Chi phí tăng nhanh, lãi sau thuế của Bảo hiểm Quân đội “rớt” mốc trăm tỷ

28/10/2020 09:58 GMT+7
Tốc độ tăng trưởng chi phí lớn hơn doanh thu, CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) lãi sau thuế 9 tháng đầu năm giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo tài chính quý III/2020, CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) báo lãi trước thuế chỉ xấp xỉ 123 tỷ đồng. Kết quả này giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi sau thuế giảm tương ứng 15%, xuống còn 98 tỷ đồng, riêng trong quý III đạt 17,5 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC)

Báo cáo tài chính quý III/2020 của CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC)

Trong kỳ, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm – nguồn doanh thu chính của MIC mang về 1.604,7 tỷ đồng, tăng 33,1% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm gốc, bảo hiểm xe cơ giới là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 56% trong tổng doanh thu phí. Tiếp đó là mảng bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người và bảo hiểm kỹ thuật,...

Doanh thu hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm 2020 của Bảo hiểm Quân đội tăng từ mức 133 tỷ lên 151,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 13,8%.

Cùng với sự gia tăng của doanh thu, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh 44,9%, chiếm 83,9% doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh là do sự tăng trưởng chi phí tại hầu hết các khoản mục.

Trong đó, chi bồi thường tăng 1,54 lần, lên 513 tỷ đồng; Dự phòng giao động lớn tăng từ 11,8 tỷ lên 14,6 tỷ đồng; Chi hoa hồng bảo hiểm tăng 1,37 lần và chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 1,4 lần.

Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 12,4% so với cùng kỳ. Ngược lại, chi phí hoạt động tài chính và chi phí khác được tiết giảm song so về giá trị tuyệt đối, mức chi phí này không đáng kể so với các loại chi phí còn lại của doanh nghiệp.

Tính tới 30/9/2020, tổng tài sản của Bảo hiểm Quân đội đạt 5.289 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm trước. Tài sản ngắn hạn chiếm 83,7% tổng tài sản của MIC. So với đầu năm, tài sản ngắn hạn tăng 2,9%.

Trong đó, khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền tăng đột biến từ 13 tỷ đồng vào cuối tháng 12 lên 185 tỷ đồng.

Các khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 9,4% trong khi đầu tư tài chính dài hạn tăng lên gần gấp 3 lần với 378 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Bảo hiểm Quân đội (MIC) lên tới 3.849,5 tỷ đồng, trong đó có tới 3.784,7 tỷ là nợ ngắn hạn, tăng 12% so với cuối năm 2019.

Tại thời điểm cuối quý III/2020 có 1.780 nhân viên, tăng 93 nhân viên so với cuối năm 2019. Bình quân, mỗi tháng MIC tuyển dụng thêm 10 nhân viên mới.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục