Chỉ 2ha nhà kính, lãi 7 tỷ đồng/năm nhờ lan Hồ Điệp

05/03/2020 10:00 GMT+7
Từ khu đất rộng 3,5ha vùng sình lầy, chủ yếu được nuôi thủy cầm những không hiệu quả. Sau 20 năm, dưới bàn tay của những người nông dân, vùng đất này đã trở thành khu sản xuất hoa lan công nghệ cao cho lợi nhuận 7 tỷ đồng/năm.

Không ai nghĩ cách đây 20 năm, khu đất rộng 3,5ha này là vùng sình lầy, chủ yếu được nuôi thủy cầm. Khi lợi nhuận chẳng đủ để duy trì cuộc sống của các xã viên, nên chị Bùi Thị Bích Hường – Giám đốc HTX Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) "đánh liều" chuyển hướng trồng hoa lan.

Thời điểm đó, nguồn cung lan Hồ Điệp – loài hoa có vẻ đẹp độc đáo, mùa sắc đa dạng và bền lâu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Đài Loan, Trung Quốc. Do đó, vấn đề thành – bại phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật sản xuất, còn đầu ra thì có bao nhiêu cũng vẫn thiếu.

Chỉ 2ha nhà kính, lãi 7 tỷ đồng/năm nhờ lan Hồ Điệp - Ảnh 1.

Chị Bích Hường (áo xanh đen) đang giới thiệu cho cán bộ Agribank về hiệu quả kinh tế từ trồng hoa lan trong nhà kính.

Nghĩ là làm, chị Hường tìm đến các đơn vị hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp trong nước như Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc để hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lan Hồ Điệp.

Vừa làm, vừa học vừa quan sát, chị Hường nhận thấy, hầu hết cơ sở trồng lan Hồ Điệp ở miền Bắc, công việc điều tiết để hoa nở theo ý muốn đều áp dụng xử lý ở nhiệt độ thấp bằng cách chuyển cây lên các vùng có khí hậu mát mẻ như Sa Pa, Mộc Châu. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển thường phát sinh nhiều vấn đề xảy ra và chi phí tốn kém như hao hụt do chết, gẫy cành, tiền thuê nhân công, vận chuyển, thuê mặt bằng…

Chỉ 2ha nhà kính, lãi 7 tỷ đồng/năm nhờ lan Hồ Điệp - Ảnh 2.

Mô hình trồng lan Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội)

Ngoài ra phương pháp này chỉ xử lý cho cây ra hoa được 1 vụ/năm mà không cho hoa quanh năm theo yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Chất lượng hoa cũng kém hơn như cành ngắn, cong queo không thẳng, hoa nhỏ, cây bị hư trong quá trình vận chuyển, dễ nhiễm nấm và virus.

Nhận thức được vấn đề trên, HTX Đan Hoài đã nghiên cứu đầu tư hệ thống làm lạnh, xử lý ra hoa tại chỗ, từ đó chủ động được nhiệt độ, ánh sáng và tạo được điều kiện tốt nhất cho hoa phát triển.

"Chi phí nghiên cứu để phát triển các dòng hoa lan lại rất tốn kém. Để cho ra các màu sắc độc đáo và ra hoa trái mùa cực kỳ tốn kém (chiếm khoảng 15 – 20% chi phí đầu tư). Thế nhưng ngày ấy, HTX chẳng có tài sản thế chấp. Mỗi xã viên phải lấy danh nghĩa cá nhân để vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), sau đó góp lại dựng những khu nhà lưới.

Tuy nhiên, nhờ có sự quyết tâm của chị và các xã viên, mô hình trồng hoa lan bước đầu đã có kết quả tích cực, HTX của chị Bích Hường được Agribank tạo điều kiện tối đa về nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất", chị Hường chia sẻ.

Đến nay, HTX Đan Hoài đã có cơ sở vật chất tiên tiến với 20.000m2 nhà kính công nghệ cao để sản xuất hoa cao cấp (trong đó có 2.200m2 sản xuất hoa giống và 17.800m2 sản xuất hoa thương phẩm). Điều này giúp HTX kiểm soát được gần như hoàn toàn quy trình sản xuất mà không phụ thuộc vào bất cứ ngoại cảnh nào.

Cùng với đó, HTX cũng đầu tư hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa tại chỗ trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt sau thu hoạch.

Nhờ sự đầu tư bài bản trên, HTX Đan Hoài sản xuất trung bình khoảng 800.000 cây giống và cây thương phẩm. Trong đó có 500.000 cây thương phẩm được tung ra thị trường quanh năm, 80% phục vụ vào dịp Tết. Mỗi năm, HTX Đan Hoài thu về từ 24 – 25 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt hơn 7 tỷ đồng.

Chỉ 2ha nhà kính, lãi 7 tỷ đồng/năm nhờ lan Hồ Điệp - Ảnh 4.

Chị Hường còn dày công thiết kế trang trại hoa lan của mình giống như một khu du lịch sinh thái.

Hiện trang trại hoa lan Flora của HTX của chị Bích Hường có những loài lan Hồ Điệp nở vào mùa hè và những giống mà hiện nay thị trường hoa ở Việt Nam gần như không có, phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chị Hường còn dày công thiết kế trang trại hoa lan của mình giống như một khu du lịch sinh thái.

"Đặc điểm hoa lan Hồ Điệp của HTX Đan Hoài là độ bền từ 45 – 60 ngày kể từ thời điểm nở bông đầu tiên và đảm bảo các nụ trên cây đều được nở hết", chị Bích Hường chia sẻ. Thương hiệu hoa "Flora Việt Nam" được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền.

Những người nông dân trước đây quen cấy lúa, thì sau nhiều năm đào tạo họ có thể làm được những kỹ thuật phức tạp trong nuôi cấy mô, nhân giống hoa lan theo công nghệ cao. Đó là niềm vui lớn nhất của nữ Giám đốc HTX Đan Hoài.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục