CEO Nhậm Chính Phi thừa nhận Mỹ đưa Huawei vào cuộc khủng hoảng sinh tử
Mỹ đưa Huawei bước vào cuộc khủng hoảng sinh tử
CEO Huawei Nhậm Chính Phi đưa ra đối sách tinh giảm nhân sự trong bối cảnh Huawei bước vào cuộc khủng hoảng sinh tử
CEO kiêm người sáng lập công ty nghệ viễn thông Huawei, ông Nhậm Chính Phi mới đây khẳng định Huawei hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tính sống còn dưới những áp lực chèn ép liên tiếp từ chính phủ Mỹ.
Hồi tháng 5 qua, Huawei và khoảng 70 chi nhánh của nó bất ngờ bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen với hàng loạt cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh, ăn cắp bí mật thương mại, vi phạm an ninh và chính sách ngoại giao quốc gia. Cũng theo danh sách đen, Huawei sẽ bị cấm nhập khẩu linh kiện, công nghệ từ các công ty Mỹ một khi không được Chính phủ Mỹ cho phép, điều có khả năng làm tê liệt chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất của công ty này. Nghiêm trọng hơn, Chính phủ Mỹ còn cấm các cơ quan Chính phủ sử dụng sản phẩm, thiết bị của Huawei để trước mối quan ngại gián điệp.
Dù sau đó, Bộ Thương mại Mỹ quyết định hoãn cấm vận trong 90 ngày, và mới đây tiếp tục hoãn cấm vận thêm 90 ngày nữa đến hết 19.11 nhằm tránh những ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà mạng vùng nông thôn Mỹ, những đối tác phụ thuộc gần như 100% vào thiết bị mạng Huawei. Nhưng Bộ này cũng đồng thời đưa thêm 46 chi nhánh khác của Huawei vào danh sách đen, nâng tổng số chi nhánh của Huawei trong danh sách hạn chế thương mại lên đến hơn 110 thực thể.
Nhận định về động thái của Bộ Thương mại Mỹ, Huawei cho rằng hai lần hoãn cấm vận chẳng giúp ích nhiều cho đế chế công nghệ này, bởi các mặt hàng linh kiện Huawei được phép nhập khẩu hiện phải thông qua sự kiểm soát gắt gao của Bộ Thương mại Mỹ để thỏa mãn điều kiện “không gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia”. Khối lượng nhập khẩu này chẳng khác gì mối bỏ bể khi mà hoạt động sản xuất của Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các công ty công nghệ Mỹ. Phải biết rằng trong số 70 tỷ USD Huawei chi cho nhập khẩu linh kiện và công nghệ trên toàn thế giới năm 2018, có tới 11 tỷ USD đổ về túi các công ty Mỹ như đế chế sản xuất chip Intel, Micron, Qualcomm, các đối tác Google và Microsoft… Giữa tình huống bị chèn ép ngặt nghèo hiện nay, dễ hiểu khi Nhậm Chính Phi gọi đây là một cuộc khủng hoảng giữa sự sống và cái chết của Huawei.
“Bây giờ, khi công ty đang ở trong một giai đoạn sinh tử, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là khuyến khích những đóng góp tập thể, phát huy tài năng và trí tuệ để sản sinh nguồn sinh lực mới nuôi dưỡng sự sống của công ty” - ông Nhậm Chính Phi tuyên bố.
CEO Nhậm Chính Phi đồng thời công bố một kế hoạch đơn giản hóa tổ chức nhân sự, luân chuyển các vị trí quản lý và cắt giảm nhân sự dư thừa nếu cần thiết nhằm mang lại hiệu quả năng suất cao hơn trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ Mỹ chịu những sức ép ngày càng tăng từ Chính phủ Mỹ. Vị CEO cũng kêu gọi nhân viên Huawei tăng cường năng suất lao động, đảm bảo chất lượng hợp đồng với các đối tác hiện tại của Huawei để quyết toán đúng hạn và không gây thêm những áp lực dòng tiền trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Huawei cũng cam kết sẽ đẩy nhanh việc tìm kiếm đối tác thay thế, nhập khẩu linh kiện quan trọng để phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Thực tế là bất chấp những áp lực nặng nề từ Chính phủ Mỹ, trong quý II vừa qua, Huawei vẫn thành công giữ vững vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng doanh số smartphone toàn cầu nhờ chiến lược chiếm lĩnh thị trường nội địa. Hãng vừa ra mắt hệ điều hành riêng HarmonyOS (HongmengOS) và smartphone 5G đầu tiên trên thị trường đại lục mang tên Huawei Mate 20X 5G với mức giá khoảng 18 triệu đồng để chuẩn bị cho việc phủ sóng mạng lưới 5G toàn Trung Quốc trong năm 2020. Nhưng về lâu dài, một khi lệnh cấm vận triệt để thực sự bắt đầu, chưa ai hình dung được điều tồi tệ gì sẽ xảy đến với đế chế Huawei.
Huawei bao giờ thoát cảnh quân cờ trên bàn đàm phán thương mại?
Không nghi ngờ gì, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc thực chất đã bị cuốn vào tranh chấp thương mại Mỹ Trung kéo dài hơn một năm nay, điều khiến Huawei tổn thất nặng nề và bị chính quyền Trump liên tiếp gây khó dễ để đạt lợi thế trước Bắc Kinh.
Nhận thức điều này, Huawei từ lâu đã cố gắng giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ thông qua việc tự thiết kế con chíp và hệ điều hành của riêng mình thay thế cho Android của Google trong trường hợp bị cấm hoàn toàn nhập khẩu linh kiện và công nghệ Mỹ. Nhưng rõ ràng, việc tự lực cánh sinh trong thời gian ngắn như vậy là không khả thi.
Hồi tháng 6, Huawei đã phải hoãn ra mắt vô thời hạn dòng Matebook mới nhất do thiếu linh kiện, một động thái thể hiện rõ những khó khăn của hãng khi bị Bộ Thương mại Mỹ dồn vào thế bí. Huawei cũng đang theo đuổi hàng loạt vụ kiện phản đối việc Chính phủ Mỹ cấm các cơ quan Chính phủ sử dụng thiết bị mạng Huawei, điều mà Huawei cho là đi ngược lại tự do thương mại và Hiến pháp của nước Mỹ.
Nhưng điều này dường như chẳng có ích gì. Ông Trump mới đây tuyên bố không muốn làm ăn với Huawei, còn Bộ Thương mại Mỹ cũng chẳng có ý định bỏ gã khổng lồ công nghệ khỏi danh sách đen. Ngay cả trong cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump cũng tuyên bố sẽ chỉ giải quyết vấn đề Huawei sau cùng, khi cả hai bên đã đạt tới thỏa thuận thương mại thống nhất.