Chênh lệch giá nước giữa NM sông Đà, sông Đuống: "Vì sao miếng bánh lại bị tranh giành đến vậy?"
Sau sự cố nhiễm dầu thải của Sông Đà, mọi sự chú ý bắt đầu đổ dồn về Công ty CP Nước mặt sông Đuống. Công ty này thuộc Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên - nữ doanh nhân nổi tiếng, thường được gọi là Shark Liên, đang sở hữu 51% cổ phần chi phối. Ngoài ra, nữ tỉ phú lọt top 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2018, bà Jareeporn Jarukornsakul, thông qua các công ty thành viên của mình đã chi hơn 2.000 tỷ để ‘thâu tóm” 34% cổ phần Sông Đuống.
Hiện giá nước sạch Cty CP Nước mặt sông Đuống của shark Liên đang ở mức cao hơn một nửa so với giá của Cty CP nước sông Đà (Viwasupco). Cụ thể, giá nước của Viwasupco bán ra là 5.973 đồng/m3, trong khi đó, giá mua buôn của nhà máy nước sống Đuống là 10.264 đồng/m3.
Theo tìm hiểu của PV, nhà máy nước sạch sông Đuống hiện có công suất 300.000m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm Hà Nội có thể phải bù lỗ lớn hơn nếu nhà máy Sông Đuống được vận hành tối đa công suất và giá bán lẻ nước không tăng.
Nhiều ý kiến băn khoăn rằng, việc Hà Nội đang tính toán phương án tăng giá nước sạch có phải do chịu sức ép từ giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống? Xung quanh vấn đề này Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính).
Thưa ông, sau vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải, TP.Hà Nội đề xuất xem xét việc tăng giá nước. Trong khi chất lượng lượng chưa đảm bảo thì việc tăng giá nước có hợp lý?
Việc xem xét điều chỉnh giá nước và vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải là hai vấn đề khác nhau. Việc điều chỉnh giá nước đã có lộ trình từ trước, tuy nhiên, lại trùng với thời điểm xảy ra vụ bê bối kia nên mới có băn khoăn này.
Việc các công ty nước sạch đưa ra những lý do dẫn tới việc tăng giá nước sạch có thể là hợp lý nếu những chi phí đầu ra không bù đắp đủ cho những chi phí đầu vào, tức là có khoản lỗ khi giá nước sạch thấp hơn so với giá thành sản xuất. Nếu những lý do đưa ra chính xác, hợp lý thì việc tăng giá nước sạch là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Việc tăng giá nước sạch theo lộ trình cũng giúp người dân đỡ bỡ ngỡ, không ảnh hưởng tới khả năng chi trả của người dân. Hơn nữa, nước là nguồn tài nguyên rất được tiết kiệm, có thể việc tăng giá nước sẽ giúp cho người dân có ý thức tiết kiệm nguồn tài nguyên này hơn. Tuy nhiên, vì đây là mặt hàng độc quyền nên nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ giá nước.
Ông đánh giá thế nào về việc, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT), trong khi đó, giá nước của nhà máy nước sông Đà là 5.069,76 đồng/m3. Như vậy giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống cao hơn một nửa so với giá bán của nước sạch sông Đà?
Việc tính toán giá nước của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ có cơ quan tính toán và đưa ra HĐND thẩm định. Giá nước được tính toán trên lợi nhuận và chi phí đầu vào và các cơ quan chức năng giám sát, cơ quan độc quyền thẩm định chứ không có chuyện doanh nghiệp đưa ra bao nhiêu cũng được.
Việc chênh lệch giá giữa nhà máy nước sông Đà và sông Đuống có hợp lý không thì các cơ quan thẩm định, đánh giá hết sức công tâm, khách quan. Tránh hiện tượng móc lối, nhận hối lộ, lợi ích nhóm khiến người dân chịu thiệt thòi.
Theo tôi, cần xem xét xem có sự hợp lý không giữa việc chỉ sản xuất mỗi mét khối nước tại chỗ giá chỉ hơn 1.000 đồng mà chi phí vận chuyển hết 9.000 đồng/khối như đại diện Công ty CP Nước mặt sông Đuống nói hay không? Việc làm này cần khách quan, có cơ quan độc lập thẩm định, nếu không người thiệt lớn nhất sẽ là người dân.
Thưa ông, nhà máy nước sạch sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày đêm, nếu tính nhà máy này vận hành mỗi ngày 100% công suất thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ mỗi ngày 3 tỷ đồng. Giá mua buôn của nhà máy nước sống Đuống là 10.264 đồng/m3 trong khi giá nước sạch tối thiểu hiện nay bán lẻ chỉ 5.973 đồng/m3. Như vậy, mỗi năm Hà Nội có thể phải bù lỗ lớn hơn nếu nhà máy Sông Đuống được vận hành tối đa công suất và giá bán lẻ nước không tăng. Vậy liệu việc điều chỉnh giá nước lần này phải chăng do áp lực bù lỗ từ Nhà máy nước sông Đuống mang lại?
Chúng ta phải hiểu rõ về quy trình, nguyên tắc định giá nước. Giá nước là giá chung là toàn thành phố, không có chuyện doanh nghiệp thích bán khu vực này với giá này, khu vực kia giá khác đều được. Hiện có tình trạng các đại lý của các nhà máy nước đang bán với giá cao giá niêm yết nên nhà nước cần phải thanh tra lại.
Mặt hàng nước cũng như mặt hàng điện được bán độc quyền. Vì thế nhà nước phải đưa ra một khung giá chung và phải tính toán đủ chi phí, nếu không sẽ phải bù lỗ cho doanh nghiệp. Cũng như câu chuyện xe buýt vậy, nếu đưa ra giá cao, dân không sử dụng thì Nhà nước phải bù lỗ. Ở đây cũng vậy, nếu Hà Nội không tính toán đủ chính xác thì sẽ phải bù lỗ do chính sách an sinh xã hội.
Việc điều chỉnh giá nước sẽ dựa trên những nghiên cứu, đề xuất của các cơ quan liên ngành do Bộ Tài chính chủ trì. Việc tăng giá cần có cơ chế minh bạch và phải chứng minh được việc làm này là cần thiết ở thời điểm hiện tại.
Hiện tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất chú trọng đầu tư vào ngành nước sạch ở nước ta. Mới đây, một tỷ phú Thái đã chi 2.000 tỷ mua 34% cổ phần Nhà máy nước sông Đuống. Ông đánh giá thế nào về cuộc đua giành thị phần nước sạch ở Việt Nam?
Cơ chế thoái vốn Nhà nước mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì sao các doanh nghiệp giành nhau phân chia "chiếc bánh béo bở" này? Đây là một cơ hội vàng, thương quyền lớn. Nguồn cầu ổn định và chỉ có xu hướng tăng chứ không giảm.
Người ta có thể không đi xem phim hôm nay, không đi du lịch năm nay nhưng nước thì ngày nào cũng cần phải có. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất nước hiện gần như được độc quyền khu vực, vì thế giải thích vì sao miếng bánh này lại bị tranh giành đến vậy.