Chân dung gia tộc giàu nhất thế giới Walton: 3 thế hệ “ẩn dật” và khối tài sản tăng 100 triệu USD mỗi ngày!

15/08/2019 09:21 GMT+7
Theo một thống kê của Bloomberg mới đây, gia tộc giàu nhất thế giới Walton đang bỏ túi thêm khoảng 100 triệu USD mỗi ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc tài sản nhà Walton tăng khoảng 70.000 USD mỗi phút và 4 triệu USD mỗi giờ.

Cũng theo Bloomberg, thế hệ thừa kế thứ 3 của Walmart đã đưa số tài sản của gia tộc danh giá này lên 190,5 tỷ USD, tăng 39 tỷ USD so với hồi năm ngoái và giữ vững ngai vàng trên bảng xếp hạng các gia tộc giàu có nhất thế giới. 

Với gia sản kếch xù này, nhà Walton đang bỏ xa gia tộc Mars ở vị trí thứ 2 với tổng tài sản 126,5 tỷ USD và gia tộc Koch ở vị trí thứ ba với tổng tài sản 124,5 tỷ USD.

Người ta đều biết rằng nền kinh tế - chính trị ngày nay được vận hành bởi các Chính phủ với hệ thống pháp luật chặt chẽ và minh bạch. Nhưng trên thực tế, vẫn có hàng triệu người tin vào thuyết âm mưu rằng ở đâu đó trong bóng tối, chính những gia tộc quyền lực lâu đời mới là ‘thế lực ngầm” thao túng diễn biến chính trị toàn cầu. Những gia tộc này hầu như không thể hiện sự dính dáng trực tiếp đến giới chính trị gia hay nhà cầm quyền, nhưng ảnh hưởng của nó là không thể nào lường trước được. 

Điều biến Walton trở thành gia tộc giàu có nhất thế giới không gì khác là đế chế bán lẻ Walmart lớn nhất thế giới mà Sam Walton sáng lập năm 1962. Hiện nhà Walton nắm khoảng 50% cổ phần Walmart. Doanh thu mỗi năm mà Walmart mang về lên tới 514 tỷ USD từ 11.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới. 

 

Kể từ khi thành lập đến nay, Walmart đã trải qua ba đời thừa kế. Nhà sáng lập vĩ đại Sam Walton, từ một gã bán báo, một tay giao hàng ở vùng nông thôn nghèo khó, với đầu óc kinh doanh nhạy bén, đã mở cửa hàng bán lẻ Walmart đầu tiên tại thị trấn Benton hẻo lánh năm 1945. Với số vốn ban đầu vỏn vẹn 150 USD, cửa hàng của Sam Walton với 8 người làm công nhanh chóng tạo được danh tiếng nhờ giá cả hợp lý, chất lượng sản phẩm cạnh tranh.

Năm 1962, Sam Walton chính thức thành lập chuỗi bán lẻ Walmart, khởi đầu cho một kỷ nguyên hưng thịnh của nhà Walton khiến thế giới bàng hoàng. Những gì người ta nhắc về Walmart khi ấy là sự tăng trưởng thần kỳ, tham vọng lớn lao và kỷ nguyên thống trị. Sau khi thành công đưa Walmart trở thành nhà bán lẻ số 1 nước Mỹ năm 1991 với doanh thu 26 tỷ USD, “ông vua bán lẻ” qua đời chỉ một năm sau đó.

Chủ tịch Robson Walton, người chèo lái con thuyền Walmart suốt 20 năm sau đó đã đưa doanh thu bán hàng của Walmart tăng gấp 5 lần, lên hơn 400 tỷ USD mỗi năm; lợi nhuận cũng tăng 22 tỷ USD. Sự tăng trưởng về quy mô thể hiện ở hệ thống siêu thị mở rộng từ 1.700 cửa hàng lên 4.400 cửa hàng và số nhân viên mở rộng từ 370.000 người lên 1.380.000 người. Trong suốt thời kỳ phát triển rực rỡ trong tay thế hệ thứ hai nhà Walton (từ năm 1992 đến 2015), Walmart vẫn là chuỗi bán lẻ lớn nhất nước Mỹ và nhà Walton dần đặt chân vào bảng xếp hạng những gia tộc giàu nhất hành tinh.

Khi thế hệ thứ hai nhà Walton đã già nua và mỏi mệt, vào năm 2016, cậu ấm Steuart Walton (con trai Jim Walton) được chọn là cái tên tiếp theo chèo lái Walmart. Với tầm hiểu biết chiến lược trong lĩnh vực kinh doanh điện tử, Steuart nhanh chóng phát triển hệ thống Walmart lên hơn 11.000 cửa hàng tại khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh sàn giao dịch điện tử, tăng số lượng người lao động lên 2,4 tỷ người hồi năm 2018. Tính trung bình trong năm 2018, 11.000 chi nhánh đem về cho Walmart doanh thu 514 tỷ đồng, tăng 39 tỷ USD so với 1 năm trước đây.


Đáng ngạc nhiên hơn, theo thống kê mới đây của Bloomberg, cứ mỗi giây, tài sản nhà Walton lại phình to 70.000 USD. Đồng nghĩa với việc mỗi ngày, gia tộc này bỏ túi thêm 1 triệu USD, số tài sản quá khổng lồ. So với tỷ phú Bill Gates, người từng lập nên kỷ lục khi tài sản tăng 12 tỷ USD trong vòng 1 năm (kể từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019), thì trung bình mỗi ngày Bill Gates cũng chỉ bỏ túi thêm hơn 33 triệu USD, bằng 1/3 con số tăng trưởng ngoạn mục của nhà Walton hiện nay.

Đối lập với khối tài sản kếch xù 190,5 tỷ USD, nhà Walmart vẫn giữ lối sống giản dị và khiêm tốn đến bất ngờ. 

Sau khi Sam Walton kết hôn với bà Helen Ronson năm 1942, 4 người con Rob, John, Jim và Alice lần lượt ra đời. Dưới sự dạy dỗ của ông vua bán lẻ nước Mỹ, thế hệ thứ hai nhà Walton đã lớn lên với sự khiêm nhường và nhân cách đáng ngưỡng mộ.

Anh cả Robson là người thay thế vua bán lẻ vĩ đại, chèo lái Walmart suốt hơn 20 năm sau đó cho đến năm 2015. Ngoài thú vui sưu tập xe cổ khá xa xỉ, cuộc sống của vị tỷ phú thế hệ hai nhà Walmart rất đỗi bình yên và giản dị. Ông sống trong căn nhà ở Paradise Valley, dành phần lớn thời gian cho Walmart và vợ con trước khi lui về ở ẩn và nhường vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị cho em trai Jim Walton. Tuy không có con số thống kê chính thức, nhưng Cựu chủ tịch Walmart đã dành phần lớn tài sản cho công tác từ thiện trong nhiều năm qua. Ông đóng góp tích cực vào quỹ từ thiện riêng của gia đình Walton. Quỹ này có khối tài sản lên đến 4.9 tỷ USD năm 2017.

John Walton, con trai thứ hai của gia tộc giàu nhất hành tinh đã mất năm 2005 trong một tai nạn máy bay thảm khốc. Phần lớn số tài sản của ông được để lại cho vợ con và làm từ thiện.

Jim Walton, con trai thứ ba của Sam Walton từng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Walmart thay anh trai trong vòng 1 năm (2015-2016) và nhanh chóng truyền lại vị trí này cho con trai là Steuart Walton. Vị tỷ phú kín tiếng này hiện là chủ tịch Arvest Bank và là một trong những nhà từ thiện hoạt động tích cực bậc nhất nước Mỹ. Đầu năm 2019, Jim Walton quyên góp 1,2 tỷ USD giá trị cổ phiếu Walmart cho công tác từ thiện.

Em út nhà Walton thế hệ hai, bà Alice lại tìm thấy đam mê của mình ở bộ môn nghệ thuật và gần như không dính dáng gì đến công việc kinh doanh của Walmart. Nữ tỷ phú hiện sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ được trưng bày trong bảo tàng Crystal Bridges. Bà thậm chí chi hơn 44 triệu USD cho một bức tranh của danh họa Georgia O'Keefe, biến nó thành bức tranh đắt nhất thế giới của một họa sĩ nữ. Cũng như những người anh chị của mình, Alice dành nhiều đóng góp cho lĩnh vực từ thiện. Bà từng bỏ số tiền hơn 200 triệu USD giá trị cổ phiếu Walmart để quyên góp cho quỹ từ thiện riêng của gia đình nhà Walton.

Steuart Walton, Thái tử kế nhiệm ngai vàng Walmart cũng nối tiếp truyền thống của gia tộc với cuộc sống giản dị, trẻ trung. Từ nhỏ, Steuart đã thể hiện niềm đam mê sâu sắc với bộ môn leo núi, thể thao mạo hiểm. Ngoài học thức và lý lịch công tác đáng ngưỡng mộ trước khi về kế thừa Walmart, anh còn gây dấu ấn với hàng loạt công tác từ thiện trong lĩnh vực bảo tồn giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử.

Ngoại trừ Steuart Walton, người thừa kế thế hệ 3 đang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Walmart, các thành viên trẻ khác của gia tộc này không mấy khi xuất hiện trên mặt báo, kể cả trong các thông tin bên lề. Cuộc sống của họ khá “ẩn dật”, bất chấp khối tài sản khổng lồ của gia tộc. Trùng hợp thay, điều này hoàn toàn phù hợp với những “thuyết âm mưu” về thế lực “ẩn mình” sau tấm màn chính trường thế giới.

Tất nhiên, thuyết âm mưu vẫn chỉ là thuyết âm mưu, chẳng một ai chỉ ra được nhà Walton thao túng chính trường ra sao. Nhưng sự giàu có tột bậc của gia tộc Walton thì vẫn là câu chuyện “truyền kỳ” khiến người ta tò mò và không ngừng tưởng tượng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục