dd/mm/yyyy

Chiềng Ân mở rộng diện tích khai hoang ruộng bậc thang

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Ân (Mường La) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân khai hoang ruộng bậc thang trồng cây lúa nước, giảm diện tích lúa nương, góp phần tăng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích, đảm bảo lương thực tại chỗ, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con vùng cao nơi đây.

Chiềng Ân là xã vùng III của huyện Mường La. Xã nằm cách trung tâm huyện 40 km, giao thông đi lại khó khăn. Chiềng Ân có 7 bản với hơn 500 hộ dân, gồm dân tộc Mông và La Ha cùng sinh sống. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống người dân Chiềng Ân vẫn còn nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV, ông Sùng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ân, cho biết: Chiềng Ân có địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, do vậy diện tích đất nương rẫy canh tác lâu năm bị rửa trôi nhiều, bạc màu, khiến năng suất cây lúa, cây ngô ngày một thấp. Để từng bước nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, ổn định cuộc sống, xã Chiềng Ân đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân khai hoang ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện phù hợp nhằm mở rộng diện tích đất trồng lúa nước. Đồng thời, chú trọng quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng.Đến nay, Chiềng Ân đã kiên cố hóa 6,1 km kênh mương thủy lợi.

Chiềng Ân mở rộng diện tích khai hoang ruộng bậc thang - Ảnh 1.

Việc canh tác ruộng bậc thang góp phần giúp đảm bảo an ninh lương thực cho người dân Chiềng Ân.

Bên cạnh đó, xã Chiềng Ân đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa trên đồng ruộng, như bón phân, sử dụng công cụ máy móc thay thế sức kéo của trâu, bò. Cùng với đó, hàng năm trước khi bước vào mùa gieo cấy, Chiềng Ân đã hướng dẫn người dân trong xã cách làm mạ, nạo vét kênh mương nhằm đảm bảo tiến độ mùa vụ.

Chia sẻ với PV, anh Cứ A Gạng, Trưởng bản Nong Hoi Dưới, bảo: Năm 2019, bà con trong bản đã được đầu tư sửa chữa lại tuyến kênh mương dài hơn 1,2 km, quá đó góp phần đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho hơn 43 ha ruộng bậc thang. Hiện, bản có 130 hộ. Nhà nào cũng có ruộng bậc thang. Nhờ vậy, quanh năm không phải lo thiếu đói vào dịp Tết và mùa giáp hạt như trước đây nữa. Tỷ lệ hộ nghèo trong bản từng bước giảm dần.

Chiềng Ân mở rộng diện tích khai hoang ruộng bậc thang - Ảnh 2.

Ruộng bậc thang ở Chiềng Ân giúp giữ được rừng, giữ đất, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhiều già làng ở Chiềng Ân kể rẳng, ruộng bậc thang nơi đây đã được các cụ khai hoang từ cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên, số diện tịch ruộng bậc thang không được nhiều như bây giờ. Sau khi được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, vận động về lợi ích của ruộng bậc thang, người dân Chiềng Ân đã tích cực khai hoang diện tích ruộng và giảm dần diện tích nương rẫy.

"Đây là nguồn cung cấp lương thực chính, góp phần ổn định đời sống dân sinh. Không những vậy, ruộng bậc thang còn là tài sản có giá trị mang đậm nét văn hóa truyền thống của bà con đồng bào Mông", anh Gạng nói.

Mặt khác, những năm trước đây, do giao thông đi lại khó khăn nên diện tích ruộng bậc thang. Từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm mở rộng các tuyến đường giao thông từ xã đến bản đã tạo điều kiện người dân đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận chuyển nông sản. Từ đó, diện tích đất trồng lúa ruộng bậc thang ngày càng tăng lên. So với việc làm nương làm rẫy, nhiều hộ dân đã được xoá khỏi danh sách hộ nghèo. Đặc biệt, có nhiều hộ gia đình còn dư thừa lương thực để bán, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Chiềng Ân mở rộng diện tích khai hoang ruộng bậc thang - Ảnh 3.

Ruộng bậc thang ở Chiềng Ân.

Những năm gần đây, ngoài tận dụng các giống lúa thuần địa phương như tẻ đỏ, tẻ trắng để đưa vào gieo cấy, người dân Chiềng Ân đã đưa giống lúa Nhị ưu 838 vào trồng, kháng được nhiều loại sâu bệnh, tạo ra năng suất cao. Khi nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, đời sống được cải thiện, người dân Chiềng Ân đã chủ động mua sắm máy cày bừa, máy tuốt lúa vào sản xuất, thay thế bằng việc dùng sức trâu và sức người như trước đây. Nhờ đó, người dân có được nhiều khoảng thời gian hơn để làm việc khác.

Hiện, toàn xã Chiềng Ân có gần 100 ha ruộng bậc thang, sản lượng đạt trên 460 tấn/năm, tập trung ở các bản, như: Nong Hoi Trên, Nong Hoi Dưới, Nong Bông, Xạ Súng, Háng Trạng… Nhờ vậy, sản lượng lương thực bình quân đầu người của xã đạt hơn 153 kg/năm.

Chiềng Ân mở rộng diện tích khai hoang ruộng bậc thang - Ảnh 4.

Việc khai hoang ruộng bậc thang góp phần giải quyết bài toán xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Anh Cháng A Chu, bản Nong Bông tâm sự: Trước đây, diện tích ruộng bậc thang được ông bà khai hoang từ trước chỉ có 100 m2. Hiểu được lợi ích của việc canh tác trên ruộng bậc thang, cách đây khoảng 5 năm, gia đình tôi tiếp tục mở rộng thêm 5.000 m2 ruộng bậc thang. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như phân bón, sử dụng giống lúa mới trong canh tác nên năng suất cao hơn hẳn. Vụ năm nay, gia đình tôi thu được hơn 100 bao thóc, thoải mái ăn cả năm. So với sản xuất cây lương thực trên nương thì ruộng bậc thang cho hiệu quả và năng suất cao hơn nhiều. Làm ruộng bậc thang, không làm ảnh hưởng đến đất canh tác, giữ được độ màu mỡ của đất, giữ được rừng và ít tốn thời gian chăm sóc. Đặc biệt, việc canh tác ruộng bậc thang, người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun cỏ nữa.

Chia tay xã Chiềng Ân, hình ảnh những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp, uốn lượn mềm mại quanh các triền đồi, sườn núi như muốn níu chân chúng tôi ở lại nơi đây lâu hơn. Có thể nói, việc khai hoang ruộng bậc thang ở Chiềng Ân đã góp phần giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đây thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Mặt khác, tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái. Qua đó, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con đồng bào người dân tộc thiểu số ở nơi rẻo cao.

 

Tuệ Linh - A Và