Chạy trước Mỹ và EU, Trung Quốc bắt đầu triển khai "hộ chiếu vắc xin"

09/03/2021 21:41 GMT+7
Vấn đề hộ chiếu vắc xin hiện đang được thảo luận tại nhiều quốc gia trên thế giới khi các chính phủ nỗ lực tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin.

Trung Quốc mới đây đã cung cấp một chứng nhận sức khỏe dưới dạng kỹ thuật số cho công dân, tiền đề cho “hộ chiếu vắc xin” khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 trong nỗ lực mở cửa biên giới và bình thường hóa nền kinh tế.

Chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số hoạt động thông qua nền tảng mạng xã hội WeChat sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về công dân đó, bao gồm kết quả xét nghiệm kháng thể và tình trạng tiêm vắc xin Covid-19 hay chưa, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian. Tất cả thông tin được mã hóa bằng mã QR code có thể được xác minh, giải mã và xác nhận bởi cơ quan cấp phát chứng nhận. 

Chạy trước Mỹ và EU, Trung Quốc bắt đầu triển khai "hộ chiếu vắc xin" - Ảnh 1.

Chạy trước Mỹ và EU, Trung Quốc bắt đầu triển khai "hộ chiếu vắc xin"

Hiện loại chứng nhận sức khỏe này chỉ có hiệu lực tại Trung Quốc. Nhưng trong tương lai, các quan chức Bắc Kinh hy vọng nó có thể được sử dụng tại các cơ quan hải quan nước ngoài như một chứng nhận y tế của công dân. “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các nước khác về việc thiết lập các cơ chế tương tự liên quan đến thông tin sức khỏe công dân” - ông Zhao Lịian nói thêm.

Việc khởi động chương trình chứng nhận sức khỏe điện tử được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị công bố sáng kiến hộ chiếu vắc xin tại cuộc họp báo bên lề Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc NPC ở Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng Trung Quốc đã và đang “tích cực thúc đẩy sự công nhận của quốc tế đối với chương trình chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số và sẵn sàng cung cấp các ý tưởng cụ thể cũng như kế hoạch công nghệ cho các nước khác thông qua mọi kênh ngoại giao”.

Vấn đề hộ chiếu vắc xin hiện đang được thảo luận tại nhiều quốc gia trên thế giới khi các chính phủ nỗ lực tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin. Khái niệm này cũng được thảo luận bởi nhóm G7 bao gồm 7 nền kinh tế lớn là Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ, trong khi EU dự kiến đưa ra đề xuất phát triển một “hộ chiếu kỹ thuật số” để cung cấp thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 của mỗi cá nhân. Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai mô hình giấy chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số như vậy.

Không chỉ các chính phủ, hàng loạt hãng hàng không cũng đang thúc giục triển khai hộ chiếu vắc xin nhằm sớm bình thường hóa hoạt động du lịch và vận tải xuyên biên giới. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA hiện đang nghiên cứu triển khai chứng nhận điện tử cho hành khách đã tiêm vắc xin mang tên IATA Travel Pass.  Các hãng hàng không lớn như Etihad Airways hay Emirates cũng dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng chứng nhận điện tử này ngay trong các tháng tới, khi IATA đưa vào sử dụng. Chứng nhận cũng cung cấp cho hãng hàng không và chính phủ các thông tin khác của hành khách như lịch trình di chuyển để tiện theo dõi dịch tễ.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đang đặt câu hỏi về việc liệu hộ chiếu vắc xin có phù hợp trong bối cảnh nhiều quốc gia đang vật lộn để đảm bảo có đủ liều lượng vắc xin Covid-19 cho công dân. Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết tại một cuộc họp giao ban ở Geneva hôm 8/3 rằng cần cân nhắc vấn đề thực tế và yếu tố đạo đức khi các quốc gia hướng tới việc sử dụng hộ chiếu vắc xin như một điều kiện nhập cảnh. Ông Ryan cho rằng kế hoạch này không công bằng đối với những công dân tại các quốc gia chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ vắc xin. 


NTTD
Cùng chuyên mục