Maybank: Kỳ vọng sắp xếp, tinh gọn bộ máy giúp Việt Nam tăng trưởng GDP 6,4% trong năm 2025
Năm 2025 tăng trưởng ổn định giữa những “cơn gió ngược”
Ngân hàng Maybank đã phát hành báo cáo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam với tiêu đề: "Year Ahead 2025: Domestic Tailwinds, Waning Trade Recovery With Tariff Risks", tạm dịch là "Năm tới 2025: Những khó khăn trong nước, sự phục hồi thương mại suy yếu với rủi ro thuế quan".
Theo các nhà nghiên cứu, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,4% vào năm 2025 và 6,1% vào năm 2026, thấp hơn so với mức 6,7% dự kiến cho năm 2024. Lạm phát ở mức vừa phải và tiền đồng ổn định sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước ưu tiên tăng trưởng và duy trì lãi suất chính sách trong năm 2025.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ hạ nhiệt vào năm 2025 so với mức tăng trưởng hai con số trong năm 2024. Do thời Trump 2.0 mức thuế quan đối với hàng Trung Quốc cao hơn có thể tác động dây chuyền đến nguồn cung sản xuất của châu Á.
Cụ thể, việc Mỹ áp dụng thuế cao hơn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng sản xuất tại châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc và Mexico. Điều này có thể khiến mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn so với mức tăng trưởng hai con số trong năm 2024.
Mặc dù xuất khẩu có thể giảm tốc do các yếu tố bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định nhờ vào sự phục hồi của một số ngành quan trọng. Các sản phẩm điện tử, đặc biệt là máy tính cá nhân và điện thoại thông minh, vẫn đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu, mặc dù đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ và các chính sách thuế quan mới từ chính quyền Mỹ.
Tuy nhiên, với việc kinh tế Mỹ đang "hạ cánh mềm" và xu hướng đi lên của ngành điện tử, tình trạng thu hẹp hoạt động sản xuất là khó có thể xảy ra.
Tiêu dùng dự kiến sẽ ổn định nhờ vào thị trường lao động cải thiện và lạm phát hạ nhiệt. Các chính sách hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như gia hạn cắt giảm 2% VAT đến tháng 6 năm 2025, sẽ góp phần vào sự ổn định này.
Bất động sản Việt Nam dự báo sẽ phục hồi nhờ vào các dự án mới được cấp phép, cùng với sự ổn định trong nhu cầu nhà ở nhờ vào các yếu tố như lãi suất vay hợp lý và tiến bộ trong cơ sở hạ tầng giao thông. Chính phủ đang triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm đường cao tốc Bắc Nam và các sân bay quốc gia, dự kiến sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính trong năm 2025.
Hơn nữa, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng được coi là động lực tăng trưởng chính, với kế hoạch xây dựng thêm 1.000 km đường cao tốc và các sân bay quốc gia. Chính phủ đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng cường khả năng cạnh tranh của FDI và đáp ứng nhu cầu trong nước.
FDI vào Việt Nam dự báo giảm do sự bất ổn trong chính sách thương mại của Trump 2.0
Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế Việt Nam là sự không chắc chắn về chính sách thương mại từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.
Theo dự báo của Maybank, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể giảm nhiệt vào năm 2025 do sự không chắc chắn xung quanh chính sách thương mại của Chính phủ Mỹ dưới thời Trump 2.0. Các doanh nghiệp lo ngại rằng, Việt Nam có thể trở thành mục tiêu áp thuế của Mỹ, khi thặng dư thương mại song phương giữa hai nước ngày càng gia tăng. Cụ thể, thặng dư thương mại này đã đạt mức 83,2 tỷ USD vào năm 2023, tương đương với 20% GDP của Việt Nam.
Ngoài ra, một mối lo ngại khác là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thể cắt giảm lãi suất. Điều này có thể gia tăng sức ép lên đồng Việt Nam, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất điều hành hoặc phá giá tiền tệ.
Hiện tại, đồng Việt Nam đang giao dịch ở giới hạn trên của biên độ tiền tệ, cho thấy sự căng thẳng trong việc duy trì ổn định giá trị tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro.
Hơn nữa, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nhập khẩu và FDI từ Trung Quốc cũng khiến Việt Nam dễ bị Mỹ đưa vào tầm ngắm trong chính sách thương mại. Mặc dù vậy, các chính sách bảo hộ của Trump cũng có thể mở ra cơ hội lớn nếu Việt Nam có thể tận dụng.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump không chỉ trích Việt Nam mà còn xem Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng. Hơn nữa, với mức thuế nhập khẩu 60% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc, quá trình tìm kiếm các cơ sở sản xuất thay thế của các tập đoàn đa quốc gia (MNC) sẽ được đẩy nhanh, và Việt Nam có thể là điểm đến tiềm năng.
Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam đã cam kết mua thêm các mặt hàng giá trị cao từ Mỹ, như máy bay, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thiết bị an ninh và chip AI. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tiến hành thắt chặt các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để đáp ứng yêu cầu của các thỏa thuận thương mại quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ. Các chiến lược như đẩy mạnh sản xuất trong nước và nâng cao tiêu chuẩn “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ giúp duy trì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.
Cải cách hành chính tinh gọn: Động lực thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam
Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội, Việt Nam đang tích cực thực hiện cải cách hành chính. Tổng Bí thư Tô Lâm đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách hành chính nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước, cắt giảm quan liêu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Một trong những ưu tiên quan trọng là xóa bỏ các chức năng chồng chéo của các cơ quan công quyền, giúp bộ máy nhà nước hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn. Cụ thể, trong quý I năm 2025, mỗi cơ quan nhà nước sẽ phải đề xuất phương án tinh gọn cơ cấu tổ chức của mình, nhằm tạo ra một hệ thống hành chính gọn nhẹ, minh bạch và dễ dàng trong việc thực thi chính sách.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra sự phức tạp và chồng chéo trong các quy định hành chính, việc ban hành nhiều văn bản, một số văn bản quá chung chung, quá rộng và chồng chéo, trong khi việc bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế còn chậm. Điều này gây ra tình trạng “tê liệt hành chính” khi các quan chức địa phương phải e ngại và đẩy các quyết định lên cấp cao hơn, làm trì trệ quá trình giải quyết công việc. Chính vì vậy, việc hợp lý hóa hệ thống quy định pháp lý trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Đặc biệt, một trong những thay đổi đáng chú ý là việc ban hành Luật Đầu tư công mới, giúp phân cấp quyền quyết định cho chính quyền địa phương, từ đó đẩy nhanh quá trình phê duyệt và giải ngân các dự án đầu tư công. Đây là một bước đi quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của FDI, đồng thời giải phóng nguồn lực tài chính cho các ưu tiên phát triển kinh tế của đất nước.
Những cải cách này dự báo sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao tính hiệu quả của các chính sách phát triển.
Như vậy, một bộ máy hành chính tinh gọn, rõ ràng và nhanh chóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong những năm tới.