Chân dung ông chủ Nhựa Đồng Nai đang nắm giữ hàng loạt dự án nước sạch đình đám
Ông Vũ Đình Độ (SN 1982 quê quán Bắc Giang) là một cử nhân kinh tế. Ông Độ có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong các lĩnh vực đầu tư, vận hành, tài chính doanh nghiệp, kế toán – kiểm toán và quản trị doanh nghiệp.
Giai đoạn 2004-2007, ông Độ là kiểm toán viên tại nhiều công ty khác nhau. Một năm sau đó, ông Độ giữ chức vụ Giám đốc dự án Phòng Công cụ phái sinh, M&A tại Công ty chứng khoán Sài Gòn.
Từ năm 2009 đến năm 2011, ông là Giám đốc khối Nghiên cứu, Phân tích, Đầu tư tại Công ty cổ phần CK. Người đàn ông này cũng đã có một năm (2011-2012) đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank.
Và đến năm 2012, trong thời kỳ phát triển "thịnh" nhất, các cổ đông là các lãnh đạo thời kỳ đầu của CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP Corp) đồng loạt thoái vốn, bán lại cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới. Ông Vũ Đình Độ đã nhanh chân nắm bắt cơ hội và được bầu vào HĐQT. Hai năm sau đó, quá trình chuyển giao quyền lực ở DNP coi như hoàn tất khi doanh nhân quê Bắc Giang liên tiếp giữ ghế Tổng giám đốc năm 2014 rồi Chủ tịch HĐQT một năm sau đó.
Bước đường kiểm soát DNP nhanh chóng của ông Vũ Đình Độ không khỏi khiến nhiều người trong giới bất ngờ, bởi đương kim Chủ tịch DNP trước đó được biết tới nhiều trong lĩnh vực chứng khoán, hơn là ngành công nghiệp nhựa vốn gần như chưa có kinh nghiệm.
Và cũng từ thời điểm ông Vũ Đình Độ nắm quyền, DNP Corp bắt đầu có những bước phát triển khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Giai đoạn 2012-2018, Nhựa Đồng Nai ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng khi tổng tài sản tăng 23,5 lần lên mức 6.649 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Vốn cổ phần tăng 30 lần lên 1.000 tỷ đồng.
Theo chiến lược của vị Chủ tịch mới, bên cạnh duy trì thị phần ở lĩnh vực nhựa, DNP quyết định sẽ trở thành công ty đầu tư. Và mảng kinh doanh nước sạch là chiến lược mà DNP Corp hướng tới. Năm 2017, DNP thành lập CTCP Đầu tư Ngành nước DNP để triển khai tham chiến lược này.
Tham vọng của vị Chủ tịch 8x là biến DNP Water sẽ trở thành công ty sản xuất và cung cấp nước sạch lớn nhất tại Việt Nam. Và điều này có đang dần trở thành hiện thực khi đến thời điểm tháng 4/2019, DNP Corp sở hữu 9 công ty con kinh doanh ngành nước, ngoài ra còn có 7 công ty liên kết với tỉ lệ sở hữu trên 20% cho đến 45%.
Quan điểm của DNP Corp là sẽ không nắm cổ phần tại các doanh nghiệp mà công ty không có khả năng chi phối.
Bên cạnh đó, DNP Water cũng trở thành công ty đầu tiên trong ngành nước sạch Việt Nam được Tổ chức tài chính quốc tế IFC (IFC), một trong những thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), cam kết tài trợ 24,9 triệu USD.
Cụ thể, IFC cam kết giá trị giải ngân cho giai đoạn đầu là 15,3 triệu USD theo hình thức khoản vay có thể chuyển đổi thành cổ phiếu. Giá trị còn lại sẽ được cân nhắc đầu tư bổ sung sau khi đã hoàn thành giải ngân giai đoạn đầu tư.
Có lẽ vì nguồn vốn đến từ một tổ chức thuộc WB, nên mức lãi suất áp dụng của khoản vay này cũng có phần ưu đãi, chỉ là 5%/năm, tính trên số dư nợ vay bằng đồng Việt Nam (tiền lãi được thanh toán bằng USD, ngày trả lãi là 15/1 và 17/7 hàng năm). Mục đích của khoản đầu tư này là nhằm thực hiện chiến lược đầu tư vào các nhà máy nước sạch.
Và không biết vì sinh ra ở Bắc Giang không mà ông Độ đã chỉ đạo DNP Water xây dựng Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang và coi đây là công trình trọng điểm của DNP Corp. Được biết mức đầu tư lcủa công trình này ên đến 1.286 tỷ.
Dự án Nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang bao gồm các hạng mục: Công trình thu- trạm bơm nước thô (từ hồ Cấm Sơn, Lục Ngạn); Nhà máy xử lý nước; Trạm tăng áp; Hệ thống đường ống nước HDPE và các công trình phụ trợ.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2016-2018) có công suất cấp nước 29,5 nghìn m3/ngày đêm, dự phòng tăng áp lên 40 nghìn m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (2020-2022), công suất cấp nước là 59 nghìn m3/ngày đêm, dự phòng tăng áp lên 80 nghìn m3/ngày đêm.