Cuộc chiến giành thị phần cung cấp nước sạch của ông chủ Nhựa Đồng Nai
Tham vọng của công ty sản xuất nhựa tầm trung
Mặc dù sản xuất và cung cấp mặt hàng tiêu dùng thiết yếu - nước sạch, ít ai có thể ngờ lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp cung cấp mặt hàng này lại "khủng'' như vậy. Giữa vụ bê bối nước sông Đà nhiễm dầu thải, Viwasupco thông báo vẫn thu về trăm tỷ trong quý này. Điều đó cũng giải thích vì sao hiện các doanh nghiệp đua nhau đầu tư vào ngành nước sạch.
Và nắm bắt được xu thế đó, Công ty CP Nhựa Đồng Nai (DNP Corp) do ông Vũ Đình Độ làm chủ tịch HĐQT từ một công ty sản xuất nhựa đã "bẻ lái" tập trung sản xuất và cung câp nước sạch. Công ty này có tham vọng sẽ trở thành công ty sản xuất và cung cấp nước sạch lớn nhất tại Việt Nam.
Tại đại hội cổng đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, Chủ tịch DNP Corp Vũ Đình Độ đánh giá năm 2018 là năm khó khăn chung của ngành nhựa, biên lợi nhuận của công ty cũng sụt giảm.
Trước tình hình đó, năm 2018 DNP Corp đã thực hiện việc cơ cấu mạnh mẽ bằng việc đầu tư vào ngành nước, một ngành "cần nguồn lực lớn mà tư nhân không phải ai cũng dám làm", Chủ tịch Vũ Đình Độ nói.
Theo ông Vũ Đình Độ, việc chuyển hướng sang ngành nước chính là cách để công ty giảm bớt tác động rủi ro, đồng thời phát triển các cơ hội mới. Hiện chỉ có 80% dân cư đô thị, 39% dân cư nông thôn được cung cấp nguồn nước sạch có chất lượng, vì thế nhu cầu của người dân, công nghiệp và các thành phần kinh tế là rất lớn.
"Chúng tôi định hướng Nhựa Đồng Nai từ một công ty chuyên sản xuất trở thành công ty đầu tư, xin nhắc lại với nhà đầu tư là công ty đầu tư. Điều này giúp chúng tôi có thể linh hoạt tham gia vào các lĩnh vực mới giàu tiềm năng và thoái vốn khi không còn cơ hội phát triển", vị Chủ tịch DNP Corp nói.
Riêng năm 2018, DNP Corp của ông Vũ Đình Độ đã tiến hành đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp ngành nước thông qua công ty con là CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water thành lập năm 2017, Nhựa Đồng Nai đang sở hữu 75%), trong đó có những cái tên nổi tiếng như CTCP Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (NS3) cung cấp nước cho toàn bộ quận Hoàn Kiếm, Cấp thoát nước Bình Thuận, Nước Cần Thơ, Nước Long An…
Và tính đến thời điểm tháng 4/2019, DNP Corp của ông Vũ Đình Độ sở hữu 9 công ty con kinh doanh ngành nước, ngoài ra còn có 7 công ty liên kết với tỉ lệ sở hữu trên 20% cho đến 45%. Quan điểm của DNP Corp là sẽ không nắm cổ phần tại các doanh nghiệp mà công ty không có khả năng chi phối.
Đó là lý do trong quý I/2019, công ty bán lại 3,5% vốn điều lệ tại Nước sạch Khánh Hòa, một đơn vị cũng được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng gặp phải cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp khác.
Hiện DNP Corp của ông Vũ Đình Độ đang tiến hành nâng sở hữu lên chi phối tại ba doanh nghiệp nữa, cùng với đó là việc không ngừng tìm kiếm thêm các cơ hội mới.
Gần nhất là DNP Corp tham gia vào cuộc đua thâu tóm hơn 84% CTCP Thoát nước Bình Phước (Bpwaco), giá khởi điểm trọn lô là 200 tỷ đồng. Đối thủ cạnh canh của DNP Water là cặp đôi công ty liên kết CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) và CTCP Nước Thủ Dầu Một (Tdmwater). Mục tiêu của DNP Corp cũng như DNP Water là đầu tư nước sạch tại các tỉnh có tiềm năng về công nghiệp hay tăng trưởng du lịch ở tốc độ cao.
Hiện tổng năng lực cung cấp nước theo báo cáo thường niên mà công ty công bố đạt khoảng hơn 1 triệu m3/ngày, mục tiêu trong 5 năm tới đạt 2 triệu m3/ngày. Số lượng khách hàng mà công ty đang phục vụ từ 600.000 – 700.000 người.
Chủ tịch DNP Corp Vũ Đình Độ cho biết lợi thế của công ty là việc sớm nhìn thấy cơ hội và là một trong những người đi tiên phong mua bán sáp nhập trong xu thế thoái vốn Nhà nước tại ngành nước.
Từng bước "thâu tóm" thị phần nước sạch tại Bắc Giang
Theo nhiều bản báo cáo tài chính những năm gần đây, Công ty CP nước sạch Bắc Giang đều kinh doanh tốt, tăng trưởng cao. Theo báo cáo trong năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP nước sạch Bắc Giang là 6,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2019, những con số trong Nghị quyết số 10/NQ-ĐHCĐTN-NSBG ngày 10/4/2019 lại nêu kế hoạch phân phối lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa chỉ còn 3,2 tỷ đồng.
Lý do là bởi, vào tháng 10/2018, Công ty CP nước sạch Bắc Giang phải đã ký hợp đồng mua bán buôn nước sạch với Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP - Bắc Giang với khối lượng mua là 10.000m3/ngày đêm; Năm 2019 và 2020 công ty cam kết mua bình quân 20.000m3/ngày đêm với đơn giá 5.500 đồng/m3 nước.
Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang chia sẻ với báo chí: Công suất nhà máy là 35.000m3/ngày đêm, hiện đang phải cắt giảm gần 1 nửa sản lượng vì phải mua 20.000m3/ngày đêm từ Công ty nước sạch DNP - Bắc Giang với giá 5.500 đồng/m3 nước (đã bao gồm VAT).
Nhà máy nước sạch DNP – Bắc Giang là một trong những dự án trong điểm của DNP Water – công ty đầu tư sở hữu và vận hành các nhà máy nước tại các địa phương của Việt Nam. DNP Water thành lập vào tháng 4/2017, là công ty con đóng vai trò quan trọng, chuyên phụ trách đầu tư vào các doanh nghiệp ngành nước của DNP Corp.
Công ty này hiện có vốn điều lệ 1.100 tỷ, đang hoạt động tại 9 tỉnh thành với hơn chục công ty thành viên và công ty liên kết, phục vụ 500.000 khách hàng với tổng công suất thiết kế đạt 700.000 m3/ngày đêm
Trong một bản báo cáo tài chính do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) lập cách đây vài tháng cho biết, Dự án nhà máy nước số 2 TP Bắc Giang của công ty CP nước sạch Bắc Giang đang triển khai đã phải dừng lại theo thông báo số 120/TB-TU ngày 25/11/2016 của Tỉnh uỷ Bắc Giang để "ưu tiên" dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai.
Toàn bộ chi phí đầu tư thực hiện Dự án xây dựng nhà máy nước số 2 TP Bắc Giang đã phát sinh với số tiền 12.002.822.443 đồng sẽ được tập hợp và giải quyết khi được quyết toán.
Tại thông báo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang số 120/TB-TU ngày 25/11/2016: Nhất trí chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang của Công ty CP Nhựa Đồng Nai.
Đồng thời dừng triển khai và không vay vốn ADB thực hiện dự án Nhà máy nước số 2 TP Bắc Giang do Công ty CP nước sạch Bắc Giang làm chủ đầu tư, theo đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh tại Tờ tình số 3686/TTr-UBND ngày 18/11/2016.
Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính làm trung gian, phối hợp chặt chẽ với Công ty CP nước sạch Bắc Giang và Công ty CP Nhựa Đồng Nai trong quá trình DNP Corp của Vũ Đình Độ tham gia "mua cổ phần" làm cổ đông chiến lược của Công ty CP nước sạch Bắc Giang cũng như giải quyết các chi phí phát sinh cho dự án Nhà máy nước số 2 TP Bắc Giang vay vốn ADB theo quy định".
Trước đó, Công ty CP nước sạch Bắc Giang và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ký kết năm 2016, trong đó ký một hợp đồng vay phụ giữa Bộ Tài chính và Công ty CP nước sạch Bắc Giang về việc sử dụng khoản vay số 3251-VIE của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) theo hợp đồng ngày 17/6/2016.
Đến tháng 11/2016, thì việc xây dựng dự án Nhà máy nước số 2 TP Bắc Giang đã tạm dừng và tỉnh Bắc Giang sẽ không vay vốn ADB. Cũng trong tháng, Tỉnh uỷ Bắc Giang nhất trí chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang của Công ty CP Nhựa Đồng Nai.
Được biết, vào tháng 7/2017, Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm tài trợ 550 tỷ đồng cho dự án Nhà máy nước sạch DNP – Bắc Giang.
Tháng 8/2018, Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng đã chính thức khánh thành. Công suất thiết kế mở rộng lên đến 80.000m3/ngày đêm.
Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng nước DNP - Bắc Giang được hưởng ưu đãi thuế suất 10% cho toàn bộ thời gian hoạt động. Công ty được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 04 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong 05 năm tiếp theo.
Dự án Nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang bao gồm các hạng mục: Công trình thu- trạm bơm nước thô (từ hồ Cấm Sơn, Lục Ngạn); Nhà máy xử lý nước; Trạm tăng áp; Hệ thống đường ống nước HDPE và các công trình phụ trợ.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2016-2018) có công suất cấp nước 29,5 nghìn m3/ngày đêm, dự phòng tăng áp lên 40 nghìn m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (2020-2022), công suất cấp nước là 59 nghìn m3/ngày đêm, dự phòng tăng áp lên 80 nghìn m3/ngày đêm.