Chân dung ông chủ công ty BMS "thổi giá" thiết bị y tế "chiếm đoạt" tiền bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ Công ty CP Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) nâng giá thiết bị gấp 4 lần tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Ngoài BV Bạch Mai, Công ty BMS có mặt ở hàng loạt gói thầu cung ứng vật tư, thiết bị y tế ở các BV khắp cả nước.
Tham gia 58 gói thì trúng thầu 57 gói, 1 gói không hiệu quả
Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới đây đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch HĐQT, giám đốc và bà Ngô Thị Thu Huyền - phó giám đốc Công ty BMS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuấn và Huyền đã có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS còn liên doanh liên kết đặt thiết bị tại nhiều bệnh viện khác. Cùng với đó, công ty này cũng liên tiếp trúng thầu nhiều gói thiết bị y tế khác. Gần nhất, ngày 21/8 BMS trúng gói thầu mua sắm trực tiếp vật tư y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái với giá gần 1 tỉ đồng.
Trước đó một ngày (20/8) tại Hà Nội, công ty BMS trúng "Gói thầu cung cấp bổ sung vật tư cho phẫu thuật các chuyên khoa năm 2020" của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với giá 1,9 tỉ đồng.
Ngày 19/8, công ty BMS cũng trúng một gói thầu của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh với giá 3,23 tỉ đồng (thấp hơn giá gói thầu 10 triệu đồng).
Chỉ riêng trong ngày 23/4, công ty BMS trúng 3 gói thầu thuộc mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19 của Sở Y tế Hải Phòng. Các gói thầu này có giá từ hơn 3 tỉ đến hơn 8 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Công ty BMS gần như tham gia đâu trúng thầu đấy. Từ tháng 11/2015 đến nay, công ty tham gia 58 gói thầu cung cấp thiết bị y tế tại nhiều tỉnh thành, trong đó đã trúng 57 gói, trượt 0 gói và 1 gói hiện chưa có kết quả.
Ông chủ công ty BMS sở hữu nhiều công ty
Công ty BMS được thành lập vào tháng 1/2005. Đến 16/6/2020 Công ty BMS đã được đổi tên thành CTCP Năng lượng và Giá trị Cuộc sống, trụ sở đặt tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Công ty BMS đăng ký kinh doanh 26 ngành nghề, với đủ các thể loại như: Bán buôn máy móc, sửa chữa thiết bị điện tử, sản xuất thiết bị y tế, bán lẻ thuốc, đại lý đấu giá hàng hóa, bán lẻ ô tô, sản xuất điện,…Chủ tịch kiêm đại diện pháp luật tại đây là Phạm Đức Tuấn.
Ngoài BMS, ông Phạm Đức Tuấn hiện còn là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho Công ty TNHH Energy And Life Value (E&LV) và CTCP Khoa học Công nghệ mới BMS (BMS New).
Về E&LV, công ty này được thành lập vào tháng 3/2020 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất vật tư và trang thiết bị y tế.
Còn BMS New mới được thành lập vào giữa tháng 7/2020, trụ sở chính tại ngõ 196 Thái Thịnh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Công ty này có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Cao Thị Chuyên (nắm giữ 36,9% VĐL), ông Phạm Đức Tuấn (nắm giữ 62,5% VĐL) và ông Phạm Hồng Nghĩa (nắm giữ 0,6% VĐL). Được biết, ông Nghĩa là Giám đốc tại CTCP Y tế Thành Ân.
Chiếm đoạt của người bệnh 10 tỷ đồng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 4/9, thiếu tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết với vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Bệnh viện Bạch Mai, điều tra bước đầu cho thấy các đối tượng nâng khống máy móc từ 7,4 tỉ đồng (gồm VAT) lên 39 tỉ đồng.
Việc này khiến người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng chiếm đoạt của người bệnh khoảng 10 tỉ đồng.