Cảnh báo năm 2025 Việt Nam dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực

23/12/2024 08:07 GMT+7
Năm 2025 các nhà nghiên cứu của HSBC Việt Nam duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,0% đối với nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, cảnh báo năm 2025 Việt Nam dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực.

Ngày 20/12/2024, nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam gồm ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán và ông Vũ Bình Minh, CFA, Giám Đốc Kinh Doanh Trái Phiếu và Sản Phẩm Lãi Suất, Khối Thị Trường Vốn và Dịch vụ Chứng Khoán đã có một số nhận định tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô một năm vừa qua cũng như điểm qua triển vọng cho năm 2025 sắp tới.

Năm 2024 - Những nốt thăng trầm kinh tế Việt Nam

Nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam trong báo cáo mới nhất đánh giá, năm 2024 khởi đầu với rất nhiều niềm tin về sự phục hồi và hi vọng rằng bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc hơn với viễn cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed sẽ sớm bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kinh tế thế giới đã trải qua một năm với rất nhiều bất ổn, cùng những biến động khó lường. Căng thẳng địa chính trị kéo dài, xu hướng toàn cầu hoá đảo ngược, các kịch bản xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cùng nhiều sự kiện kinh tế - chính trị khác đã khiến bức tranh kinh tế vốn đã phân hoá lại trở nên ngày càng phức tạp hơn.

Tại Mỹ, những lo ngại ban đầu về đầu tàu kinh tế của thế giới có khả năng rơi vào suy thoái với cú hạ cánh cứng dường như đã không xảy ra. Ngược lại, các số liệu vĩ mô gần đây đặc biệt liên quan tới việc làm, tiêu dùng cho thấy quốc gia này vẫn thể hiện những dấu hiệu tăng trưởng tích cực.

Trong khi đó, Trung Quốc đón nhận một kịch bản hoàn toàn đối lập. Kinh tế Trung Quốc gây thất vọng trong năm nay khi trước đó đã có rất nhiều kỳ vọng về sự hồi phục mạnh mẽ sau khi tái mở cửa toàn bộ. Chỉ số niềm tin tại Trung Quốc yếu hơn mà nguyên nhân chính cũng đến từ sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản.

Cảnh báo năm 2025 Việt Nam dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực - Ảnh 1.

Ông Vũ Bình Minh, CFA, Giám Đốc Kinh Doanh Trái Phiếu và Sản Phẩm Lãi Suất, Khối Thị Trường Vốn và Dịch vụ Chứng Khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam

Kinh tế Việt Nam cũng trải qua một năm nhiều nốt thăng trầm. Sau khởi đầu khó khăn trong quý 1, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN. Cụ thể, tăng trưởng được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý 2 và 7,4% trong quý 3 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi đã bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác không chỉ ở ngành điện tử tiêu dùng, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá tích cực bất chấp đã chứng kiến những cải thiện gia tăng.

Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài (FDI) khi triển vọng cơ bản vẫn tích cực. Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý 3, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn đổ vào cho đến nay. Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng đã tăng trong những tháng gần đây.

Ở phía ngược lại, kinh tế Việt Nam vẫn còn những nốt trầm đáng chú ý. Theo thống kê, Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ. Nhóm chuyên gia của HSBC Việt Nam cho rằng, Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nhất trước sự chậm lại trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ, cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển đến Hoa Kỳ từ các "nền kinh tế trung gian". Bên cạnh đó, một trong những trụ cột còn lại là tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt.

Cảnh báo năm 2025 Việt Nam dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, là trên 7%, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động kinh tế trong năm sau.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu HSBC Việt Nam đánh giá Việt Nam có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan toả ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp. Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý 3, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7,0% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

Về chỉ tiêu lạm phát, diễn biến giá cả đang chuyển biến thuận lợi hơn từ nửa sau của năm nay. Áp lực đối với một số sản phẩm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Niño sang La Niña mang lại điều kiện thu hoạch thuận lợi hơn. Cân nhắc tất cả những điều này, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,6% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu 4,5% của NHNN Việt Nam. Đối với năm 2025, nhóm Nghiên cứu Ngân hàng HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,0%.

Cảnh báo năm 2025 Việt Nam dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực - Ảnh 2.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam

Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những rủi ro được dự báo cho năm sau. Ngoài giá năng lượng toàn cầu, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt lợn đã tăng cao do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi.

Bên cạnh đó, liệu nhu cầu đối với hàng hóa có cải thiện hơn nữa hay không sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi của Việt Nam. Vì các thị trường phương Tây chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, cần phải theo dõi chặt chẽ quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng ở phương Tây. 

Rõ ràng, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền cùng việc đảng Cộng Hoà chiếm đa số ở lưỡng viện Hoa Kỳ, sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới bức tranh thương mại và kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới. Vẫn còn quá sớm để đánh giá cụ thể những chính sách của chính quyền Trump, tuy nhiên bất kể chính sách nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới ASEAN, bao gồm Việt Nam, qua các hình thức khác nhau. Cụ thể là các đề xuất của đảng Cộng Hòa trong quá trình tranh cử bao gồm áp dụng mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 10-20% đối với các nền kinh tế khác. 

Nhìn lại dữ liệu quá khứ, kể từ 2018 khi Mỹ bắt đầu áp đặt hàng rào thuế quan lên Trung Quốc, Việt Nam đã giành được thị phần đáng kể trên thị trường Mỹ. Xuất khẩu giày dép đã tăng từ 20% lên hơn 30% nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam tới Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt hơn 40% và 33%. Mặc dù Châu Âu là khu vực nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm này, nhưng thị trường của họ sẽ không thể hấp thụ hoàn toàn thị phần của Mỹ trong ngắn hạn. 

Do đó, các nhà xuất khẩu trong nước có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế nếu thuế quan trở thành vấn đề. Mặc dù có thể khó chuyển sang các thị trường thay thế trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam có thể phòng ngừa rủi ro thuế quan tiềm ẩn từ Mỹ trong trung hạn đến dài hạn thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện tại, Việt Nam đã ký FTA với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.

Ngoài thuế quan, mối quan ngại về tỷ giá có thể tái diễn như một vấn đề đối với cơ quan điều hành. Việt Nam đã từng bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ dán nhãn là "quốc gia thao túng tiền tệ" tháng 12 năm 2020, trước khi bị xóa khỏi danh sách vào tháng 4 năm 2021. Mặc dù không còn nằm trong danh sách này, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Mặc dù việc có tên trong danh sách có ít tác động trực tiếp trong ngắn hạn, nhưng có khả năng là các nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại của Việt Nam. 

Bên cạnh các tác động từ chính sách điều hành của Fed, diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế, đây cũng là một những yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới. Trong khi đó, với sự phục hồi vẫn chưa đồng đều cùng với mục tiêu tăng trưởng năm sau duy trì ở mức cao.

Nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2025.

PVKT
Cùng chuyên mục