trưởng hơn nữa để đạt 258,39 tỷ USD vào năm 2026 nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm hơn, chỉ 1,6%.

Thịt lợn là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe con người, chứa một lượng lớn các axit amin. Theo Ủy ban Truyền thông Hoa Kỳ, năm 2020 doanh số sản xuất thực phẩm và đồ uống đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước đó, từ 118,7 tỷ USD năm 2019 lên 122,9 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2020, nhập khẩu thịt của Trung Quốc tăng 59,6% so với năm trước đó. Do đó, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống ngày càng phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thịt lợn.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục