Chè Việt chinh phục thị trường Hoa Kỳ bằng cách nào?
Xuất khẩu chè tăng mạnh cả lượng và kim ngạch
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 9/2022 đạt 13,2 nghìn tấn, trị giá 21,3 triệu USD, tăng 13,2% về lượng và tăng 4,8% về trị giá so với tháng 9/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 9/2022 đạt 1.609,2 USD/tấn, giảm 7,5% so với tháng 9/2021.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè đạt 92,1 nghìn tấn, trị giá 157,8 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.714 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, lượng và trị giá xuất khẩu chè tới thị trường Pakistan ghi nhận mức tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022, đạt 38,1 nghìn tấn, trị giá 71,7 triệu USD, tăng 36,9% về lượng và tăng 31% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân tới thị trường này đạt 1.881,4 USD/tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu chè sang Pakistan mở rộng, chiếm 41,4% tổng lượng chè xuất khẩu, tăng 11 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Pakistan luôn là thị trường nhập khẩu chè chính của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên thế giới, chính vì vậy xuất khẩu chè sang thị trường này tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy ngành chè phục hồi trở lại.
Ngoài ra, mặt hàng chè còn xuất khẩu tới các thị trường khác, tuy nhiên lượng và trị giá xuất khẩu tới các thị trường này đều giảm trong 9 tháng đầu năm 2022 như: Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 11,7 nghìn tấn, trị giá 19,9 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; Tiếp theo là thị trường Nga, Trung Quốc và Iraq.
Thị phần chè của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh
Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu chè lớn của Việt Nam, có mức tăng trưởng rất mạnh trong những tháng đầu năm. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), nhập khẩu chè của Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 83,7 nghìn tấn, trị giá 350,8 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè nhập khẩu bình quân đạt 4.189 USD/tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Argentina là thị trường cung cấp chè lớn nhất cho Hoa Kỳ, lượng và trị giá nhập khẩu từ thị trường này đều tăng, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu chè từ Argentina giảm trong 8 tháng đầu năm 2022.
Tiếp theo, Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu chè từ thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2022, đạt 10,4 nghìn tấn, trị giá 41,3 triệu USD, tăng 35,5% về lượng và tăng 25,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Trung Quốc tăng từ 9,9% trong 8 tháng đầu năm 2021, lên mức 12,4% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ, lượng và trị giá chè nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng chè nhập khẩu từ Việt Nam tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam vẫn còn thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ, chì chiếm 5,5% tổng lượng chè nhập khẩu.
Chè đen và chè xanh là 2 chủng loại chính Hoa Kỳ nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2022. Trong đó, chè đen là chủng loại nhập khẩu lớn nhất, đạt 70,9 nghìn tấn, trị giá 214,5 triệu USD, tăng 7,8% vê lượng và tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Argentina và Ấn Độ là 2 thị trường cung cấp chè đen lớn nhất cho Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Hoa Kỳ nhập khẩu chè đen từ Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh cả về lượng và trị giá, tuy nhiên chỉ chiếm 5,9% tổng lượng chè đen Hoa Kỳ nhập khẩu.
Hoa Kỳ nhập khẩu chè xanh trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 11,5 nghìn tấn, trị gá 130,9 triệu USD, tăng 5,1% về lượng và tăng 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường cung cấp chính chè xanh cho Hoa Kỳ, trong đó Hoa Kỳ tăng mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, đạt 4,8 nghìn tấn, trị giá 24,1 triệu USD, tăng 27,4% về lượng và tăng 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam cung cấp một lượng nhỏ chè xanh cho Hoa Kỳ, tuy nhiên lượng nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh.
Dự báo của các cơ quan chức năng, nhu cầu chè sẽ tiếp tục tăng trong năm tới-2023, tạo cơ hội cho ngành sản xuất mặt hàng nông sản này của Việt Nam.
Nghiên cứu do Hiệp hội chè Hoa Kỳ cho biết người tiêu dùng đã chuyển sang dùng chè trong những thời điểm khó khăn. Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2023 với nhận thức chè là một chất kích thích để giảm căng thẳng, cũng như mang lại cảm giác “tập trung” trong thời điểm lo lắng.
Hiệp hội này cũng dự đoán, năm 2023, chè sẽ tiếp tục tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, chè nguyên lá (chè đặc sản) đang tiếp tục gia tăng mức độ phổ biến đối với người tiêu dùng trên tất cả các đối tượng. Những người tiêu dùng đang tìm kiếm câu chuyện đằng sau các sản phẩm yêu thích của họ về lịch sử, địa lý và truyền thống.
Covid-19 tiếp tục làm nổi bật “sức mạnh của chè” trong việc tăng cường sức khỏe. Chè đen bắt đầu phổ biến hơn từ dưới bóng của hào quang của chè xanh với các đặc tính dành cho sức khỏe.
Để cạnh tranh được với các quốc gia khác khi xuất khẩu chè vào Hoa Kỳ, Việt Nam cần đa dạng về chủng loại chè, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hàm lượng chế biến và tăng khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp chè cần thay đổi mô hình quản trị, tập trung vào thiết kế lại thương hiệu, bộ sản phẩm, bao bì, nhãn mác thật chuyên nghiệp, mang đẳng cấp, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.